Ở xứ Shinshu, một tỉnh lẻ thuộc đất nước Nhật Bản, tồn tại một bệnh viện kỳ lạ. Trước cổng bệnh viện luôn có chiếc biển: “Khám chữa bệnh 24 giờ, 365 ngày” ngạo nghễ đứng đó. Kể cả đêm đen, chiếc biển ấy vẫn sáng rực. Nơi đó là chiến trường tàn khốc không chỉ của những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, những con người gần đất xa trời mà còn là cuộc chiến trong nội tâm, trong đời sống của chính những y bác sĩ, để họ đứng vững, và giữ trọn y đức… đến cả giây phút cuối đời.

Bệnh án của thần linh_Natsukawa Sosuke

*Ảnh: Nhã Nam

“Khám chữa bệnh 24 giờ, 365 ngày”

Đó chính là khẩu hiệu, tôn chỉ làm việc và hoạt động của bệnh viện Honjou, thuộc vùng Shinshu (tên cũ của tỉnh Nagano) được trở đi trở lại trong tiểu thuyết Bệnh án của thần linh 2.

c04040123dbfec0fbe8e1402e478c7e6  

Khẩu hiệu ấy, được đóng biển, thắp đèn sáng trưng cũng suốt 24 giờ, 365 ngày, từ năm này qua năm khác ngay trước cổng bệnh viện. Làm việc tận tâm, không ngơi nghỉ, luôn túc trực 24/24 vì sức khỏe, sự sống của người bệnh; chưa kể, là bệnh viện thuộc tỉnh lẻ, chi phí khám chữa bệnh rất rẻ, có thể nói không khi nào, ở Honjou ngưng sáng đèn, không lúc nào, tại Honjou không tất bật hoạt động khám chữa bệnh.

Nhưng, điều đó cũng có nghĩa: 24 giờ, 365 ngày từ năm này sang năm khác, các y bác sĩ của bệnh viện Honjou luôn phải căng mình chiến đấu với tử thần, thậm chí là giữ bình tĩnh trước những đòi hỏi quá đáng từ người bệnh. “Khám chữa bệnh 24 giờ, 365 ngày”, khẩu hiệu đó tựa một lời tuyên thệ của toàn bộ thành viên bệnh viện Honjou khi đối diện với bệnh nhân, một lời tuyên thệ sẵn sàng đánh đổi tất cả, kể cả đời sống cá nhân, kể cả tuổi trẻ, nước mắt, máu, hay là chính tuổi thọ, vì “24 giờ, 365 ngày.

Honjou biến thành chiến trường và tiểu thuyết Bệnh án của thần linh trở thành nơi khắc họa lên bóng hình chiến sĩ nơi chiến tuyến – người y bác sĩ chiến đấu mỗi ngày nhằm đánh đuổi “loài quỷ bệnh”. Nơi chiến trường tàn khốc đấy, không phải tới tập hai Bệnh án của thần linh mới được thể hiện mà sự tàn khốc, đã là một mạch ngầm chảy suốt từ tập một tác phẩm và được tô đậm thêm ở tập hai này. Một chiến trường không tiếng súng, không đạn bom nhưng bào mòn sức khỏe, tinh thần người chiến sĩ từng ngày, từng giờ; một chiến trường mà con người ta sống, chiến đấu, thậm chí là ngã xuống thầm lặng từ ngày này qua ngày khác. Chỉ có chiếc biển hiệu “Khám chữa bệnh 24 giờ, 365 ngày”, vẫn đứng đó, sừng sững tỏa sáng ngày đêm, như tinh thần con người nơi đây trước sự tàn khốc vẫn luôn hiện hữu.

Sự sống này vụt tắt, nhưng sự sống khác lại tái sinh. Người này ngã xuống, tinh thần, lý tưởng, niềm tin của họ sẽ không bao giờ lụi tàn mà luôn có lớp người phía sau kế thừa, phát huy. Bởi, lẽ đơn thuần, đó là bệnh viện Honjou, một bệnh viện được thành lập để “Khám chữa bệnh 24 giờ, 365 ngày.”

Bằng ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện, bác sĩ Kurihara Ichito, xưng tôi đã trực tiếp kể lại những trải nghiệm, cuộc sống khám chữa bệnh tại chiến trường Honjou. Để độc giả, nhận ra, Bệnh án của thần linh, như một cuốn nhật ký, tựa một cuốn bệnh án của chính người viết và của cả những y bác sĩ, những bệnh nhân xuất hiện trong trang sách vậy. Ai cũng mang một căn bệnh riêng, ai cũng phải chiến đấu trọn vẹn “24 giờ, 365 ngày”, vì một ngày mai tươi đẹp hơn.

