Sống giữa hai miền hư thực, lang thang trên những miền ký ức, Quỳ (nhân vật chính trong truyện “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”) vẫn luôn kiếm tìm sự hoàn hảo không tồn tại. Qua đó đã giúp Nguyễn Minh Châu thể hiện đời sống nội tâm con người một cách sâu sắc, nhìn con người dưới góc nhìn đa diện.
Hình tượng con người trong tác phẩm “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” đã được Nguyễn Minh Châu xây dựng với những mặt tốt xấu đan xen, nhìn con người trong một góc rộng hơn, cố gắng để nhân vật trở nên giống với con người hơn.
Con người trong góc nhìn đa diện
Bước ra khỏi quán tính của văn học kháng chiến, nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu cũng bước xuống khỏi những tượng đài. Trong câu chuyện “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”, các nhân vật không được xây dựng như những con người hoàn mỹ. Anh Hòa, trung đoàn trưởng trung đoàn K- người được Quỳ gọi là “anh ấy” xuyên suốt tác phẩm: “Sống gần kề ngày nào cũng gặp nhau, tôi mới có dịp thấy anh ấy cũng mừng rỡ hí hửng khi được thăng cấp, mới có dịp được trông thấy anh ấy cũng ăn, ngủ, đi lại, cũng chăn một đàn gà riêng, đánh một cái quần “xà lỏn” đi phát rẫy, cũng yêu người này, nói xấu sau lung người kia. Và, anh ấy lại có mồ hôi tay, hai bàn tay lúc nào cũng dấp dính. Mỗi lần tôi phải cầm lấy bàn tay anh ấy là lại thấy trên bàn tay mình một cảm giác dấp dính và lạnh”. Quá trình Quỳ nhận ra Hòa không hoàn mỹ với việc nhà văn (và cả chúng ta) nhận ra không hề có một con người hoàn hảo nào cả, không có một tượng đài nào cả; dù là thời chiến hay thời bình.
Và còn có cả Hậu hay Ph cũng được miêu tả với những khuyết điểm. Hậu thành thật nhưng cũng vì việc đó mà không hoàn thành tốt công tác của mình, giống như một cái máy “chỉ biết thu vào mà không biết phát ra”, từ một phóng viên tờ tin trở thành người chuyên việc khuân vác, in ấn. Ph. là một kỹ sư tài giỏi nhưng lại trở nên hám lợi, tham những vì cô vợ trẻ đẹp của mình (theo lời vị cán bộ).
Và Quỳ, nhân vật chính trong truyện, là một nhân vật nhìn như hoàn hảo nhưng lại không hoàn hảo. Chị có rất nhiều ưu điểm: một người yêu nước (từ chối một trường khao học tự nhiên ở nước ngoài để vào Trường Sơn tham gia kháng chiến), một người giỏi giang (làm được rất nhiều việc từ y tá, phóng viên, lái xe, y sĩ) và Quỳ còn được miêu tả là một người phụ nữ xinh đẹp. Nhưng chị vẫn là một con người không hoàn hảo bởi tính tham lam của chị- sự tham lam đi tìm cái tuyệt đối không tồn tại. Quỳ dường như chưa từng yêu ai cả, chị chỉ yêu cái tuyệt đối chị cho đã tồn tại trong khoảnh khắc nào đó trên người một ai đó.
Người đàn bà sống trong những mãnh vỡ quá khứ
Quá khứ của Quỳ được tái hiện qua những lời kể không liền mạch. Điều này tạo nên những mảnh vỡ câu chuyện, tạo thành những đứt gãy cảm xúc; đồng thời cũng tạo nên sự phong phú, phức tạp trong đời sống nội tâm nhân vật.
Mỗi lần trò chuyện với “tôi”, Quỳ sẽ kể về một câu chuyện và nhân vật khác nhau. Việc để nhân vật thuật lại câu chuyện của mình với nhân vật khác mà không trực tiếp miêu tả đời sống nội tâm đã đặt tác giả và độc giả vào góc nhìn khách quan khi đánh giá nhân vật. Nguyễn Minh Châu không đứng ở góc nhìn toàn tri đã tạo ra nhiều không gian cho độc giả suy tưởng, mỗi lần kể Quỳ kể về những việc rời rạc, người ta phải suy tưởng về những điều chưa được kể ấy.
