Trăng cười là tuyển tập truyện ngắn hiện đại Nhật Bản. Sáu tác gia, từ những tên tuổi quen thuộc như Dazai Osamu, Ito Sachio đến những người mà độc giả Việt Nam chưa được tiếp cận tác phẩm như bậc thầy của khoa học viễn tưởng – Hoshi Shinichi. Từng câu chuyện là từng tiếng lòng chân thực nhất, dẫn dắt người đọc vào tiềm thức của nhân vật, ở đó đôi khi là sự dằn vặt cho một mối tình đẹp mà dang dở, là sự chột dạ và sợ hãi cả đời về tội lỗi đã phạm, hay sự trống rỗng cùng cực của những kiếp người đã đánh mất mục đích sống.
Tình cảm tha thiết trong cái bi
Những câu chuyện trong Trăng cười đều phảng phất mang một nỗi buồn. Cái nỗi buồn đeo đẳng con người ta từ ngày này qua tháng khác, ẩn sâu dưới hình hài của một cuộc sống bình thường ngỡ tưởng hạnh phúc và ấm êm. Có ai còn nhớ bức tượng đồng của chàng Masao và nàng Tamiko ở thành phố Sanmushi, tỉnh Chiba, hai nhân vật trong Mộ hoa cúc dại của nhà văn Ito Sachio, đến nay vẫn là biểu trưng “cho một mối tình đau thương mà bất hủ”. Ngay cả trong cuộc sống đương đại ngày nay, những vết tích cổ hủ và hà khắc của truyền thống cũ vẫn còn. Masao và Tamiko bên nhau từ nhỏ đến lớn, nảy sinh tình cảm, nhưng lại bị chia cắt bởi những định kiến thời xưa rằng Masao không thể lấy một người vợ lớn hơn mình hai tuổi, như thể đó sẽ là cả một vết hoen ố cho dòng họ. Masao lên tỉnh đi học, Tamiko gả cho người khác, nàng sống một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, sau đó mắc bệnh mà chết. Lời cuối nàng để lại trên cõi đời là “Con chết còn vui hơn.”, không có sự oán trách hay kêu van, đó là tiếng thở dài bất lực đến cùng cực của những con người không được tự do mưu cầu hạnh phúc chỉ bởi vì ánh mắt của người đời.
“Từ đó đến giờ đã hơn mười năm. Tamiko đã có một cuộc hôn nhân cưỡng ép và đã rời bỏ thế gian này, tôi cũng có một cuộc hôn nhân cưỡng ép và tiếp tục sống đây. Chẳng bao giờ tôi quên được nàng.”
Tình yêu ấy trải qua những thăng trầm của cuộc sống và sự mai một của thời gian vẫn vẹn nguyên đến cùng, như một minh chứng cho việc tình cảm chân thành trong hoàn cảnh bi thương thế nào cũng không thể mất đi.
Tình cảm tha thiết trong cái bi còn được khắc họa dưới ngòi bút của Dazai Osamu. Tên tuổi ông vốn đã quen thuộc với độc giả Việt Nam qua những tác phẩm được xuất bản như Thất lạc cõi người, Tà dương và Nữ sinh. Văn chương của ông đi sâu vào những khai thác nội tâm, ở nơi đó con người có thể lâm vào cảnh khốn cùng và cô độc như một người nằm bên rìa thế gian, nhưng sự nhạy cảm trước cái đẹp và những gì trong trắng, chung thủy nhất vẫn tồn tại bền bỉ.
Nàng Sachiko lẻn vào cửa tiệm bách hóa để ăn trộm một bộ áo tắm nam cho người nàng yêu mặc đi biển. Bởi “Tôi thì sao cũng được, chỉ cần anh ấy có thể ngẩng cao đầu với đời thì tôi ra sao cũng được cả.” Thế rồi nàng bị cảnh sát bắt, tội danh đăng lên báo, những người hàng xóm dòm ngó dị nghị, người tình của nàng gửi đến bức thư cuối như một cách chấm dứt, còn không quên dặn rằng em phải đốt ngay bức thư này đi. Mẹ của Sachiko từng là thiếp cho một địa chủ, sau đó quên ơn địa chủ và bỏ đi với cha nàng, không lâu sau thì sinh hạ nàng ra. Gia đình họ đã luôn sống trong sự gièm pha của người đời. Câu chuyện kết thúc với khung cảnh ba người ngồi quây quần hạnh phúc dưới bòng đèn điện mới thay. Và Sachiko nghĩ rằng mặc dù hạnh phúc của gia đình nàng chỉ nhỏ bé đến vậy thôi, nàng cũng chẳng cảm thấy thống khổ gì cả.
