Nihyaku Toka (hay còn được độc giả Việt Nam biết đến với tên xuất bản “Ngày 210”) là một tiểu thuyết ngắn độc đáo của đại văn hào Natsume Soseki, lần đầu ra mắt độc giả Nhật vào năm 1906.
Dựa trên trải nghiệm có thật của nhà văn trong một lần đến Kyushu năm 1899 cùng người bạn thân Yamakawa Shinjiro, “Ngày 210” là chuyến hành trình chinh phục đỉnh núi lửa Aso của hai chàng thanh niên khác biệt cả về quan điểm lẫn tính cách – Kei và Roku – trong ngày 210 theo âm lịch vốn là ngày bão tố. Đứng trước những biến động của thiên nhiên và thời đại, trước những đổi thay của nhận thức và nội tâm, với bước chân luôn ngập tràn niềm tin và khát vọng, liệu đôi bạn ấy có chinh phục được đỉnh núi?
Thể nghiệm lối kể chuyện qua hình thức đối đáp kéo dài giữa hai nhân vật chính, với tài năng xuất chúng và trí tưởng tượng phong phú, Natsume Soseki đã để lại cho nền văn học Nhật Bản một kiệt tác nghệ thuật. Ẩn sau giọng văn trần thuật đạm bạc và trào phúng, ẩn sau những trường đối thoại tưởng chừng như tẻ nhạt và không mấy gắn kết, lại chất chứa biết bao tâm tư và nỗi bận lòng với thế sự.
Nhật Bản những ngày bão tố
Không thể phủ nhận những thành tựu về mọi mặt từ kinh tế, xã hội đến chính trị mà cuộc cải cách Minh Trị đem lại cho Nhật Bản, song đi cùng với đó chính là một cuộc khủng hoảng mới về văn hoá. Đứng trước tình trạng đất nước mình từng “đóng băng” về trình độ văn hoá suốt ngàn năm, nay lại phải hứng chịu những làn sóng ồ ạt của cuộc du nhập văn hoá Tây phương, Natsume Soseki không khỏi cảm khái: “Trước khi duy tân, trong khoảng 14 thế kỷ ở châu Á, các quốc gia hầu như không phát triển về văn hoá, nhưng đột nhiên trong 50 năm vừa qua đã phát triển bằng trình độ của phương Tây trong 20 thế kỷ thì quả là điều quá sức tưởng tượng.” (trích từ bài bình luận về cuốn sách A History of Japan của James Murdoch). Với nhà văn, việc du nhập một cách ồ ạt, chóng vánh những thành tựu văn hoá châu Âu không chỉ đe doạ tới việc bảo vệ, gìn giữ giá trị truyền thống cốt lõi và bài trừ những hủ tục, tư duy lạc hậu; mà còn tạo nên tâm lý hoang mang cho đại đa số người dân khi không thích ứng kịp với trình độ khai hoá văn minh. Làn sóng ấy càn quét qua một xã hội Nhật Bản vốn còn chưa kịp vực dậy hoàn toàn sau những tổn thất từ thời kỳ bế quan toả cảng, rồi để lại đó biết bao những khoảng trống, những lỗ hổng về nhận thức, tư tưởng mà không gì có thể bù đắp được. Có thể nói, Nhật Bản lúc bấy giờ tựa như đang phải trải qua những “ngày bão tố”.
Phải đặt “Ngày 210” gắn liền với hoàn cảnh sáng tác, ta mới mới bóc tách được từng lớp nghĩa ẩn dụ được đan cài, gài cắm xuyên suốt tác phẩm; mới hiểu rõ phần nào những trăn trở ngày đêm giằng xé, giày vò trong suy nghĩ và tư tưởng nhà văn; mới lý giải tại sao mâu thuẫn giữa văn hoá Tây phương và Nhật Bản lại trở thành một trong những đề tài xuyên suốt sự nghiệp văn chương của Natsume Soseki. Dường như những trận mưa giông gió giật khủng khiếp trên đỉnh núi Aso không chỉ đơn thuần là biến động của thời tiết, mà còn là hoá thân của làn sóng Âu hoá đang ồ ạt du nhập vào Nhật Bản. Còn cách ứng xử của hai nhân vật chính Kei và Roku khi đương đầu với cơn giận dữ bạo tàn của thiên nhiên, có chăng lại là ẩn dụ cho thái độ của thế hệ trẻ khi phải đối diện với tình cảnh những giá trị truyền thống đang dần mất đi bản sắc cố hữu?