Bệnh án của thần linh

*Ảnh: Nhã Nam

Đôi cánh thiên thần, cũng có lúc cần được nghỉ ngơi

Vấn có câu nói rằng: Bác sĩ là những thiên thần mặc áo trắng. Nhưng cũng có một sự thật: trước khi trở thành thiên thần, họ là con người. Những con người hết sức bình thường với một cơ thể bình thường. Những con người hết sức bình thường, mang đủ thất tình lục dục như bao người khác. Những con người hết sức bình thường mà khi cởi bỏ tấm áo blouse trắng, họ có một cuộc sống cá nhân riêng với những người thân họ yêu thương. Và tất cả biểu hiện “rất người” hiện hữu nơi các “thiên thần áo trắng”, đã được tác giả Natsukawa Sosuke chuyển tải đầy xúc động trên trang văn Bệnh án của thần linh.

Bởi y bác sĩ là con người, họ không phải thánh thần, càng không phải một cỗ máy vô tri, nên họ cũng biết mệt mỏi, kiệt sức khi phải vật mình làm việc suốt 24 giờ, 365 ngày. Như bác sĩ Kurihara, căng mình làm việc 36, thậm chí 48 tiếng không ngừng nghỉ, anh chỉ còn biết dựa vào cafe để tình táo và thuốc giảm đau để áp chế đi những con đau đầu với tần suất xuất hiện ngày một dày đặc.

Họ cũng biết đau đớn, bâng khuâng, thậm chí là mông lung, vô định, hoài nghi khi phải đứng giữa hai dòng nước: một bên là công việc, một bên là gia đình; một bên là trách nhiệm với bệnh nhân, một bên là trách nhiệm với người thân trong gia đình. Như gia đình bác sĩ Shindou Tasuya, đã phải ly tán bởi áp lực từ phía công việc của hai vợ chồng đều làm bác sĩ. Thậm chí, Tatsuya dẫu đã trốn chạy về quê nhà, về bệnh viện Honjou, vẫn luôn phải đối mặt với ánh nhìn nghi kị từ đồng nghiệp, từ chính người bạn thân nhất thời đại học của anh khi anh không thể bày tỏ rõ ràng nỗi khổ tâm đè nặng lên trái tim anh.

Và họ cũng hiểu lắm sự nghiệt ngã của số phận với mỗi kiếp người, nhất là lúc họ phải đối mặt với những bệnh nhân mắc bệnh nan y, sự sống chỉ còn tính bằng ngày, thậm chí bằng giờ. Đặc biệt, khi bệnh nhân đó còn là người thân họ hằng yêu quý, kính trọng, sự thấu hiểu đó càng thêm thấm thía. Mà càng là bác sĩ giỏi, như Kurihara hay Tatsuya thì sự thấm thía nỗi bất lực của bản thân trước bàn tay tử thần lại càng thêm day dứt.

Chính những khoảnh khắc như thế, họ mới càng thêm cay đắng nhận ra, bản thân họ không có tài phép, họ chẳng phải thiên thần hay khoác lên vai đôi cánh của thiên thần, họ chỉ là những con người bằng xương bằng thịt, đang cố từng ngày, từng giờ khát khao đổi thay số phận một con người. Để dẫu nước mắt họ có rơi, họ cũng không hối tiếc, bởi đã không cố gắng bằng 200% sức lực. “Phép mầu thoáng chốc, chút xúc động ngắn ngủi, có đáng là gì đâu trong dòng chảy vô tận của thời gian. Trong dòng thời gian bao la này, sinh mạng con người chỉ là giấc mộng phù du, như tinh quang của những vì tinh tú vĩ đại trên ngân hà cũng có hồi lịm tắt. Nhưng ta có thể thật sự làm “người”, chính vì đã tận hiến trọn vẹn cho kiếp sống mong manh ấy.”

Tuy nhiên, trên dòng sông sinh mệnh, dù là “đôi cánh thiên thần” hay đôi tay người bác sĩ,khi đã mỏi, cũng cần được nghỉ ngơi. Đơn thuần, vì họ là con người. Đơn thuần, họ cũng cần có những phút giây, tạm đặt xuống những gánh nặng trên vai, tận hưởng một cốc cafe ngon được pha đúng cách, hay đơn giản, chỉ để chìm vào nụ cười tin tưởng của người họ yêu thương. Để không gục ngã trên bước đường dài phía trước. Một chặng đường dài vô tận, tựa một cuộc chạy tiếp sức, mãi tới mai sau: “[,…] nếu không gieo vào lòng thứ lý tưởng ngốc nghếch đó, nếu không nuôi dưỡng nó ngày ngày, thì ai mà giữ được tỉnh táo để có thể tiếp tục làm việc trong cái môi trường tuyệt vọng này chứ?

