“The picture of Dorian Gray” là tiểu thuyết duy nhất của Oscar Wilde và là một trong những tác phẩm có ảnh hưởng nhất trong nền văn học phương Tây, kể về một chàng trai thanh khiết như hoa hồng bạch đã bán rẻ linh hồn để giữ mãi tuổi xuân.
Năm 1890, tác phẩm ra mắt công chúng bản không đầy đủ vì kiểm duyệt, tác giả đã phải hứng chịu cơn thịnh nộ kinh hoàng từ phía các nhà phê bình đương thời. Cuốn tiểu thuyết bị cho là vi phạm đạo đức xã hội bởi có yếu tố tình yêu đồng tính, lúc đó ở Anh là một loại tội phạm hình sự.
3d44f75d89059bba39bad6a6fde4a39b
Năm 1891, Oscar Wilde in thành sách bản đầy đủ và viết lời tựa như một tuyên ngôn nghệ thuật bảo vệ quyết liệt tác phẩm của mình trước dư luận nước Anh. Thời gian đã chứng minh giá trị nghệ thuật cùng sức sống lâu bền và rộng khắp của “The picture of Dorian Gray” trong nền văn hoá thế giới.
“The picture of Dorian Gray” được tái bản nhiều lần, được chuyển thể và phóng tác thành phim, truyền cảm hứng cho nhiều truyện tranh, ca khúc, nhạc kịch và thi ca. Thậm chí, Dorian Gray còn được sử dụng như một thuật ngữ để gọi hội chứng tâm lý sợ tuổi già và yêu thích sự hoàn hảo của vẻ bề ngoài.
Đọc thêm:
Lời cầu nguyện hay lời nguyền?
Lấy bối cảnh nước Anh thời Victoria, chuyện kể về cuộc đời chàng quý tộc Dorian Gray mang một vẻ đẹp hoàn hảo, trong mối quan hệ với họa sĩ Basil Hallward và quý tộc Henry Wotton.
Với niềm say mê gần như là tôn thờ trước vẻ ngoài tuyệt mỹ của Dorian, họa sĩ thiên tài Basil đã dành tất cả tâm huyết cùng tình yêu chân thành để vẽ nên một bức chân dung cực kỳ sinh động. Mặt khác, sau một vài cuộc chuyện trò cùng Henry Wotton, dần dà chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng hưởng lạc, Dorian nhận ra một ngày nào đó sắc đẹp sẽ phai tàn, nên đứng trước bức họa của Basil, anh đã ước rằng mình sẽ giữ mãi được tuổi xuân dù cho phải trả bất cứ giá nào. Điều kỳ lạ đã xảy ra, mười tám năm sau vẻ đẹp của Dorian Gray vẫn không bị thời gian bào mòn, nhưng bức chân dung thì ngày càng bị tàn phá và biến dạng. Để bảo vệ bí mật này, Dorian bức tử vị hôn thê, giết chết Basil. Anh trượt dài trên con đường sa đọa và suy đồi… cho đến khi anh khát khao được hoàn lương để giải thoát những dằn vặt tâm hồn.
“The Picture of Dorian Gray” khai thác motif quen thuộc “giao kèo với quỷ dữ” và chịu ảnh hưởng lớn từ “Faust” của Goethe. Nhưng bằng văn phong mơ màng, lãng mạn cùng với cách Oscar Wilde chơi đùa ngôn từ, tác phẩm trở thành một nghệ phẩm mang vẻ đẹp trực diện ngay từ con chữ.
“Nghệ thuật là tấm gương phản chiếu người xem.” – Oscar Wilde
Dorian Gray và bức chân dung Basil vẽ anh đều là hiện thân của cái đẹp.
Dorian là sắc đẹp thể xác và chân dung vẽ anh là cái đẹp nghệ thuật. Bi kịch xuất hiện khi sắc đẹp thể xác chợt nhận ra mình không vĩnh viễn như cái đẹp trong nghệ thuật và thực hiện một cuộc đánh đổi, bất chấp tác phẩm nghệ thuật bị hủy hoại. Dorian đã có cả một đời trẻ đẹp mãi như ý muốn, nhưng anh đã không chống cự lại bản năng của nhục thể, của khoái lạc, của những mặt xấu xa nhất trong linh hồn, và mỗi tội ác của anh đều để lại dấu ấn trên bức tranh.
Basil là người nghệ sĩ truy cầu cái đẹp, chàng đặt toàn bộ bản thân và thậm chí cả tình yêu chân thành của mình vào nghệ thuật để tạo ra một tác phẩm đẹp đẽ.
Henry đại diện cho sự châm biếm cùng cực đối với con người và xã hội đương thời. Gã quỷ quyệt và xảo trá. Gã phát biểu táo bạo và ngạo nghễ, tất cả phơi bày sự thật trần trụi về vẻ đẹp rỗng tuếch và chủ nghĩa hưởng lạc thời Victoria – cái xã hội đã nhuốm bẩn linh hồn hồn vốn tinh khiết như đóa hồng bạch của Dorian Gray.
