“Đêm hội Long Trì” của Nguyễn Huy Tưởng mở ra một không gian lịch sử vừa lạ vừa quen: Bi kịch gia đình chúa Trịnh Sâm Tĩnh Đô Vương.
Tiểu thuyết “Đêm hội Long Trì” được đăng báo từ cuối năm 1942, xuất bản thành sách năm 1944. Sau đó bởi nhiều nguyên nhân, tác phẩm đã không được tái bản suốt một thời gian dài. Mãi đến thời kỳ đổi mới, “Đêm hội Long Trì” mới lại được tái xuất và trở thành một trong những cuốn sách được biết đến nhiều nhất của Nguyễn Huy Tưởng.
Tác phẩm cũng được chuyển thể thành chèo, cải lương, kể cả điện ảnh – phim “Đêm hội Long Trì” được khá nhiều người yêu thích.
Đọc thêm review tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng:
- Sống mãi với thủ đô – Dấu chấm lửng đầy tiếc nuối trong văn nghiệp của Nguyễn Huy Tưởng.
- Lũy hoa – Chiến lũy trên bạt ngàn hoa.
Chuyện bê bối trong phủ chúa Trịnh.
Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm, trị vì 1767 – 1782, là vị chúa thứ 8 của vương tộc Trịnh cầm quyền ở miền Bắc Đại Việt thời Lê trung hưng, nổi tiếng là vị chúa cứng rắn và tàn bạo nhất lịch sử Việt Nam. Vốn thông minh và quyết đoán hơn người, nhưng sau năm 1775, Trịnh Sâm ngày càng sa vào tửu sắc, chính trị suy bại, cuộc sống người dân trở nên cơ cực.
Tiểu thuyết lịch sử “Đêm hội Long Trì” tái hiện một thời điểm lịch sử điển hình cho sự suy thoái và phân rã của xã hội, khi chúa Trịnh Sâm tài giỏi nhưng ham mê sắc dục bị Đặng Thị Huệ lợi dụng điểm yếu để quyến rũ và thao túng quyền lực, làm đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn.
Nhà văn Tô Hoài từng nhận xét:
“Đêm hội Long Trì, những sinh hoạt xưa ở kinh kỳ mà trong đó, huyên náo những cảnh lộng hành bạo ngược của chị em bà Chúa Chè người Kinh Bắc. Những đau khổ của người dân phải chịu đựng mọi thói ăn chơi vô độ của các triều đại vua chúa. Nhưng chồng chất giữa những oan khiên này, vẫn thấy được đời sống người Kẻ Chợ cùng mọi quang cảnh phố phường sinh sôi. Đấy là sức sống âm thầm mãnh liệt của bách tính đã làm nên bao đời Kẻ Chợ. Thăng Long nhộn nhịp suốt sáng không biết có đêm trong những đêm hội Long Trì quanh Hồ Gươm, Hồ Tây…”
Trong không khí đêm hội kinh kỳ, các nhân vật chính, phụ, lịch sử và hư cấu đã lần lượt xuất hiện. Nhân vật lịch sử như chúa Tĩnh Đô Trịnh Sâm và Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Nhân vật có thật nhưng với ít nhiều hư cấu như Quận mã Đặng Lân và Quận chúa Quỳnh Hoa – nạn nhân của gã. Nhân vật hoàn toàn do tác giả sáng tạo nên, như thi sĩ Bảo Kim cùng nhóm bạn văn nhân của chàng, và đặc biệt là quan Hộ thành binh mã sứ Nguyễn Mại, người được chúa tin cậy giao trọng trách giữ việc trị an kinh thành.
Thoát khỏi sự mô phỏng lịch sử, trong “Đêm hội Long Trì”, Nguyễn Huy Tưởng đã thu gọn sự miêu tả từ điểm xuất phát là một đêm hội, rồi mở rộng mạch truyện trên hai tuyến nhân vật đối lập, cùng với số phận bị kẹt giữa hai phía của một số nhân vật khác. Từ trung tâm là một chuyện tình của cặp nhân vật Bảo Kim và Quỳnh Hoa mà mở rộng sang các mối quan hệ khác như quan hệ thầy trò, bè bạn, bố mẹ con cái, anh em, vua tôi… trong một cuộc sống rối ren, hỗn loạn hết cả những kỷ cương và đạo lý.
Bởi vậy tác phẩm có nhiều đất đai cho việc khai thác các mâu thuẫn và xung đột, cho sự mở rộng và đào sâu vào thế giới nhân vật, cho sự triển khai các mạch truyện và chủ đề, cho sự gửi gắm nhiều ý tưởng rút ra từ lịch sử trong gắn nối và soi sáng các vấn đề của thời hiện tại.
Một ngòi bút có khuynh hướng lịch sử không trộn lẫn.