“Vừa leo núi vừa ngẫm nghĩ. Động não thì gặp trở ngại. Đi theo tình cảm thì bị cuốn trôi. Thể hiện ý chí thì bế tắc. Nói chung, thế giới con người thật khó sống.” – trích trong Kusamakura, Natsume Soseki, 1906.
Hình ảnh xã hội Nhật Bản trong những “ngày bão tố” càng trở nên chân thực và sắc nét hơn bao giờ hết nhờ bút pháp xây dựng hệ thống nhân vật tinh tế của Natsume Soseki. Haruki Murakami, một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại của xứ sở mặt trời mọc đã từng nhận xét thế này khi nhắc đến các nhân vật dưới ngòi bút sắc sảo của Natsume Soseki: “Hầu hết các nhân vật chính của ông đều phải đối mặt với những mâu thuẫn rất đời thực. Họ nếm trải sự khổ não về việc nên sống thế nào, và phải đối diện với những quyết định cuộc đời họ đưa ra. Họ đấu tranh quyết liệt để tìm ra chỗ cho mình giữa ước muốn đối lập tiền hiện đại và hiện đại, giữa tình yêu và đạo đức, giữa Tây phương và Nhật Bản.”
Kei và Roku cũng không là ngoại lệ. Hai nhân vật chính hiện lên dưới ngòi bút nhà văn với những nét đối lập hoàn toàn từ tính cách đến hoàn cảnh xuất thân, để từ đó trở thành hình tượng khái quát, đại diện cho cả một tầng lớp thanh niên nước Nhật thời bấy giờ. Họ hoặc có ý chí vươn lên nhưng cố chấp và bảo thủ đến cực đoan, hoặc có tư tưởng cởi mở nhưng lại e ngại thử thách, không dám tiến bước; họ hoặc là anh bán đậu phụ nghèo hèn sống trong căn nhà hai tầng lụp xụp và cũ kĩ với tư tưởng cổ hủ đã ăn sâu bám rễ nhiều năm, hoặc là chàng quý tộc tiểu tư sản ăn sung mặc sướng nhưng tầm hiểu biết lại chỉ bó hẹp đằng sau bốn bức tường xa hoa,… Có lẽ chính bởi cả Kei và Roku đều không hoàn thiện, nên Natsume Soseki mới để hai người kề vai sát cánh trong chuyến hành trình chinh phục đỉnh núi Aso, thay cho một lời kêu gọi đầy ẩn ý gửi tới thế hệ trẻ Nhật Bản đương thời: Hãy cùng đoàn kết, tự phát huy ưu điểm bản thân và bù đắp thiếu sót của nhau, để chiến thắng cơn bão của cuộc cách mạng khai hoá văn minh này.
Điểm đáng nói là, hình tượng nhân vật Kei và Roku không hề được xây dựng qua những áng văn xuôi miêu tả trực tiếp. Xuất phát từ lý do về đặc trưng thể loại, nên từng chi tiết, từng nét bút phác hoạ chân dung nhân vật được tác giả đan cài khéo léo và dần dần hé mở qua các trường đoạn đối thoại trải dài xuyên suốt tác phẩm; mà độc giả phải lắng mình để cảm nhận và suy ngẫm mới có thể hình dung trọn vẹn.