Bệnh án của thần linh review

*Ảnh: Binh Boog

Bệnh án của thần linh – Bệnh án của những trái tim mang nhiều thương tổn

Được chắp bút bởi chính một bác sĩ, làm việc tại tỉnh Nagano, Bệnh án của thần linh 2 nói riêng, cả series nói chung, chân thực đến nghiệt ngã. Và đúng như tựa đề cuốn sách – Bệnh án của thần linh như một dạng nhật ký, tựa cuốn bệnh án ghi lại từng ngày, từng giờ, từng triệu chứng bệnh và cách thức chữa trị loại bệnh đấy của bác sĩ Kurihara – xưng tôi. Đồng thời với đó là cách anh nhìn nhận, đánh giá những đồng nghiệp, bạn bè xung quanh anh. Để rồi, như đã nói, qua những trang “bệnh án” như những trang nhật ký của một bác sỹ trẻ, độc giả nhận ra, mỗi con người có mặt trong Bệnh án của thần linh 2, dẫu là các cá nhân ta đã biết trước đó qua cuốn một của series hay nhân vật mới xuất hiện, dù y bác sĩ hoặc những con người bình thường sống tại trang viên Ontake, trái tim họ đều ẩn chứa muôn nỗi thương tổn.

Đó có thể thương tổn trong chuyện tình cảm hay tổn thương khi phải chứng kiến những người thân thương, gắn bó bao lâu phải đi vào cõi vĩnh hằng. Đó có thể là thương tổn bởi một linh hồn vẫn đang lạc lối trên con đường đời hoặc tổn thương bởi trước bộn bề công việc, những người yêu thương nhau chẳng thể bên nhau, quan tâm nhau hàng ngày. Không gian trong Bệnh án của thần linh 2 là một dạng không gian hẹp và gần như rất ít sự biến đổi. Có chăng, sự biến đổi thường xuyên chỉ xoay quanh hai không gian: bệnh viện Honjou – trang viên Ontake. Cả hai dạng không gian đều mang ý nghĩa nhà ở đó, quyện hòa cùng dòng thời gian được khắc họa đan xen hiện thực – quá khứ qua một ánh nhìn, cái tôi chủ quan của bác sĩ Kurihara lại càng hẹp hơn bao giờ hết. Không gian, nhuốm cả màu thời gian của “24 giờ, 365 ngày” bùa vây lấy người bác sĩ. Nỗi đau bởi thế, càng thêm đau đớn, sâu sắc hơn.

Nhưng ngay chính chiến trường gần với cái chết hơn cả, ngay chính chiến trường có những con người như đang đốt chính ngọn lửa sinh mạng của bản thân để thắp lên ngọn lửa sinh mạng cho hàng nghìn người khác; tình thương, sự ấm áp vẫn luôn len lỏi, để người ta biết bản thân không đơn độc, để họ hiểu rằng, bên cạnh vẫn có những người sẵn sàng đặt lòng tin vào họ. Chính ngọn lửa ấm áp âm ỉ cháy ở chiến trường khốc liệt mang tên Honjou cùng sự ấm cúng nơi trang viên Ontake, có nụ cười đầy tin tưởng, khích lệ của cô gái Haru hay ngôi nhà nhỏ của bác sĩ Tatsuya vang lên tiếng nói hồn nhiên của cô bé Natsuna…, đã níu giữ lấy sự nhiệt huyết trong trái tim chịu nhiều thương tổn, áp lực của người bác sĩ. Giúp họ sống mà không lãng quên lời thề Hippocarates, không thẹn với lòng, không trái với lương tâm, không vấy bẩn lên hai tiếng y đức.

Và sau tất cả, gần trọn tác phẩm là không gian hẹp, nhưng mở đầu và kết thúc cuốn sách, đều là không gian mở bất tận của ngọn núi thiêng Ontake chính như thông điệp của tác giả Natsukawa Sosuke về hai tiếng hi vọng, tái sinh trong đời sống. Cuộc sống vẫn mãi xoay vần, chẳng thể vì một sinh mệnh mất đi mà dừng lại. Nhưng một ngọn lửa sinh mệnh phụt tắt, thì một ngọn lửa sinh mệnh khác lại bùng lên; và một người mất đi, nhưng người đó vẫn có thể sống mãi trong ký ức người ở lại, chính là “thác về thể xác, còn là tinh anh” vậy.

Mọt Mọt