Cô bé Watarase Mamizu bị mắc “bệnh phát quang” từ năm đầu cấp hai, một căn bệnh nan y chỉ xuất hiện ở những người trẻ tuổi từ 10 đến 25 mà bất cứ ai mắc căn bệnh này đều như cầm chắc cái chết. Để rồi khi lên cấp ba, bệnh tình tiến triển ngày càng nặng, buộc Mamizu phải nghỉ học. Và như một hình thức quan tâm từ những người bạn trong lớp học mới, các cô bé cậu bé đã viết chung một tấm thiệp để gửi gắm những lời chúc tới Mamizu rồi giao nhiệm vụ cho Okada Takuya, mang tấm thiệp đến trao tận tay Mamizu.
Đó, cũng là khởi đầu cho lời hứa lạ kì giữa hai người trẻ mang hoàn cảnh đặc biệt, nối kết với nhau bởi cái chết, mà kiếm tình yêu hiện hình trong sự sống.
Căn bệnh và cô đơn
Là tác phẩm đầu tay nhưng đã đánh dấu thành công bước đầu của tác giả Sano Tetsuya trên con đường văn chương với giải Đặc biệt Tiểu thuyết Dengeki lần thứ 35, trong tiểu thuyết Em là ánh sáng giữa đêm trăng, xuất hiện một căn bệnh, do nhà văn tưởng tượng ra, “bệnh phát quang”. Đúng như tên gọi, bất cứ ai mắc phải căn bệnh này, “ban đêm, khi đứng dưới ánh trăng, cơ thể bệnh nhân sẽ phát ra ánh sáng mờ mờ như huỳnh quang. Bệnh càng tiến triển nặng, độ sáng càng mạnh.” Và “một khi phát bệnh thì tỉ lệ tử vong rất cao, đa số sẽ chết trước khi trưởng thành.”
Tuy nhiên, đề cập đến “bệnh phát quang”, Tetsuya tiên sinh không nhằm khắc họa toàn bộ đời sống của các bệnh nhân vật lộn chống chọi với bệnh tật. Mà anh chỉ tập trung, đến cuộc đời như gắn liền với giường bệnh của cô bé Watarase Mamizu mà thôi. Một cô bé xinh đẹp, phát hiện bệnh tình từ những năm đầu cấp hai nhưng vẫn kiên cường đến tận giây phút cuối cùng để được làm một học sinh, cắp sách đến trường bình thường như bao học sinh khác. Một cô gái trẻ, dẫu mắc bệnh hiểm nghèo mà vẫn luôn nở nụ cười trên môi và khao khát bước chân ra “ngoài kia”. Một thiếu nữ mạnh mẽ, cũng rất mực dịu dàng như thế, song “khiếm khuyết” cả về cơ thể lẫn cuộc sống, cơ thể bệnh tật và gia đình tan vỡ.
Một Mamizu rơi vào nghịch cảnh đến thế mà hiện lên trên trang sách, hiện lên trước Okada Takuya ngày đầu gặp gỡ, lại bình thản và rạng ngời đến lạ. “Cô vừa nói vừa cười e thẹn, hàm răng trắng muốt. Cách cô phát âm chữ “thích” rất dễ thương. […] Ấy thế mà Mamizu lại phát biểu như thể đang hào hứng đón chờ cái chết.”
Là vì Mamizu đã chấp nhận số phận nên quyết định đè nén cảm xúc để vui cười, sống thảnh thơi, trọn vẹn khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại hay sao? Hay thật sự không như vậy. Bởi còn gì nghiệt ngã hơn, khi một cô gái mới 16 tuổi, phải ngày ngày đối mặt với cái chết của chính mình, quỹ thời gian với tương lai “là con số 0.” Còn ước mơ, hi vọng, dự định thì sao?