Như thế, cái đẹp và cái bi cùng được các tác gia khắc họa tài tình trong Trăng cười, đôi khi đan cài vào nhau tạo thành những phức cảm không thể nói thành lời. Tình cảm của con người trĩu nặng chôn sâu dưới đáy lòng, lại như những ngọn đèn sáng thắp lên giữa những tăm tối của cảnh đời éo le.
Xem thêm những tác phẩm của Danzai Osamu được review:
Tà dương – Ánh chiều le lói phủ lên kiếp người tàn
Thất lạc cõi người – Mất kết nối giữa nhân gian
Lời cảnh tỉnh của đạo đức
Văn học là một sự tái hiện của đời sống, giờ đây cùng với sự phát triển của xã hội, lòng người càng được khắc họa sâu xa khó lường. Những góc khuất trong tiềm thức con người được vạch trần trong những câu chuyện trinh thám của Matsumoto Seicho. Như những chiếc mặt nạ kịch Noh, một trong những vẻ đẹp độc đáo của nó là vẻ đẹp trung tính, sự biểu hiện cảm xúc chẳng rõ vui hay buồn. Trong câu chuyện Người đàn bà viết thơ haiku là một âm mưu đầy hiểm độc, lợi dụng tình cảm chân thành và hoàn cảnh bất hạnh của người khác để trục lợi cho bản thân. Lòng tham tiền bạc đến mức hy sinh cả mạng sống của người khác khiến người ta phẫn nộ, thì những bài thơ haiku của người phụ nữ viết trong cảnh bệnh tật mà đơn côi lẻ bóng lại khiến người ta thấy xót thương:
“Sắp xếp chiếu chăn
Em chờ anh đến
Như chờ mùa xuân.”
Trong Trăng cười, con người không thể chạy trốn khỏi tội ác họ đã phạm phải. Hikosuke trong Soi bóng người bằng gương vỡ nát qua mười lăm năm trời vẫn phải đối mặt với án phạt trong phi vụ cướp ngân hàng và giết người của anh ta, chính bởi vì anh ta luôn sống trong những lo sợ một ngày nào đó tội ác của mình sẽ bị phanh phui, anh ta đã tự đi bước đầu tiên để kết thúc chính mình. Cho đến nhân vật S trong câu chuyện Nhân chứng của Hoshi Shinichi, người đàn ông phải đối mặt giữa lựa chọn chuyện trộm cắp tài sản công ty của ông ta bị phanh phui, hay nói với cảnh sát về biển số xe kẻ gây tai nạn rồi bỏ chạy, nhưng kẻ đó cũng chính là người con trai của ông. Trong những câu chuyện đó, kẻ gây tội theo cách này hay cách khác, dù có tưởng rằng mọi thứ đã thành công trót lọt, thì vẫn phải nhận lấy cái giá cho những gì đã làm.
Lời cảnh tỉnh của đạo đức còn đến từ hồi chuông rung lên từ lòng tham vô đáy của con người, ngay từ lúc chỉ mới là một hạt giống chưa gieo mầm. Trong Ngôi thành dục vọng, Hoshi Shinichi đã lấy bối cảnh là giấc mơ. Chàng trai mơ gì có lấy trong giấc mơ của anh ta, anh ta mê đắm chúng, cho đến khi căn phòng ngày càng chật ních và không có một lối nào thoát ra. Anh ta đã bị siết nghẹt trong căn phòng trong mơ, hay nói cách khác là trong những ham muốn vô tận không có điểm dừng. Phải chăng đó là lời cảnh báo nếu chúng ta quá tham lam và không biết thấy đủ với những gì mình đang có, nếu chúng ta chỉ không ngừng muốn thêm nữa, vậy rồi một ngày ta sẽ bị chính những ham muốn của mình hủy hoại?
Thứ được chôn sâu trong lòng người không chỉ có những tình cảm chân thành, tốt đẹp và đáng quý, mà còn cả sự đớn hèn bạc nhược, lòng tham lam và sự khiếp sợ về một tội lỗi nào đó đã phạm. Tất cả được tái hiện như những gam màu sáng và tối, chúng tồn tại song song với nhau, đan cài vào nhau, đấu tranh lẫn nhau. Giống như gửi gắm một thông điệp chung rằng hành trình sống của một con người là luôn phải kiên cường đối mặt với những thăng trầm của cuộc sống và giữ vững nhân tâm của mình dù cho có chuyện gì xảy ra.
Hiện thực trần trụi dưới ngòi bút giả tưởng
Kawakami Hiromi là nhà văn nữ duy nhất trong sáu tác gia của Trăng cười. Với câu chuyện mang đậm phong cách đặc trưng là Chuột chũi, Kawakami Hiromi xây dựng trung tâm của câu chuyện là một con chuột, mặc dù bị người đời coi khinh, lạnh nhạt, nhưng đó cũng chính là kẻ đi thu lượm những người đó. Đó là những người “không chết cũng không sống, chỉ đơn thuần có mặt ở đó và ăn mòn mọi thứ xung quanh. Và ăn mòn chính bản thân mình.”