Cuối thế kỷ XVIII là một trong những thời điểm rối ren, hỗn loạn nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam. Cho đến khi ấy, tấn bi kịch gia đình chúa Trịnh Sâm với sự can dự của người đẹp Đặng Thị Huệ đã được nhiều tác giả lấy làm đề tài để khai thác. Có thể kể ra như Phạm Đình Hổ với “Vũ trung tuỳ bút” (Chuyện cũ trong phủ chúa), Ngô gia văn phái với một trường đoạn nổi tiếng trong “Hoàng Lê nhất thống chí”, cho đến Nguyễn Triệu Luật với tiểu thuyết “Bà Chúa Chè”…
Đến lượt nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, tài hoa văn chương đã thể hiện lịch sử theo khuynh hướng hoàn toàn ấn tượng, không trộn lẫn.
Hầu hết các tác phẩm khác thường đi sâu vào chuyện riêng tư của nhà chúa, là đam mê nữ sắc của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm, là âm mưu và tham vọng của Đặng Tuyên phi, là càn rỡ của “Cậu Trời” Đặng Lân… mà ít vượt khỏi khuôn viên phủ chúa, thì “Đêm hội Long Trì”, quy mô đề tài cùng các tuyến nhân vật được mở rộng hơn rất nhiều.
Ngay ở chương đầu tác phẩm, cảnh lễ hội bên hồ Long Trì đã hướng câu chuyện ra ngoài khung cảnh thiên nhiên với nhiều chất sinh hoạt đời thường: cảnh người ta đi dự hội, trai thanh gái lịch chen vai đua sắc khoe tài; cảnh người ta bất kể sang hèn, sà vào các hàng quán, mặc cả, ăn quà, với không ít lả lơi, phóng túng…
Dựa trên sự kiện lịch sử có thật là chuyện bê bối trong phủ chúa Trịnh mang nhiều nét bi kịch gia đình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã dựng lên một bức tranh xã hội suy thoái thời phong kiến.
Nếu như trong “Hoàng Lê nhất thống chí”, Đặng Lân vì tội hãm hiếp đàn bà con gái, làm loạn kinh thành mà bị chúa bắt đi đày, thì ở tiểu thuyết “Đêm hội Long Trì”, gã đã bị chính tay quan Hộ thành binh mã sứ Nguyễn Mại chém đầu khi đang “gây án”, bất kể gã là em trai Tuyên phi Đặng Thị Huệ, người được chúa sủng ái.
Chỉ một câu đối đáp giữa Đặng Lân và Nguyễn Mại trước khi chàng võ quan vung kiếm chém cũng cho thấy tính chất quyết liệt trong sự hành xử của người thực thi pháp luật mà tác giả muốn đề cao:
“…
– Ta là Cậu Trời!
– Cậu Trời cũng chém!”
Thêm vào đó, sự đam mê nữ sắc của chúa Trịnh Sâm được tác giả nhìn nhận không chỉ như một bi kịch cá nhân mà còn với những hậu quả sâu rộng hơn rất nhiều.
Theo chính sử, Tĩnh Đô vương si mê Đặng Tuyên phi, nghe lời thổi gió bên gối mà gả con gái chúa là Công nữ Ngọc Lan cho em trai Tuyên phi là Đặng Lân – nổi tiếng càn rỡ và dâm dật. Lại chiều lòng người đẹp, chúa không lập con trưởng Trịnh Tông làm Thế tử, khi chúa qua đời, Tuyên phi cùng vây cánh đưa con trai Trịnh Cán vừa tròn 4 tuổi lên ngôi chúa.
Với “Đêm hội Long Trì”, đây không còn gói gọn trong một tấn bi kịch gia đình dòng họ, mà liên quan mật thiết đến sự an nguy của kinh thành, hay rộng hơn là của cả đất nước.
Được thể là con rể chúa, mang danh Quốc cữu, giở giọng “Cậu Trời” – Đặng Lân lộng hành, càn rỡ, khiến người dân kinh thành lúc nào cũng nơm nớp lo bị vạ bởi tay hắn, nhà cửa nếu không bị cướp bóc thì vợ con bị hãm hiếp… Kỷ cương phép nước là gì khi một giọt nước mắt của Đặng Tuyên phi đã làm chúa đau lòng? Dưới một thể chế như thế, tất cả chỉ trông vào sự tỉnh ngộ của chúa – điều sự thật đã không xảy ra, nhưng trong tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng thì lại xuất hiện một nhân vật anh hùng không sợ cường quyền – quan Hộ thành binh mã sứ Nguyễn Mại.