Nên vốn dĩ, sự “bình thản” Mamizu thể hiện, lại càng thêm phần đau xót. Vẻ thản nhiên ấy, tựa chiếc mặt nạ, che giấu đau thương cùng nỗi cô đơn thăm thẳm hằn sâu trong tâm hồn cô bé tuổi 16, nhỏ bé giữa bốn bức tường bệnh viện.
Căn bệnh, đánh gục cô gái trẻ, để lại cho cô sự cô độc của một kẻ chỉ có thể đợi chờ lưỡi hái tử thần. Không ai có thể thay Mamizu chịu đựng đớn đau về thể xác, lẫn khổ đau về tinh thần, khi trọn vẹn thời gian, gần như cô bé chỉ có “một mình”.
Nhưng, căn bệnh, cũng vô tình nối kết Mamizu với những cá nhân cô đơn khác. Là người mẹ đã chăm sóc cô hàng ngày, là người tác giả quá cố mắc cùng căn bệnh như cô – Shizusawa So qua trang sách Một vệt sáng, và là cậu bạn Okada Takuya đã dành thời gian bên cô cho đến tận giây phút cuối cùng.
“Bệnh phát quang” là tưởng tượng của tác giả Sano Tetsuya và đây cũng như một biểu tượng đặc biệt anh xây dựng xuyên suốt trang viết Em là ánh sáng giữa đêm trăng. Đó là hiện hình của cô đơn và cái chết, cũng là sợi dây nối kết những con người đang chênh vênh giữa hai bờ sinh – tử và như soi sáng những trái tim nhạy cảm, giàu yêu thương.
Cái chết và thời gian
Từ chứng bệnh phát quang và hình ảnh cô bé Watarase Mamizu “tỏa sáng như một con đom đóm mang trên mình sinh mệnh ngắn ngủi”, tác giả Sano Tetsuya đã mở ra cả không gian truyện Em là ánh sáng giữa đêm trăng tràn ngập cái chết tồn tại.
Cái chết muôn hình vạn trạng, hiện hình ở mọi trạng thái, trải dài từ quá khứ đến hiện tại, ám ảnh trong từng khoảnh khắc, suy nghĩ của con người. Sự ra đi đột ngột của anh trai Kayama và cái chết gần như ngay sau đó của chị Takuya đã trở thành bóng ma quá lớn trong cuộc sống và tâm hồn của hai đứa trẻ đang tuổi trưởng thành. Để chúng, cứ vậy ôm theo cái bóng người đã khuất cùng những mối hoài nghi không thể lí giải đáp về sinh mệnh con người cùng chữ “tử” vừa mơ hồ, lại vừa như hữu hình ngay bên cạnh; mặc cho, cách chúng đối diện trước nỗi hoang mang đầu đời như thế nào. “Liệu người chết có nuốt chửng người sống luôn không?”
Cái chết, tồn tại ngay trong đời sống thực tại, ở sự ác ý đến thản nhiên, thậm chí là như sự cuồng dại của những đứa học trò, tuổi đời còn rất trẻ. “Mày chết sớm bọn tao càng mừng.” Lời nói và hành động một đám đông có thể bức tử một con người, có lẽ, cũng chỉ đến vậy mà thôi.
Và hơn cả, cái chết lẩn quất ở mọi ngõ ngách trong cuộc sống của Mamizu, trong khu bệnh viện như tràn mùi tử khí của những sinh mệnh lìa đời.
Cái chết hiện diện ngay trong sự sống, trong từng khắc từng giây. Cái chết phủ bóng lên thời gian, làm người ta sợ hãi, cũng khiến người ta lạc bước, về ý nghĩa cuộc sống, về giá trị bản thân còn tồn tại trên cõi đời. Để rồi, người ta đón nhận cái chết như một giải thoát cho linh hồn vốn đã chìm sâu trong đủ mọi khổ đau, mâu thuẫn, dằn vặt. “Thời gian quy giá chỉ chớp mắt đã vụt mất trong khi thời gian vô nghĩa lại trôi qua chậm chạp. Tại sao không phải ngược lại?”
