Khác với vẻ đẹp có phần cực đoan trong sáng tác của Mishima Yukio, cũng không giống với vẻ đẹp trần tục gần như đậm chất sắc dục của Tanizaki Junichiro, văn chương Kawabata Yasunari đẹp một nét đẹp sầu bi bảng lảng, buồn thương man mác mà thâm trầm, thấm thía. Văn chương của ông trong nền văn học Nhật Bản, tựa tiếng đàn shamisen truyền thống, tinh tế, nhẹ nhàng, mà day dứt thấu tận tâm can.
Kawabata Yasunari, cuộc đời và sự nghiệp
Là tác gia Nhật Bản đầu tiên giành giải Nobel văn chương danh giá vào năm 1968, cái tên Kawabata Yasunari nổi lên như một cây đa cây đề, một trong những tác gia lớn nhất vào thế kỷ XX và cả tiến trình văn học hiện đại, đương đại của xứ Phù Tang. Văn chương Kawabata Yasunari “đẹp và buồn” một nét rất riêng, được tạo tác lên, trước hết từ cuộc đời của một nhà văn đã trải đủ bi kịch lịch sử cùng bi kịch đời người.
Kawabata Yasunari sinh năm 1899 ở Osaka nhưng khi mới 2 tuổi, ông đã mất cả cha lẫn mẹ và phải cùng chị gái đến sống với ông bà ngoại. Tuy nhiên, khi lên 7 tuổi, Kawabata mất bà ngoại, 9 tuổi ông mất chị, 14 tuổi ông ngoại ông cũng qua đời. Cậu bé Kawabata Yasunari ngày ấy buộc phải lưu lạc lên Tokyo sống trong gia đình người dì.
Ở độ tuổi đôi mươi, người phụ nữ Kawabata rất mực yêu thương, thậm chí hai người đã hứa hôn, lại rời bỏ ông không lời từ biệt.
Trọn cuộc đời Kawabata, đã sống trong sự mất mát liên tiếp cùng thiếu thốn tình cảm, nhất là tình cảm của người phụ nữ như vậy. Bởi thế, từ những trước tác đầu tay như Ngàn cánh hạc, Xứ tuyết đến cuốn tiểu thuyết Hồ tựa bản lề giữa hai thời kỳ sáng tác hay tới các tác phẩm cuối đời Kawabata là Đẹp và buồn, Những người đẹp say ngủ; thì cảm thức cô đơn, sự truy cầu cái đẹp, nỗi khao khát yêu thương, niềm hoài vọng về bóng hình “người nữ” vẫn mãi trở thành nỗi nhức nhối, ám ảnh xuyên suốt văn nghiệp Kawabata.
Tuy nhiên, văn chương Kawabata không chỉ là sự phóng chiếu cảm xúc cá nhân lên trang giấy mà còn mang ý nghĩa như bức tranh thu nhỏ của xã hội Nhật Bản đương thời.
Sinh năm 1899, mất năm 1972, gần trọn cuộc đời, Kawabata Yasunari đã sống vào thế kỷ XX; gần trọn kiếp người, ông đã chứng kiến, kinh qua cả giai đoạn lịch sử thế giới và nước Nhật tràn ngập những biến động. Hai cuộc Thế chiến diễn ra, đặc biệt Thế chiến thứ Hai đã để lại những tổn thương thế hệ sâu sắc lên đất nước, con người Nhật Bản. Từ tro tàn chiến trận, nước Nhật vươn mình trỗi dậy mạnh mẽ nhưng kéo theo đấy là mâu thuẫn gay gắt giữa cội rễ truyền thống với làn gió văn hóa phương Tây ngày một sâu rộng tới đời sống người dân xứ Phù Tang.
Vừa mang nỗi cô đơn, buồn thương cá nhân, vừa chứa đựng vẻ đẹp sầu bi của thời đại; vừa thấm đẫm nét hoài cổ song lại vừa hết sức hiện đại, tác phẩm của Kawabata Yasunari khơi dậy trong lòng độc giả yêu văn học sự đồng cảm cùng những rung động mĩ cảm văn chương đầy tinh tế. Đúng như lời Viện Hàn lâm Thụy Điển vào năm 1968 đã nhận định, khi Kawabata giành giải Nobel văn chương: “Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người.”