Dù rời rạc cách mấy, những câu chuyện của Quỳ có một điểm chung: sự ám ảnh về “anh ấy”. Ta không biết Quỳ yêu Hòa hay không, nhưng Quỳ luôn nghĩ về anh trung đoàn trưởng này. Quỳ trong vô thức luôn nhớ về anh ấy, nhất là đôi tay và nụ cười trước khi chết.
Quỳ luôn sống mãi ở giữa những mảnh ký ức, một cuộc sống cô đơn, chỉ có chị và hồi ức về những người đã chết. Quỳ nói với nhân vật “tôi” rằng chị không thể tâm sự với bản thân mình suốt cuộc đời được. Chị cần một ai đó để chia sẻ, vì chị đã tự “tâm sự”, tự phân tích bản thân mình rất nhiều lần rồi. Một bi kịch về sự cô đơn của con ngừơi. Nguyễn Minh Châu, qua việc xây dựng cốt truyện và cách kể chuyện đã thể hiện đời sống nội tâm phong phú và phức tạp của con người. Mặt khác cách đan xen giữa thực tại và những mảnh vụn quá khứ; cũng như những hồi ức và tưởng tượng (cụ thể nhất là tưởng tượng của Quỳ về nụ cười của Hòa trước khi chết) đã tạo nên diễn biến tâm lí phức tạp và khai thác sâu nhất có thể ý thức lẫn tiềm thức con người.
Tìm kiếm mãi sự hoàn hảo không tồn tại
Quỳ là một người phụ nữ hoàn hảo và cũng cực đoan, luôn muốn đi tìm kiếm một “thánh nhân”: “Tôi thật ngu dại, với những người đàn ông đáng quý nhất trong số những người đáng quý ấy, tôi đã không coi họ là những con người đang sống giữa cuộc đời mà lại đòi hỏi nơi họ một thánh nhân. Tôi đã đi tìm cái tuyệt đối không bao giờ có”. Và cuối cùng, chị đã dành cả cuộc đời còn lại để ăn năn về điều đó. Đây là cả một quá trình nhận thức của nhân vật. Trong cuộc tình với Hòa, Quỳ muốn người yêu của mình là một thánh nhân, chị không thể chấp nhận những khuyết điểm rất “con người” của anh trung đoàn trưởng. Và khi đối mặt với cái chết của anh, Quỳ mới nhận ra Hòa vẫn là một con người ưu tú như chị từng biết, chỉ là anh không “thoát tục” như những gì chị muốn mà thôi. Chị đã nhận ra không thể tồn tại một thánh nhân trong cuộc đời trừ phi người ấy chết.
Nhưng rồi, trong cuộc hôn nhân với Ph, Quỳ lại cố gắng để trở thành một “thánh nhân”. Chị mong muốn cứu vớt một con người và hơn thế, chị muốn Ph có thể tạo ra nhiều thành quả và giúp đỡ nhiều người hơn nữa. Ảo vọng của Quỳ là quá lớn, chị đã nhận ra cuộc đời không có “thánh nhân”, nhưng chị vẫn muốn vượt lên con người để làm một “thánh nhân”. Thế nên, cuộc đời chị vẫn mãi cô đơn, không tìm được một bến đỗ cho mình; như nhân vật tôi đã ví cuộc đời chị như những chuyến tàu tốc hành, đi qua rất nhiều nơi nhưng không có một nơi nào có thể dừng chân.
Theo ý kiến cá nhân, việc Quỳ tìm kiếm một thánh nhân trong cuộc đời là một ẩn dụ của việc nền văn học kháng chiến luôn xây dựng những tượng đài, những “thánh nhân” trong tác phẩm. Và dù đã bước ra khỏi cuộc chiến ấy, nhận thức được rằng sẽ không có một “thánh nhân” nào tồn tại, thì trong tiềm thức nhiều người, vẫn muốn xây dựng họ (Những năm đầu nền văn học hậu chiến, các văn sĩ vẫn chưa bước ra được cái bóng của văn học kháng chiến). Từ nhận thức đến hành động là một quá trình, Nguyễn Minh Châu, trong tác phẩm “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” đã cho độc giả thấy một nhân thức mới về con người, ông nhìn họ ở góc nhìn đa diện và đi sâu tái hiện đời sống nội tâm. Đó cũng là bức đánh dấu sự thay đổi về quan niệm con người trong sáng tác của ông.