Ngày nay, ở Trung Quốc tồn tại một dòng chảy văn học riêng biệt – dòng “văn học quan trường”. Không ” shock”, không “sex”, không ngôn ngữ độc đáo hay kết cấu mới lạ, nhưng thể loại này lại hấp dẫn người đọc bởi chất hiện thực ngồn ngộn và lôi cuốn trong từng chi tiết. Sau ” Quan trường hủ bại” của Chu Kim Thái, ” Ôsin nhà Bộ trưởng ” của Phạm Gia Khánh tiếp tục là một cuốn sách viết về chuyện mua danh bán tước, chuyện tham nhũng, lối sống suy đồi đạo đức của những nhân vật “tai to mặt lớn” trong giới quan liêu Trung Quốc…
Tác giả Phạm Gia Khánh là một người dân của thành phố Thượng Hải sôi động bậc nhất, từng làm nhiều công việc như nghiên cứu khoa học, giáo viên, kinh doanh và truyền thông. Ông đã viết nhiều sách về các lĩnh vực đó, và có thể coi “Ôsin nhà bộ trưởng” là cách dùng văn học để tổng hợp kinh nghiệm về cuộc sống của ông.
Truyện kể về Cùng Hoa, một cô gái nông thôn hai mươi tuổi quê mùa chất phác vốn quen sống ở vùng dân tộc thiểu số vô cùng nghèo khổ, chủ yếu nương tựa vào gạo và quần áo cứu tế của nhà nước, quyết định vào thành phố kiếm tiền với hi vọng tìm được một việc làm lương thiện nhằm đổi đời. Cùng Hoa đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của Vương Hãn Đông – giám đốc ngân hàng Viêm Hoàng mưu sâu kế hiểm và trở thành cô ôsin nhà quê xinh đẹp – quà tặng cho gia đình bộ trưởng Từ Văn Tuấn. Cũng từ đây, cuộc đời bình lặng của Cùng Hoa bắt đầu rẽ sang một hướng khác, đầy sóng gió và biến động.
Truyện được tác giả xây dựng trên hai bối cảnh trung tâm. Một nơi là thôn Hạo Sơn, quê nhà của cô gái Cùng Hoa hay Quỳnh Hoa, quanh năm nghèo khó, chó ăn đá gà ăn sỏi. Một nơi là thành phố lớn, hiện đại, đầy đủ tiện nghi nhưng cũng lắm cạm bẫy. Hai bối cảnh khác biệt, nhưng cái khéo léo của Phạm Gia Khánh là ở chỗ đó. Ông sắp xếp đối lập như vậy để thấy được rõ rệt sự thay đổi của Cùng Hoa, đại diện cho tầng lớp nhân dân lao động khi bước chân vào một thế giới hoa lệ, hoa của người giàu, lệ của người nghèo!
Thời thế tạo anh hùng, quan hệ tạo cán bộ…
Người với người, ngoài quan hệ huyết thống là trời sinh, các quan hệ khác đều phải tự mình xây dựng, theo như cách nói hiện đại là “kinh doanh”. Thực ra cả đời người không thoát khỏi hai chữ “kinh doanh”… Trong lịch sử là thời thế tạo anh hùng, xã hội hiện thực bây giờ là quan hệ tạo cán bộ.
Có tài có đức là thượng phẩm, có tài vô đức là độc phẩm, có đức vô tài là thứ phẩm, vô đức vô tài là phế phẩm – nhưng chỉ cần sắp xếp được quan hệ, đám “độc phẩm” và “phế phẩm” sẽ có không ít cơ hội ngoi lên. Mạng lưới các nhân vật mở rộng dần, để lộ vô số ngõ ngách cực kỳ tinh vi trên con đường phấn đấu làm quan tham.
Một Ngô Cùng Hoa ngây thơ thật thà, một Từ Văn Tuấn thâm trầm quyền biến, một Vương Hãn Đông mưu sâu kế hiểm, một Từ Thẩm Bình háo sắc tham tiền… Mỗi nhân vật xuất hiện đều đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của cốt truyện. Phạm Gia Khánh sắp xếp các nhân vật gặp gỡ nhau, để chúng giao lưu trò chuyện, từ đó khéo léo vén lớp hóa trang quyền thế đạo mạo để vạch mặt những mưu đồ của bọn quan lại bỉ ổi đê tiện.