Mĩ cảm tinh tế trong văn chương Kawabata Yasunari
Trước hết, cần phải khẳng định một điều rằng, Kawabata Yasunari không phải là nhà văn đầu tiên, cũng không phải tác gia duy nhất truy cầu cái đẹp và thể hiện cái đẹp đó trên trang văn. Trước ông, văn hào Akutagawa Ryunosuke đã luôn đau đáu khát cầu vẻ đẹp đầy cực đoan “ngự trên thân xác phù du” (chữ dùng của dịch giả, nhà văn Hoàng Long). Sau Kawabata, cái đẹp vẫn luôn là đối tượng để các tác giả Nhật Bản tìm đến, hướng về bằng tất cả tình yêu thuần khiết nhất của những người sáng tạo nghệ thuật.
Tuy nhiên, trên chặng đường tìm và tái hiện cái đẹp lên văn chương, Kawabata Yasunari vẫn tạo được lối rẽ riêng cho bản thân. Sáng tác của ông luôn là sự rung động mĩ cảm đầy tinh tế trước nhân, tình và cảnh.
Đó là bóng hình những người phụ nữ đẹp xuất hiện xuyên suốt các tác phẩm của Kawabata kể từ ngày đầu ông viết về những Vũ nũ Izu hay vẻ đẹp đằm thắm, hoang dại hoặc lạnh lùng, trầm lắng của người geisha nơi Xứ tuyết. Là vẻ đẹp đan xen giữa hiện thực – ký ức của từng người phụ nữ đọng lại nơi chén trà khu trà thất ở Ngàn cánh hạc tới vẻ đẹp thuần khiết chìm sâu vào mặt Hồ tù đọng. Là vẻ đẹp ở kề ngay bên nhưng lại xa cách và đủ khiến người khách già hoài vọng của Những người đẹp say ngủ cùng nét Đẹp và buồn của những người phụ nữ không thể vượt thoát được nỗi đau quá khứ.
Và vẻ đẹp chữ “nhân” trên trang văn Kawabata, còn là bóng hình những con người vẫn luôn theo đuổi chữ “mĩ”. Họ mang trong tâm cái “tình” của kẻ thấu hiểu cái đẹp và trọn một đời, vẫn luôn đeo đuổi cái đẹp toàn mĩ, nguyên bản. Từ anh chàng lãng tử Shimamura đã có gia đình nhưng hàng năm, vẫn đến vùng Xứ tuyết đẹp tới nao lòng đến chàng trai trẻ Kikuji, dẫu ở bên Yukiko nhưng trong tâm vẫn không nguôi nhớ về Fumiko cùng xúc cảm dĩ vãng với phu nhân Ota. Từ gã đàn ông tuổi trung niên luôn mang mặc cảm đôi chân xấu xí mà luôn bị thu hút bởi những người phụ nữ có đôi chân xinh đẹp tới những người đàn ông đã bước tới sườn dốc phía sau cuộc đời.
Con người trên trang văn Kawabata vẫn luôn như thế, đẹp về thể xác, và đẹp về tinh thần. Một vẻ đẹp nguyên sơ chẳng vướng bận tới “đạo lý hay không đạo lý”. Một vẻ đẹp như vượt lên trên cả những nhục dục ở phần “con” trong hai tiếng con người. Có lẽ chăng, vì vậy mà khi đọc các tác phẩm của Kawabata, dẫu ông có đề cập tới tính dục, đến cả “cái xấu xa” cùng những điều tưởng chừng là cấm kị thì trang viết vẫn không hề trở nên dung tục, tầm thường.