“Nếu cứ bỏ mặc những người đó, họ sẽ dần dần trở nên trống rỗng. Chính bản thân họ, nơi họ cu ngụ, những thứ xung quanh họ đều trở nên trống rỗng. Họ làm mọi thứ trở nên phi thực.
Ta có thể nghĩ rằng nếu đã trống rỗng như thế, tại sao lại không chết đi? Nhưng chuyện đời không phải thế.
Để chết được chí ít có lẽ cũng phải cần chút sức lực thực sự.
“Sợ quá”, người đó cất tiếng.
“Sợ cái gì mới được chứ?”, tôi với vợ đồng thời cất giọng hỏi. Người đó vẫn chăm chú nhìn vào khoảng không mà trả lời “Sợ tất cả mọi thứ.”
Chú chuột không thể hiểu nổi điều gì đã khiến con người ta sợ hãi thế, không hiểu rằng cái chết có gì mà khiến người ta phải đau khổ khóc lóc khi đó là lẽ dĩ nhiên, mà một sinh mệnh mới ra đời người ta lại có thể dễ dàng vứt bỏ và thờ ơ? Tại sao con người lại không hay dựa lưng vào nhau, tại sao họ có thể lạnh lẽo xa cách đến nhường ấy? Đó là câu hỏi của chuột chũi, một kẻ không cùng giống loài với con người, nhưng cũng chính là câu hỏi của con người dành cho nhau. Câu chuyện được viết như nhật ký hành trình một ngày của chuột chũi, qua đó lại như một tấm gương soi cho vấn nạn thực tế của con người ngày nay. Sự trầm cảm hiện sinh và cuộc sống đô thị náo nhiệt nhưng lạnh lẽo và thiếu vắng tình người. Hơi ấm duy nhất ở con người mà chuột chũi tìm thấy, lại là hơi ấm từ bờ lưng của một người vô gia cư, không phải những người ngày ngày trau chuốt và bận rộn đi trong thành phố.
Ngoài sự hóa thân chuột chũi trong câu chuyện của Kawakami Hiromi, yếu tố giả tưởng của Trăng cười còn đến từ việc đi sâu vào tiềm thức của con người. Nơi chốn của những giấc mơ. Nhân vật của Abe Kobo ám ảnh với mặt trăng cười trông như hình quân bài Joker, để rồi nhận ra “Cái tình yêu nhất đối với tôi không phải là bản thể hay bản chất của mặt trăng cười mà chỉ là hình ảnh trăng cười mà thôi”. Nhân vật của Hoshi Shinichi bị ám ảnh bởi ngày cá tháng Tư sau khi anh ta mắc lừa quá nhiều lời nói dối của những người bạn, giấc mơ anh ta hỏi đi hỏi lại mọi người rằng hôm nay có phải là ngày cá tháng Tư không, sau khi xác nhận sự thực rằng không phải, lại tỉnh thức với hiện thực hôm nay là ngày cá tháng Tư. Như nói lên sự trốn tránh trong vô thức những vấn đề của ta, những gì ta ám ảnh nhất bắt đầu xuất hiện trong những giấc mơ, để rồi hư hư thực thực, thật giả lẫn lộn. Ta cho rằng mình đã có thể trốn chạy được, nhưng thực chất mọi vấn đề sẽ luôn nằm lại nơi tiềm thức, và nó sẽ không biến mất cho tới khi ta chịu đối mặt.
Như thế, sáu tác gia của nền văn chương hiện đại Nhật Bản, mỗi người đều có phong cách sáng tác riêng mang đậm dấu ấn cá nhân, nhưng đều hướng tới cái giá trị chân – thiện – mỹ. Thông qua việc khai thác sâu vào phần tiềm thức chính người cũng không nhận ra, những gì ngỡ tưởng đã chôn giấu kín, để mà vẽ lên một bức tranh phản ánh trọn vẹn hết thảy thế thái nhân tình. Dịch giả Hoàng Long không chỉ đem đến một bản dịch trau chuốt từng ngôn từ, mà còn có những phần chú thích và giới thiệu sơ lược để người đọc có thêm thông tin, qua đó tiếp nhận tác phẩm một cách trọn vẹn nhất. Trăng cười chính là một tác phẩm khó mà bỏ qua được đối với những người say mê nền văn chương hiện đại của xứ Phù Tang.
:
- Shoppee: j3A3jTny” /j3A3jTny