Thủ thuật của quan tham
Tác giả dành nhiều trang viết chi tiết và sâu sắc về các bí quyết, thủ thuật của bọn quan lại chốn quan trường, hứa hẹn mang lại cho độc giả sự hồi hộp, gay cấn. Mỗi vụ việc, mỗi lần đối đầu đều là một bài học. Vở kịch tặng tiền và nhận tiền vô cùng tinh vi. Thật thật giả giả khôn lường. Từ các giai đoạn rửa tiền hèn hạ, mở phòng tranh, thành lập công ty bảo lãnh để làm bình phong khi làm ăn bất chính, đến các khái niệm “thất thượng bát hạ”, ” nô tài mượn áo”, các thú ăn chơi uống rượu, thưởng trà, chọn đàn bà… Đọc những dòng này độc giả sẽ không khỏi giật mình trước vốn sống đồ sộ, phong phú của nhà văn. Ở lĩnh vực nào ông cũng thể hiện một cách trôi chảy, mượt mà. Không những thế ông còn để lại những triết lý hết sức sâu sắc, đáng suy ngẫm.
Bài học cơ bản của người làm quan nói cho cùng là xử lý tốt các mối quan hệ với cấp trên và cấp dưới, thứ hai là ở những nơi công cộng phải bảo vệ hình ảnh của mình. Nhưng ở những nơi riêng tư có thể vạch ra một cái vòng nhỏ với những người thân quen, có tiềm lực kinh tế, có thể lợi dụng lẫn nhau.
Một điểm cộng là tác giả rất thông minh trong việc trình bày suy nghĩ của cá nhân mình. Những triết lý sống ấy ông không thể hiện một cách khô khan rời rạc mà hết sức khéo léo thông qua những cuộc trò chuyện giữa các nhân vật. Ăn cơm, uống rượu, thưởng trà với nhau, cùng nhau đàm đạo về cuộc đời, cũng như răn dạy, cảnh báo cho đối phương biết người biết ta, có đánh cũng nên suy nghĩ trước.
Mạng lưới nhân vật mà nhà văn xây dựng tưởng như rời rạc nhưng thực ra lại luôn liên kết với nhau bởi một chất dính đặc biệt: Đồng tiền. Loại keo này thật luôn thu hút người ta, ma lực của nó khiến con người không dứt ra được. Làm mọi thứ vì đồng tiền, và rồi lại đau khổ vì chính đồng tiền. Một xã hội quá hiện thực, quá tàn nhẫn và máu lạnh. Giẫm đạp lên nhau, giẫm đạp lên chính nhân phẩm của mình để mà sống. Nhiều nỗi cay đắng và tủi hổ thật chẳng thể hiện được hết qua những dòng chữ lạnh lùng vô cảm.
Bên cạnh các nhân vật chính, tác giả còn xây dựng một tuyến nhân vật phụ: Châu Lệ, Nhan Lệ, Chu Lệ, Đào Lệ, Ngũ Lệ, Lục Lệ… Đây là những cô gái mà Vương Hãn Đông đã bao nuôi. Và rằng là một quan tham đầy kinh nghiệm, hắn cũng chẳng để yên cho các cô này. Không chỉ để phục vụ nhu cầu sinh lý, hắn ta cũng thật biết lợi dụng các cô trong các phi vụ làm ăn. Để người đẹp đứng ra làm giám đốc cũng chỉ là cái vỏ bọc để hắn nhận tiền hối lộ. Đến khi bị lộ thì một mình các cô hứng chịu. Vì vốn dĩ tên hắn đâu có trong giấy tờ. Tên cáo già khôn ngoan ấy lẩn sau bóng tối mà giật dây, dây đứt thì nhanh chân trốn chạy. Thật ghê tởm!