Điều thú vị là, Nguyễn Mại trong “Đêm hội Long Trì” là một nhân vật trượng nghĩa đại diện cho cái thiện được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng hư cấu nên, còn trong chính sử Việt Nam cũng có vị Quận công Nguyễn Mại (1655 – 1720) làm quan dưới triều vua Lê Hy Tông – là một vị quan văn võ song toàn, quan lại cùng thời ca tụng ông là “bậc thần giáng Hải Đông”, là “quý nhân Nam quốc”, còn dân gian thì tôn vinh ông là Bao Công nơi đất Việt. Sự trùng hợp này là vô tình hay hữu ý thì chỉ có nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mới trả lời được.
Bằng ngòi bút tài tình như thế, tác phẩm “Đêm hội Long Trì” được coi như là một chứng chỉ để Nguyễn Huy Tưởng chính thức khẳng định mình trên văn đàn.
Một cuốn tiểu thuyết lịch sử.
Tiểu thuyết lịch sử là một thể loại tiểu thuyết, chuyên viết về những nhân vật và sự kiện có thật trong lịch sử. Đồng thời đó là tiểu thuyết, không thể giản đơn và sơ lược về sự kiện và nhân vật như truyện sử hay ký sự lịch sử, mà còn tái hiện sinh động cuộc sống con người đi cùng không khí thời đại. Có tâm hồn, có cá tính, có trang phục, có nhà ở, có đồ dùng, có lời ăn tiếng nói, có bài ca, có trò chơi…
Vì thế, khi viết tiểu thuyết lịch sử, nhà văn buộc phải tưởng tượng và thêm thắt, bên cạnh nhân vật lịch sử, buộc phải hư cấu thêm nhiều những nhân vật khác, để người đọc không chỉ đọc một câu chuyện, mà còn sống, thể nghiệm với thời đại ấy nữa.
Tiểu thuyết lịch sử là hiện tượng văn học đặc biệt. Đặc biệt vì hai chữ “lịch sử”. Bởi lịch sử tuy có nhiều dạng như lịch sử một phát minh, lịch sử một giai đoạn văn học, lịch sử làng nghề… Song chủ yếu là lịch sử quốc gia, dân tộc, dòng họ, danh nhân. Mỗi khi đời sống xã hội có biến động với những vấn đề nhức nhối, con người thường tìm về lịch sử, hòng khai thác những vấn đề bị bỏ quên, bị phai nhạt, hay những con người bị đẩy ra ngoại biên… Từ đấy tìm thấy những bài học, hấp thụ chất men và nguồn khích lệ.
Hậu thế muốn nghe lại tiếng nói của lịch sử, muốn sống lại những thời khắc đau thương và hào hùng, cả những thời khắc nhục nhã… rồi nghĩ suy.
“Đêm hội Long Trì” là một cuốn tiểu thuyết lịch sử đã hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ của mình, nhờ cha đẻ Nguyễn Huy Tưởng.
Là khi cái ác được đẩy tới tận cùng thú tính của nó qua nhân vật “Cậu Trời” Đặng Lân, và phía sau là người đàn bà nhiều thủ đoạn Tuyên phi Đặng Thị Huệ, thì cái thiện thể hiện qua nhân vật Nguyễn Mại cũng đã biết cách tập hợp lực lượng và huy động sức mạnh để chống đỡ.
Và cuối cùng, cái thiện giành được chiến thắng trước cái ác, một kết thúc “có hậu” theo cảm quan văn học dân gian.
Nguyễn Huy Tưởng – Nhà chép sử bằng văn chương.
Nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học, tiến sĩ Nguyên An nhận xét:
“Nếu không có Nguyễn Huy Tưởng thì văn học hiện đại Việt Nam, nhất là ở mảng lịch sử – truyền thống, sẽ vơi đi sự bề thế, vẻ kỳ vĩ, tráng lệ và chất bi thương hào hùng.”
Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960), nguyên quán Từ Sơn, Bắc Ninh. Là một nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, đồng thời là một chính khách của Việt Nam.
Ghi được dấu ấn trên văn đàn từ khoảng đầu những năm 1940, muộn hơn so với các tên tuổi cùng thời, nhưng với lối viết tài tình, bút lực đĩnh đạc, dồi dào và nhiệt huyết, di sản văn học Nguyễn Huy Tưởng để lại vô cùng đáng trân trọng trên diễn đàn nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt phải kể đến các tác phẩm: “Vũ Như Tô”, “Đêm hội Long Trì”, “Bắc Sơn”, “Sống mãi với thủ đô”…
Nguyễn Huy Tưởng thể nghiệm trên nhiều thể loại như truyện ký, tiểu thuyết, kịch… Với nhiều đề tài từ lịch sử đến truyện thiếu nhi. Mảnh đất văn chương nào ông cũng tạo được dấu ấn riêng bằng niềm khát khao mãnh liệt muốn mượn văn chương để bày tỏ và khích lệ lòng yêu nước.
Đáng chú ý, Nguyễn Huy Tưởng là một trong mười hai thành viên đặt nền móng và là giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Năm 1996, Nguyễn Huy Tưởng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.