Tổng giám đốc một công ty lớn qua đời để lại khối tài sản kếch xù. Và bản di chúc phân chia số tài sản ấy sẽ được công bố tại lữ quán Kairotei vào 49 ngày mất của ông, địa điểm gắn bó thân thiết với ông trong những ngày quá vãng. Nhưng tất cả tình yêu, đam mê, dục vọng của những người liên quan cùng bản di chúc ấy đã bị nhấn chìm vào biển lửa bi kịch quá khứ và thảm kịch ở hiện tại.
Không giống như nhiều tác phẩm khác của tác giả Higashino Keigo, tác phẩm thường được kể theo ngôi thứ ba, người kể chuyện mang điểm nhìn toàn tri bao quát toàn bộ diễn tiến câu chuyện, tường thuật lại chi tiết quá trình điều tra cũng như suy nghĩ cả phía người điều tra lẫn những bên liên quan đến vụ án. Thì Vụ án mạng ở lữ quán Kairotei (cũng như Án mạng mười một chữ), được kể theo ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện xưng tôi, tự thuật lại hành trình theo đuổi vụ án của người đó. Và một điểm đặc biệt nữa, nhân vật xưng “tôi” ở đây là một nhân vật nữ, chịu nhiều bất hạnh, phải tự gồng mình lên để đòi lại công lý cho bi kịch chính bản thân cô phải chịu đựng.
Đó là cô gái 32 tuổi tài năng, thư ký riêng của tổng giám đốc Ichigahara Takaaki – Kiriyu Eriko. Cô gái ấy đã bị chính người đàn ông cô yêu mưu đồ ám sát giữa đêm tối tại lữ quán Kairotei. Sau khi bóp cổ cô, anh ta châm lửa hòng tự sát và thiêu rụi toàn bộ chứng cứ. Nhưng may mắn, Eriko sống sót một cách thần kì; tuy vậy, cô cũng bị hủy hoại nhân hình trong vụ hỏa hoạn. Tuy nhiên, với Eriko, đó không phải là kết thúc bởi ẩn tình, sự thật đằng sau vụ án, yêu hận tình thù cùng trách nhiệm cô mang với tổng giám đốc Ichigahara Takaaki vẫn còn đè nặng trên vai cô. Bởi vậy, Eriko đã hi sinh tất cả, kể cả tên gọi, kể cả danh tính, hóa thân vào vai bà lão Honma Kikuyo đã qua đời, nửa năm sau quay lại lữ quán Kairotei vào ngày công bố di chúc của ông Ichigahara nhằm báo thù và đòi lại công lý.
Chính vì đặt điểm nhìn vào vai người phụ nữ đã mất tất cả, để con người đó tự xưng tôi mà tràn ngập trong cuốn tiểu thuyết Vụ án mạng ở lữ quán Kairotei là những suy nghĩ riêng, là suy luận cá nhân, là ánh nhìn chủ quan qua con mắt của một kẻ như chỉ còn sống mà chờ đợi giây phút khám phá ra tất cả ẩn tình, như chỉ tồn tại để đợi chờ phút giây tự tay cô chấm dứt tất cả. Cũng từ ngôi kể thứ nhất đấy mà điểm nhìn trần thuật cũng dễ dàng hướng ra bên ngoài theo ánh nhìn, sự đánh giá của nhân vật đồng thời nhanh chóng trở thành điểm nhìn bên trong khắc họa nội tâm con người.
Và, một câu chuyện trinh thám, được kể từ ngôi thứ nhất đặt lên vai nạn nhân, người bị hại mà chất bi của truyện lại càng thêm sâu sắc. Quá khứ đau thương, vụ hỏa hoạn cách đấy nửa năm tước đi của Eriko tất cả: tình yêu, tương lai, tuổi trẻ. Câu chuyện vì thế như đã vượt ra ngoài một tiểu thuyết trinh thám đơn thuần mà mang đặc điểm của một cuốn tự truyện: tản mát trong suy nghĩ, đứt gãy trong hành động, sự đan xen liên tiếp quá khứ và hiện tại… Bởi vậy sự cực đoan, sự hồ nghi tất thảy, thậm chí là sự lạnh lùng trong ý nghĩa mà cô mang, rất dễ tạo sự đồng cảm nơi độc giả.
Đọc thêm
- Án mạng mười một chữ: Higashino Keigo – Những kẻ vừa là nạn nhân, vừa là hung thủ
- [Higashino Keigo] Ác Ý – Cái ác chảy ngầm
- Thư của Higashino Keigo – “Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”
Án nằm trong án, truyện nằm trong truyện.
Ngay từ những chương truyện đầu tiên, thậm chí ngay trong lời bạt tóm tắt tác phẩm nằm ở trang bìa 4 cuốn Vụ án mạng ở lữ quán Kairotei Nhã Nam xuất bản đã phần nào hé lộ cấu trúc tác phẩm: Vụ án mạng ở lữ quán Kairotei mang hình thức án lồng trong án, câu chuyện này là kết quả của câu chuyện trước đồng thời mở ra câu chuyện về sau. Cấu trúc như vậy đã tạo nên tính lớp lang, móc xích cho toàn bộ cuốn sách gần 300 trang.