Cùng nét đẹp con người, văn chương Kawabata còn được tạo tác lên từ vẻ đẹp truyền thống xứ Phù Tang. Có thể nói, mỗi sáng tác ông viết lên, đều đã mở ra cả vùng không gian văn hóa rộng lớn của một nước Nhật, quốc đảo giàu truyền thống với những con người vẫn luôn thầm lặng gìn giữ nét đẹp quá khứ trước bao đổi thay, biến động thời cuộc. Đó là không gian của vùng Xứ tuyết, nơi người ta đã “Xe sợi trong tuyết, dệt vải trong tuyết, giặt vải trong nguồn nước tuyết tan, rồi phơi vải trên tuyết. từ động tác xe sợi đầu tiên đến công đoạn cuối cùng dệt xong tấm vải, mọi việc đều diễn ra trong tuyết. Trong sách người xưa đã viết rồi, rằng phải có tuyết mới có vải chijimi, hay chijimi là sinh ra nhờ tuyết.” Là nét đẹp trà đạo thu lại trong khu trà thất đong đầy ký ức của gia đình Kikuji. Là nghệ thuật vẽ tranh, là lễ hội đom đóm lấp lánh bên bờ hồ, là mùa xuân ở dãy núi Arashi đọng mưa bụi, là tiếng chuông ngân vang nơi cố đô xa thẳm, là tiếng sóng vỗ ngoài khơi…
Và tất cả, vẻ đẹp nhân, tình, cảnh ấy, đã được Kawabata khắc họa bằng giọng văn, ngôn ngữ đẹp tới tinh tế. Một vẻ đẹp, mà dẫu đã qua quá trình chuyển ngữ sang một thứ tiếng khác cũng không thể phai mờ. Một vẻ đẹp vừa gợi lên sự tỉ mỉ, sâu sắc, chắt đọng trong từng từ ngữ; vừa gợi về âm hưởng một nước Nhật cổ kính và hiện đại giữa thế kỷ XX. Vẻ đẹp mà trong câu văn như mang theo chất thơ, chất nhạc, chất họa. Cảm tưởng, nét đẹp câu từ ở văn chương Kawabata Yasunari đã trở thành một thứ “đạo”, giống như cung đạo, kiếm đạo, trà đạo,… vậy. “Oki đứng trên đỉnh đồi say ngắm ráng chiều tím biếc. […] Sắc tím trên bầu trời phía Tây mỗi lúc một loang dần lên cao. Có lẽ sương đang giăng, nhưng màu tím đậm đến nỗi sương trông như mây mỏng. Hoàng hôn tím là cảnh rất hiếm thấy. Màu nhạt tối dần chuyển sang màu đậm, nhòe nhoẹt như ai cầm cây cọ lướt trên mặt giấy ướt.” (Đẹp và buồn)
Không nhuốm màu bi quan cực đoan, cũng không mang sắc thái yếu đuối cam chịu, cái đẹp trong văn chương Kawabata là cái đẹp luôn chuyển mình, vận động. Bởi thế, mĩ cảm Kawabata Yasunari mang tới cho độc giả, là dạng mĩ cảm dịu nhẹ, trầm lắng, đằm sâu mà tựa sóng ngầm cuộn trào, thức tỉnh lương tri.
Nỗi buồn thấm sâu nơi vẻ đẹp con chữ của Kawabata Yasunari
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, dù trọn một đời Kawabata đi tìm cái đẹp và biểu hiện cái đẹp đó trên trang viết thì đến tận cùng, tác phẩm của ông vẫn luôn hướng tới chữ “buồn”. Cái buồn sâu thẳm đằng sau vẻ đẹp hoang hoải thẫm màu ký ức phủ bóng lên hiện tại, kéo dài từ thủa thanh niên với nhiều đam mê, say đắm đến tuổi trung niên mang nhiều khuyết thiếu tới tuổi xế chiều chỉ còn biết luyến tiếc, hoài vọng.
Nhưng dù cùng chung chữ “buồn” thì mỗi cá nhân trên trang văn Kawabata lại buồn theo lẽ riêng. Hay nói cách khác, nỗi buồn trong các sáng tác của Kawabata là cái buồn có muôn hình vạn trạng.
