“451 độ F” là tiểu thuyết phản địa đàng nổi tiếng của Ray Bradbury – Một trong những nhà văn Mỹ lừng danh nhất thế kỷ 20. Câu chuyện đặt trong bối cảnh giả định ở tương lai (nhiều năm sau năm 2035) – khi mà việc lưu giữ sách và đọc sách bị cấm, con người chỉ thích những chương trình giải trí và xem tri thức là nguồn cơn của bất hạnh. Nhân vật chính là Montag – một lính phóng hỏa chuyên nhận nhiệm vụ đốt sách mỗi khi có còi báo động. Cuộc hành trình của anh vừa là cuộc chiến tìm kiếm tự do giữa những hiểm nguy và sợ hãi, vừa là quá trình đấu tranh tư tưởng để nhận thức lại thế giới xung quanh một cách đúng đắn, thể hiện qua phong cách văn chương giàu hình ảnh ẩn dụ.

Sự bí bách của xã hội và vô cảm của con người qua những hình ảnh ẩn dụ

451 độ F là nhiệt độ mà sách giấy bắt lửa và cháy – ngay từ nhan đề của truyện đã gợi lên hình ảnh đặc trưng: những cuốn sách chìm trong ngọn lửa. Và không như ở thế kỷ 21 mà người lính cứu hỏa đi dập tắt đám cháy, trong thế giới tương lai này, người lính phóng hỏa cầm súng phun lửa, cùng những con Chó Máy (sản phẩm công nghệ) đi thiêu rụi những kho sách còn sót lại,  cũng là để chủ nhân những cuốn sách ấy cháy theo.

111ee228d1543ba2ba2395697f09a7a8

451 do F - review sach 1

Đó cũng là thế giới mà chiến tranh ngay ở trên đầu, nhưng người dân không hề để ý và hay biết, vì còn bận cắm đầu vào truyền hình, để bình phẩm những ông nọ bà kia. Người ta chẳng nói chuyện với nhau lấy vui dẫu ở trong một gia đình, không buồn thắc mắc những câu hỏi tại sao, không yêu thương một ai, không nhớ đến những kỷ niệm; và người ta có thể bị bắt chỉ vì đi bộ trên vỉa hè, mất mạng vì trò chạy xe điên cuồng của những đứa trẻ ngỗ ngược, còn chuyện chết chung trong lửa với sách được xem là bình thường. Việc những cuốn sách bị cấm đọc và bị đốt cháy là hình ảnh ẩn dụ cho kho tàng tri thức của nhân loại bị vứt bỏ và tự do của con người bị tước đoạt.

Vấn đề tự do của con người bị tước đoạt không chỉ thể hiện qua việc họ bị xét xử vì cất giữ sách vở, mà còn ở chỗ người ta không nhận ra mình mất tự do. “Nếu anh không muốn cho ai đó xây nhà, hãy giấu đinh và gỗ đi.”, “Hãy để anh ta quên mất có một thứ gọi là chiến tranh. Nếu chính phủ không làm việc hiệu quả, đầu tư quá tay, khùng điên vì thuế, thì thà cứ để như thế còn hơn để người ta bận tâm về chuyện đó. Bình an, Montag ạ.”, “Đừng cho họ bất cứ thứ gì khó nắm bắt như là triết học hay xã hội học để cho họ cột các thứ vào nhau.” Phương pháp và lý lẽ để tẩy não người ta theo đội trưởng đội phóng hỏa (nhân vật Beatty) là như vậy. Và con người trong thế giới đó bị truyền hình dắt mũi, thu thập những thông tin nông cạn và dối trá để rồi vui vẻ hạnh phúc trong ảo tưởng êm đẹp không phiền não.

Sự bí bách và căm phẫn vì xã hội và con người trong thế giới ấy còn được thể hiện khéo léo qua hình ảnh ẩn dụ là hai bàn tay của Montag. Trí não anh – cũng như bao người trong xã hội điên rồ ấy – đã tê liệt và trống rỗng cả rồi, nhưng lạ thay hai bàn tay anh lại tự ý hành động. Hai bàn tay ấy cất giấu những cuốn sách, hai bàn tay ấy tự động dịch đi chỗ khác mỗi khi đôi mắt của đội trưởng Beatty dò xét tới, hai bàn tay ấy mạnh mẽ phản kháng phóng hỏa vào kẻ ác, tất cả phải chăng là vì cảm thấy tội lỗi sau hàng năm trời mang lửa thiêu rụi sách của bao người, sau những việc làm sai trái? Hình ảnh hai bàn tay của Montag là ẩn dụ cho bản chất hướng về lẽ phải, đại diện cho lương tri của con người. Dẫu không suy nghĩ được như bộ não, nhưng cơ thể con người vẫn vô thức cảm thấy nỗi bí bách, ngột ngạt của xã hội và phải hành động.