Còn bức họa Dorian đại diện cho điều gì?
Câu hỏi đọng lại khi khép trang sách cuối cùng của mỗi độc giả. Một nỗi niềm trăn trở về nghệ thuật, về cái đẹp, về thân phận con người. Mỗi người sẽ có cách lý giải khác nhau.
Chủ nghĩa duy mỹ của Oscar Wilde.
Chủ nghĩa duy mỹ hay tư tưởng nghệ thuật vị nghệ thuật biểu đạt một triết lý rằng, giá trị nội tại của nghệ thuật cùng với nghệ thuật chân chính đều mang tính xa rời với bất kỳ chức năng giáo huấn, đạo đức, chính trị hay công lợi nào.
Oscar Wilde là một nhà mỹ học theo tư tưởng nghệ thuật vị nghệ thuật. Cái đẹp đối với Oscar Wilde là một sự truy cầu tối hậu, nó giẫm lên những ranh giới đúng sai của luân lý và tư tưởng chủ lưu thời thượng đương thời.
Trích đoạn trong lá thư trả lời Bernulf Clegg, một sinh viên đại học Oxford, để giải thích tuyên ngôn nghệ thuật trong lời tựa tác phẩm “The picture of Dorian Gray”, Oscar Wilde có viết:
“Một tác phẩm nghệ thuật cũng vô dụng như một đóa hoa. Đoá hoa nở cho niềm sung sướng của chính nó. Chúng ta có được một khoảnh khắc sung sướng khi ngắm hoa nở. Đó là tất cả những gì có thể nói về quan hệ giữa chúng ta và hoa. Tất nhiên, người ta có thể đem hoa đi bán và thu lợi cho mình, nhưng việc đó chẳng dính dáng gì đến hoa cả. Đó không phải là một phần của bản chất của loài hoa. Đó là một sự tình cờ. Đó là một sự lạm dụng.” (Nguyễn Đình Đăng tạm dịch)
“The picture of Dorian Gray” là một tác phẩm nghệ thuật mang vẻ đẹp cả khi không cần xét đến nội dung cốt truyện. Nó đẹp ngay từ hình thức.
Với quan niệm nghệ sĩ là người sáng tạo ra cái đẹp, Oscar Wilde đã tạo ra một tác phẩm văn học mà trong đó ngôn từ tựa như thanh âm réo rắt, tinh tế, điêu luyện. Ông sử dụng các thủ pháp văn chương như biền ngẫu và uẩn khúc hóa. Ông sáng tạo ra những từ thứ sinh. Ông tham chiếu những điển tích Hy Lạp và nền văn hóa châu Âu cổ xưa, tạo nên một không gian trang trọng và siêu thực. Ông đúc kết ra những châm ngôn dí dỏm, sắc sảo, đôi khi tràn ra sự châm biếm. Ông nhấn nhá những điểm nghỉ một cách tài tình. Ông đưa vào những nghịch lý chứa đựng chiều sâu tư tưởng. Ông thường xuyên dùng những câu dài và từ ngữ hoa mỹ, khiến người đọc phải đọc liên tục và kiên trì, cho tới khi cảm nhận nó đã kết ở một phần thì mới có thể dừng lại, rồi suy ngẫm.
Cũng giống như nhiều tác phẩm văn học lãng mạn và nổi tiếng long trời lở đất khác, độc giả có lòng yêu cái đẹp ngôn từ và đủ kiên nhẫn để nhẩn nha thú chơi đùa ngôn ngữ của các văn hào thì mới có thể sinh ra hứng thú khi thưởng thức những trang văn kinh điển này.
Đôi nét về cuộc đời Oscar Wilde.
Oscar Wilde (1854 – 1900) là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng người Ireland.
Ông sinh ra ở Ireland, nhưng chủ yếu học tập và sinh sống ở Anh dưới thời Victoria – một thời đại đầy biến động. Dù bề mặt xã hội đã chuyển dịch từ quý tộc sang bình dân, từ thượng lưu sang đại chúng, nhưng những truyền thống Thanh giáo vẫn ngự trị và bóp nghẹt những ai dám đi ngược lại. Oscar Wilde là một người đi ngược lại truyền thống đạo đức ấy. Ông có xu hướng đồng tính, và hơn cả thế, ông không hề có ý định che dấu tính hướng mình.
Năm 1885, Oscar Wilde thụ án lao động khổ sai theo đạo luật chống đồng tính luyến ái đương thời. Sau khi được trả tự do, ông sang định ở Pháp và qua đời tại đây.
Cuộc đời Oscar Wilde đầy thăng trầm và đau thương, nhưng sự nghiệp văn chương của ông khá thành công. Ông để lại cho đời một tiểu thuyết, chín vở kịch, cùng rất nhiều thơ, truyện ngắn và tiểu luận. Các tác phẩm của ông được dịch sang nhiều thứ tiếng và xuất bản rộng rãi trên thế giới.