Đô thị hóa hay sự thoái hóa về nhân cách
Suy cho cùng là tất cả đều vì đồng tiền. Cô gây ngây thơ chất phác Cùng Hoa ngày xưa giờ đây đã bị cuốn vào vòng xoáy chính trường. Vừa là con rối trong các ván cờ chính trị, vừa tự dựng lên màn kịch của chính mình. Để có tiền chữa bệnh cho cha nên phải trộm tiền của nhà chủ, chấp nhận làm ôsin lên giường với cậu chủ. Và cuối cùng là dùng quyển sổ ghi chép quỹ đen của nhà chủ để uy hiếp họ. Thật là khó tưởng tượng nổi một cô gái nông thôn đã làm ra nhiều việc đến thế. Ngay từ việc đổi tên từ Cùng Hoa thành Quỳnh Hoa đã là một bước đệm tinh tế mà tác giả đặt ra để chuẩn bị cho những thay đổi tiếp theo của cô nàng.
Ngôn ngữ trong truyện không quá độc đáo và đặc sắc, mà ấn tượng nhất là cách kể chuyện của Phạm Gia Khánh. Lối kể chuyện ung dung, không vội vàng, việc gì cũng được mô tả rất kĩ, không hề qua loa. Nhiều người có thể hơi khó chịu với cách kể này vì nó rườm rà quá, không phù hợp với lối đọc sách kiểu “mì ăn liền ” của một bộ phận độc giả hiện nay. Nhưng nếu ở lại đến cùng, chúng ta mới cảm nhận được hết ý tứ mà ông muốn truyền tải. Lời văn như lời tâm sự, thâm trầm mà sâu xa, rườm rà nhưng không thừa, khô khan nhưng lại đầy màu sắc.
Hiện thực ngồn ngộn là chất liệu chính tạo nên bộ truyện. Nhiều phân cảnh thực hơn cả đời thực khiến người đọc xuýt xoa. Mô típ truyện có thể cũ, nhưng hàm nghĩa muốn gửi gắm thì rất thực tế, rất thời sự.
Điểm trừ duy nhất của truyện có lẽ là một cái kết không vẹn toàn cho Quỳnh Hoa. Trong khi các quan tham đều bị trừng phạt, khai trừ Đảng tịch thì Quỳnh Hoa càng bất hạnh hơn. Cô chết mà không hiểu vì sao chết. Cái kết này khiến đa số độc giả không tán thành, vì nó cay nghiệt quá, hụt hẫng quá. Một số ý kiến của người đọc cho rằng thấy thất vọng với tác giả khi ông đã đẩy mạch truyện lên khá thành công ở giữa cuốn sách nhưng lại “hết ga” vào những phần sau và để đoạn kết thúc khá lãng xẹt.
Cuối cùng, đây vẫn là bộ truyện rất được lòng độc giả vì nó tiết lộ những mặt hủ bại trong chốn quan trường thông qua câu chuyện về cô nàng ôsin vừa đáng yêu vừa đáng trách. Những hi vọng, ý chí phấn đấu của cô khiến người ta phải cảm thán; trong khi đó sự tham lam, tàn nhẫn của các quan chức và doanh nhân lại làm mọi người phẫn nộ, bất bình.
“Ôsin nhà Bộ Trưởng” thực sự là một cuốn sách đáng chú ý, đặt ra nhiều vấn đề đáng để mỗi người suy ngẫm và chiêm nghiệm.
Cuốn sách dày 548 trang của cây bút Thượng Hải Phạm Gia Khánh trước khi xuất bản đã được tác giả đăng tải dài kì trên trang web Sohu (Trung Quốc) với tỉ lệ người đọc luôn cao nhất và tạo nên một kỉ lục trên trang web này với cái tên “Ôsin lên giường”. Và một điều thú vị nữa là cái chết của Quỳnh Hoa sẽ được tác giả bật mí vào cuốn sách tiếp theo, một cuốn sách phá án với những tình tiết hồi hộp và gay cấn, như một sự tri ân, bù đắp cho những độc giả đã luôn yêu quý và ủng hộ ông!