Con Chó Máy cũng là một phép ẩn dụ: nó là một cái gì đó không phải máy, không phải thú, không chết, không sống, luôn quan sát và đuổi theo đằng sau, sẵn sàng hạ gục con mồi. Con Chó Máy ấy đại diện cho những nỗi sợ khó nắm bắt của con người, ép họ phải tuân theo những điều được bảo, hành xử như những cỗ máy con người đầy rẫy ngoài kia. “Chó Máy không chạm vào thế giới. Nó mang theo sự im lìm, khiến ta cảm nhận được sự im lìm đó đang dâng lên tạo thành sức ép theo sau lưng ta khắp nơi trong thành phố.”

Những cuốn sách bị đốt cháy lên tựa những cánh chim phượng hoàng rồi sẽ tái sinh

Giữa xã hội mục nát như vậy, kỳ lạ thay con người vẫn giữ được khao khát tự do: vẫn có những con người hiên ngang tắm mình trong đám lửa, không sợ hãi, không tiếc nuối; vẫn có những lão già lang thang mình đầy bụi bẩn nghĩ ra phương pháp lưu giữ tri thức bằng việc đọc qua cuốn sách một lần.

review sach 451 do F

Vẫn có cô gái mười bảy tuổi hồn nhiên mang đến cho người ta những câu hỏi vu vơ và những lời giải đáp về thế giới này, để rồi đánh thức trong họ cái phần người tưởng đã ngủ vùi trong mê muội.

Vẫn có một anh lính phóng hỏa dù làm công việc sai trái nhưng vẫn hoài mong được thức tỉnh, vươn mình đi tìm câu trả lời; vẫn có một giáo sư già luôn sợ hãi trốn chạy nhưng lúc được cùng anh lính phóng hỏa ấy lập kế hoạch in lại sách vở sắp tuyệt chủng cho nhân loại mới cảm thấy mình đang sống. Và hình ảnh đẹp nhất trong tác phẩm có lẽ là những cuốn sách bị đốt cháy, cháy rực lên, “nhảy nhót múa may như lũ chim bị quay trên lửa, đôi cánh với những cái lông màu đỏ màu vàng bùng cháy”, như những cánh phượng hoàng. Câu chuyện về chim phượng hoàng luôn tái sinh từ đống tro tàn ở cuối tác phẩm chính là ẩn dụ cho tri thức quý giá của nhân loại, sẽ được con người lưu giữ bằng nhiều cách dù cái thứ hình thức nằm trên giấy đã bị đốt cháy rụi, hay nói cách khác, tri thức sẽ luôn tái sinh.

Tác phẩm tiêu biểu trong dòng văn học dystopia (phản địa đàng)

Cùng với những tác phẩm nổi tiếng của dòng này như “1984” của George Orwell và “Brave New World” của Aldous Huxley, “451 độ F” mang đến cho độc giả một câu chuyện đặc sắc trong bối cảnh thế giới tương lai, khi mà công nghệ phát triển vượt bậc và nhân loại ngày càng phụ thuộc vào nó, đồng thời khai thác sâu vào những xung đột và mâu thuẫn trong tâm lý con người, sự thoái hóa của xã hội mà nổi bật trong đó là tính phi lý (như tri thức đáng ra phải được quý trọng thì bị quay lưng và ruồng bỏ, tình yêu, sự thương xót và niềm tin trở thành thứ xa xỉ).

“451 độ F” là một tuyệt tác, không chỉ vì khắc họa nên một thế giới giả tưởng chân thực đến đáng sợ và xây dựng câu chuyện đầy ý nghĩa nhân văn, mà còn là lời cảnh tỉnh cho nhân loại: có hay không một ngày nào đó xã hội loài người sẽ trở nên quay cuồng và đảo điên giống như trong truyện? Và khi đó, liệu con người có thể lưu giữ lại tinh hoa của cha ông bao đời và sống trong tình yêu thương lẫn khao khát tự do như bản chất bên trong vốn có của mình không?