Cái chết và thời gian đều hết sức nghiệt ngã, vô tình. Bệnh tật, tai nạn, mất đi mục đích sống… trên trang sách Em là ánh sáng giữa đêm trăng, sinh mệnh mỗi người mong manh xiết bao. Và thời gian trôi, đều như mang trong đó, hạt mầm li biệt hay rút cạn sinh mệnh con người.
Cái chết, là sự kết thúc một cuộc đời. Tuy nhiên, kết thúc với người ra đi song còn người ở lại ngày ngày đối diện với nỗi đau và sự cô đơn, mất phương hướng thì sao? “Người ta yêu nay âm dương cách trở/ Mất đi người ta ở lại làm chi.”
“Ở lại làm chi”, giữa thời gian đằng đặng, mục đích không còn và tương lai quá đỗi mờ mịt?
Tình yêu và sự sống
Nhưng cho dù có viết về cái chết nhiều đến đâu, khắc họa ác ý con người cay đắng đến thế nào, và hiện thực cuộc sống có trần trụi, tàn nhẫn ra sao thì đến tận cùng, tiểu thuyết Em là ánh sáng giữa đêm trăng, vẫn là câu chuyện tràn ngập tình yêu. Tình yêu giữa con người với con người và tình yêu giữa con người với cuộc sống.
Thật vậy,
Trải bàng bạc trên câu chữ, là tình yêu tuổi trẻ rất đẹp mà Mamizu và Takuya đã dành cho nhau. Cách hai đứa trẻ hi sinh vì nhau, cách Takuya làm tất cả để giữ trọn lời hứa giúp cô bạn gái mong manh hoàn thành mọi tâm nguyện trước khi ra đi, cách Mamizu mỉm cười, mạnh mẽ, cùng cả những khoảnh khắc cô bé yếu đuối trước số mệnh… Tất thảy, đều chẳng phải là biểu hiện của hiện hình sự sống, tình yêu, niềm níu giữ cuộc sống đến mãnh liệt hay sao? “Chết rồi hóa thành hư vô, thế giới còn hay mất tớ cũng không nhận thức được. Nhưng […] Tớ muốn biết tương lai của thế giới tuyệt vời mà cậu sống. Vậy nên […] Cậu hãy thay thay tớ sống tiếp, ngắm nhìn, lắng nghe và trải nghiệm thật nhiều điều trên khắp thế giới…”
Sinh, lão, bệnh, tử; dẫu cho vì một lí do nào đó, trong một đời, người ta không thể đi theo tuần tự từng giai đoạn ấy nhưng đến cuối cùng, điểm kết của bất cứ ai, vẫn là “cái chết”. Nhưng, trước chữ chết, là chữ sống, là cách mỗi người sống như thế nào, bởi vốn, quỹ thời gian mỗi người khác nhau song tất thảy, đều là hữu hạn. Sống như cái bóng, vật vờ trên cõi đời hay sống cho bản thân và cho cả phần của người ta yêu thương, lại là lựa chọn lớn, dành riêng cho từng người, hiện diện giữa dòng đời không ngừng hối hả chảy trôi.
Em là ánh sáng giữa đêm trăng, thứ ánh sáng mang theo cửa tử nhưng cũng dẫn lối con người đến với cửa sinh. Hình ảnh trong câu chuyện nhỏ chỉ hơn 200 trang được viết dưới ngôi kể thứ nhất, đẹp đến trầm buồn này của Sano Tetsuya đã đa nghĩa, giàu tính biểu tượng tựa cuộc sống muôn màu vẫn chứa đựng hai mặt trái chiều. Như chính bốn câu thơ của Nakahara Chuya, dù bi ai, buồn thương vẫn lấp lánh hi vọng trong nghị lực sống, trọn vẹn thời gian và trọn vẹn yêu thương: “Người ta yêu nay âm dương cách trở/ Mất đi người ta ở lại làm chi./ Ôm nỗi đau ta dặn lòng sống tiếp/ Tay nắm tay cùng bước hết cuộc đời.”
Mọt Mọt