Dung lượng tiểu thuyết không lớn, nên dàn nhân vật phụ của “Ngày 210” cũng chỉ xuất hiện thoáng qua trong vài tích tắc, vài phân cảnh. Tưởng như chẳng mấy quan trọng, nhưng chính các mảnh ghép này đã giúp nhà văn hoàn thiện những nét vẽ cuối cùng – rất mực kín đáo và chân thực – cho bức tranh về thực trạng thời đại Nhật Bản đầy biến động. Đó là ông cụ già phốp pháp ngồi ngoài hiên cầm nhíp nhổ những “sợi râu” đại diện cho cái xấu, cái cổ hủ còn tồn đọng trong xã hội, nhưng chưa kịp nhổ sạch thì “sợi râu” khác đã lại mọc lên. Đó là hai người hàng xóm với cuộc đối thoại luẩn quẩn chẳng có mục đích, đại diện cho cả một tầng lớp thanh niên đương thời sống vô nghĩa và không màng thế sự. Hay đó là cô phục vụ ở quán ăn tạo ra một tình huống dở khóc dở cười khi không biết ebisu là bia, không phân biệt được “trứng luộc một nửa” và “luộc một nửa số trứng”, như biểu đạt khoảng chênh lệch không thể bù đắp trong trình độ dân trí giữa các vùng miền mà cuộc du nhập ồ ạt văn minh phương Tây để lại cho nền văn hoá Nhật Bản.
Natsume Soseki vốn là người hoài cổ, tôn vinh truyền thống, vậy mà dưới ngòi bút tác giả, những nhân vật phụ thuộc tầng lớp cũ ấy lại hiện lên với vẻ đầy mỉa mai và giễu cợt. Phải chăng là bởi chính nhà văn cũng giống như mọi người dân nước Nhật, đều đang phải trải qua những xung đột tư tưởng dữ dội, khi không biết nên tiếp tục khăng khăng giữ lấy cái cũ, hay phải học cách đón nhận cái mới như một xu hướng tất yếu của thời đại?
Vài nét sơ lược về tác giả và tác phẩm
Natsume Soseki (1867 – 1916) tên thật là Natsume Kinnosuke, là nhà văn cận hiện đại nổi tiếng của Nhật Bản, được đánh giá là “một trong những chủ soái của trường phái văn chương tâm lý cao sang bút chiến với chủ nghĩa tự nhiên trên văn đàn Nhật Bản những năm đầu thế kỷ XX” (trích lời giới thiệu của Phương Nam Book trong bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Ngày 210”, xuất bản năm 2016). Natsume Soseki đã trở thành cái tên quen thuộc với nhiều độc giả Việt, với các tác phẩm như Wagahai wa Neko dearu (Tôi là một con mèo), Botchan (Cuộc nổi loạn ngoạn mục), Kusamakura (Gối đầu lên cỏ), Yume Juuya (Mười đêm mộng), hay Kokoro (Nỗi lòng)… Cùng với Mori Ogai (1862 – 1922) và Akutagawa Ryunosuke (1892 – 1927), ông được đánh giá là “một trong ba trụ cột của văn học hiện đại Nhật Bản”.
“Ngày 210” được xem như bước thử nghiệm trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn, khi ông lần đầu kết hợp giữa thể nhật ký văn chương đặc trưng Nhật Bản với bút pháp tự truyện pha hư cấu phương Tây. Thể nhật ký văn chương “thông thường được coi như một thể tài ngoài văn học hay cận văn học, là loại văn ghi chép của cá nhân trong đời sống hàng ngày. Do vậy, nhật ký thường công nhiên trong phát ngôn; bao giờ cũng chỉ ghi lại những gì đã diễn ra, đã nếm trải, đã thử nghiệm” (theo 150 thuật ngữ văn học, 2003, Lại Nguyên Ân biên soạn). Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc tái hiện sinh động chuyến hành trình có thật đến Kyushu của chính tác giả và người bạn thân, tác phẩm còn gài cắm thêm nhiều chi tiết hư cấu tưởng tượng, nhằm đem đến cho độc giả một bức tranh trọn vẹn của xã hội Nhật Bản những năm đầu thế kỉ XX.
Thay cho lời kết
Dù đã hơn một thế kỉ trôi qua, nhưng những triết lý nhân sinh và những cảnh báo về quy luật vận hành thời đại mà “Ngày 210” để lại cho thế hệ sau vẫn luôn giữ được giá trị vốn có. Có được thành công ấy, chính là nhờ những tri thức uyên bác của nhà văn, cùng tấm lòng yêu nước nồng nàn và thái độ dũng cảm, thẳng thắn đối diện với những vấn nạn nhức nhối của xã hội.