Buồn của chàng lãng tử, phiêu du tìm cái đẹp khác nỗi buồn nàng geisha khao khát yêu và được yêu. Buồn của chàng trai trẻ vẫn vật mình sau bóng dáng người cha đã khuất dưới mái căn trà thất cùng nỗi ám ảnh về vết chàm của người phụ nữ độc ác tựa rắn độc khác nét buồn nơi những cô gái trẻ, đang gắng trốn chạy quá khứ, yêu thương để làm lại cuộc đời. Buồn của một gã trai trung niên khiếm khuyết về thân thể, khuyết thiếu cả về mặt tâm hồn lẫn ký ức khác nỗi buồn một cô gái thực tại thân thể, cuộc đời bị trói chặt. Buồn của tên đàn ông tuổi xế chiều trở trăn nhìn lại cuộc đời đã qua khác nỗi buồn của người phụ nữ, đã kinh qua nỗi điên loạn mất con đến hôm nay vẫn luôn ám ảnh…
Nỗi sầu đa hình đa dạng, đa thành đa sắc tựa số phận truyền kiếp, như sợi chỉ đỏ, mạch ngầm chảy xuyên suốt các sáng tác của Kawabata Yasunari. Từ cái buồn khi bảng lảng, lúc trĩu nặng đó mà bóng dáng con người Kawabata xây dựng trên trang viết luôn mang nỗi đơn côi quay quắt. Người ta cô đơn ngay cả khi ở cạnh nhau, ngay cả vào giây phút tưởng chừng hạnh phúc nhất. Chính vì đơn độc, mà người ta khao khát kiếm tìm đến những điều cực hạn, hoài vọng về thủa vàng son ký ức hay thậm chí là điều cấm kỵ phạm tới “đạo lý hay không đạo lý.” Mà người ta buồn vì cô đơn hay càng cô đơn nên người ta lại càng buồn hơn? Có lẽ là cả hai. Và hai khía cạnh ấy, tạo thành mối quan hệ, như một vòng luẩn quẩn chiếm lấy tâm trí, cuộc đời mỗi người.
Để rồi, khi buồn thương không tìm thấy lối thoát, cái chết như trở thành cứu cánh, cứu vớt phần hồn mỗi cá nhân. Chẳng vậy mà, cùng nỗi buồn, sự cô đơn, cái chết đã trở thành cảm thức đầy ám ảnh, nhức nhối trong văn nghiệp của Kawabata nói riêng, văn học xứ Phù Tang nói chung.
Cái chết về thể xác, và cái chết về tâm hồn của những con người vẫn đang đơn thương lạc bước trên đường đời mịt mù. Cái chết của những người, vẫn mãi kiếm tìm cái đẹp tuyệt mĩ như biểu tượng cho mảnh ghép hoàn hảo còn khuyết thiếu cho tâm hồn. Rộng hơn, chính là cái chết của những người, mãi lặng thầm kiếm tìm “cái tôi” cá nhân trong cuộc khủng hoảng căn cước, cội rễ thời hậu chiến.
Nhưng dù có viết nhiều đến vậy về nỗi buồn, về ám ảnh cái chết, thì văn chương Kawabata chưa khi nào, cũng chưa bao giờ là “tuyệt vọng” hay đẩy con người ta tới bước đường “tuyệt vọng.” Bởi đến tận cùng, mỗi cá nhân Kawabata tạo dựng, vẫn tiếp tục sống ngay giữa trần ai còn nhiều khổ đau. Kể cả lúc thân xác họ mất đi, thì đó cũng là cách, họ tìm đường sống về mặt tinh thần khi đã trải đủ đau thương kiếp người.
Và khi song chiếu khao khát kiếm tìm cái đẹp cùng nỗi buồn thương, đơn côi của mỗi kiếp người trên trang sách Kawabata lên chính cuộc đời ông, ta lại càng thêm thấu hiểu, thấm thía về cái tôi Kawabata đã khát khao yêu thương, giao cảm với cuộc đời này như thế nào. Bản thân ông cả cuộc đời đã thiếu đi hơi ấm của người phụ nữ: ông mồ côi cha mẹ, người chị, người bà ông sống cùng cũng sớm ra đi khi ông còn rất nhỏ. Tới khi trưởng thành, người phụ nữ ông yêu và đã định kết hôn cuối cùng hôn sự lại không thành. Bởi thế, tác phẩm của Kawabata như sự phản ánh một phần tâm hồn khuyết thiếu đấy lên trang văn. Từ đó, thấu hiểu rồi ta càng thêm đồng cảm với mâu thuẫn, day dứt, mặc cảm, một lòng khát cầu hay đam mê đầy dang dở của từng con người trước cái đẹp, trước tình yêu, trước sự toàn vẹn của cuộc sống.
- Đọc thêm: Những bài review tác phẩm của Kawabata Yasunari
[Kawabata Yasunari] Xứ Tuyết: Vẻ đẹp u buồn mỹ cảm của Văn hóa Nhật Bản
Đẹp và buồn (Kawabata Yasunari) – Nỗi buồn thấm sâu trong vẻ đẹp con chữ
Những người đẹp say ngủ – Đời người tựa giấc mộng say đã tàn
Ngàn cánh hạc – Chén trà thu lại phần ký ức, đời người tựa cánh hạc bay cuối ngàn