Có thể nói, không gian vật lý trong tiểu thuyết Vụ án mạng ở lữ quán Kairotei khá hẹp, gần như mọi hoạt động, sự việc đều diễn ra nơi khuôn viên lữ quán. Vậy nhưng, không gian hẹp nơi lữ quán Kairotei đã chứng kiến trận hỏa hoạn gần như nhấn chìm một cặp đôi nam nữ, lữ quán đó cũng là nơi xảy ra liên tiếp hai vụ án mạng kinh hoảng, và nơi ấy lần nữa lại chìm trong ngọn lửa của lòng tham và hận thù.
Vụ án trong quá khứ, vụ án ngày hiện tại, tất cả lại mở ra những nhánh truyện khác nhau về hàng loạt bí ẩn khó thể cắt nghĩa, khó thể công khai ngoài ánh sáng. Từ bí mật mà người đàn ông quá cố Takaaki vẫn luôn cất giấu tới bí mật Eriko quyết định chôn chặt cùng vụ hỏa hoạn năm nào. Từ mối tình oan trái gắn liền với lữ quán Kairotei tới sự thật câu chuyện về người đàn ông tự vẫn trong hỏa hoạn – Satonaka Jiro. Và giữa thảm án liên hoàn, những góc khuất mà các nhân vật đã luôn lảng tránh cũng dần hé lộ.
Để ta nhận ra, những con người xuất hiện trên trang sách của Higashino Keigo, dẫu là kẻ thủ ác hay nạn nhân hay đơn thuần chỉ là những con người liên đới, vô tình xuất hiện tại lữ quán Kairotei, không một ai không có mảng tối trong quá khứ, trong đời sống, trong tâm hồn. Ai cũng có suy nghĩ và có phần ích kỷ riêng. Lữ quán Kairotei, bi kịch tình yêu và thảm kịch một gia đình, như lát cắt của đời sống xã hội Nhật Bản vào giai đoạn chuyển mình thời suy thoái kinh tế.
Bên cạnh đấy, cấu trúc truyện lồng truyện ở Vụ án mạng ở lữ quán Kairotei còn nằm trong khía cạnh: hành động trả thù của Eriko không chỉ diễn ra song song với hành động của hung thủ thật sự mà còn song song với hành động của cảnh sát. Khác với nhiều tác phẩm trinh thám, cảnh sát chỉ nắm giữ vai trò làm nền, thì ở cuốn tiểu thuyết này, họ là những nhân vật thật sự sống động, có những suy luận đặc biệt sắc sảo giúp thúc đẩy tiến trình phát triển câu chuyện cùng đẩy nhanh đến cao trào suy luận, hành động của nhân vật chính, xưng “tôi”. Dẫu rằng họ vẫn là kẻ đến sau, dẫu rằng đến cuối cùng họ cũng không thể ngăn nổi thảm kịch định sẵn, thì tuyến nhân vật cảnh sát vẫn góp một nhánh truyện quan trọng trong cả mạch truyện chảy trôi 288 trang của tiểu thuyết Vụ án mạng ở lữ quán Kairotei.
Cùng tác giả
- [Higashino Keigo] Bạch Dạ Hành – Đi trong đêm tối – Tội ác trưởng thành
- [Higashino Keigo] Phía sau nghi can X: Hồi hộp bất ngờ đến phút cuối
Bi kịch tình yêu và thảm kịch lòng tham chìm vào biển lửa.
Có lẽ, không phải nói quá nếu như khẳng định rằng: Vụ án mạng ở lữ quán Kairotei là tổng hòa của bi kịch tình yêu và lòng tham con người. Vì một chuyện tình vụng trộm dang dở mà kéo theo sự dở dang của hàng loạt số phận. Vì một tình yêu không nhận được hồi đáp, người ta quyết định phản bội lại yêu thương khi xưa. Vì một tình yêu ngỡ rằng là yêu, đã đẩy người ta xuống bờ vực của hận thù không thoát… Và lòng tham, có thể khiến người ta trở mặt lại với chính thân thích ruột thịt, với chính bạn bè, bán rẻ cả lương tri, bán rẻ cả nhân cách.
Nhưng yêu thương hay hận thù, tham lam vô độ cuối cùng cũng chìm vào biển lửa nơi lữ quán Kairotei. Lửa cháy thiêu rụi quá khứ đau thương, ngọn lửa lan rộng cuốn đi thực tại nghiệt ngã. Hỉ nộ ái ố tham sân si, yêu hận tình thù đến thế, cuối cùng đều chìm vào biển lửa. Để rồi tất cả hóa thành hư vô, như cái kết của tiểu thuyết Vụ án ở lữ quán Kairotei vẫn còn để ngỏ về số phận những người ở lại, và cho độc giả tự suy ngẫm, tự viết tiếp cái kết của cuốn sách sau những bi kịch liên tiếp nơi lữ quán hữu tình mà lòng người như nguội lạnh, vô tình ấy.
Mọt Mọt