Nhìn người như đếm cừu: Kết hợp trí tuệ của người xưa để áp dụng vào việc quản lí một doanh nghiệp trong thời hiện đại, hai việc tưởng chừng như trái ngược được tác giả William Pentak và Kevin Leman kết hợp thành những bài học phù hợp cho bất cứ nhà quản trị nào muốn biến doanh nghiệp của mình thành thiên đường làm việc.
“Chăn cừu” không phải chuyện đơn giản
“Nhìn người như đếm cừu” do một người ngoại đạo viết về phương pháp quản lí đáng kinh ngạc của Tổng giám đốc Theodore McBride tập đoàn General Technologies. Dưới sự lãnh đạo của ông, General Technologies không những đã đạt được thành công chưa từng thấy trong suốt 17 năm liên tiếp mà còn trở thành thiên đường làm việc đáng mơ ước của tất cả mọi người.
Quyển sách không mang câu chữ hoa mỹ, từ ngữ đao to búa lớn mà được chia ra thành nhiều bài học ngắn gọn, súc tích, giản đơn như chính phong cách của người truyền đạt lại nó, thầy giáo “nông dân” của ngài Theodore McBride. Nếu những quyển sách cùng chủ đề lãnh đạo, quản trị thường khiến độc giả choáng ngợp bởi số liệu thống kê khô khan, những phân tích, ví dụ dài dòng về các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới thì “Nhìn người như đếm cừu” chỉ khiêm tốn với hình ảnh người thầy giản dị và đàn cừu đáng yêu của ông.
Không phải trùng hợp mà đàn cừu được sử dụng làm hình tượng đại diện cho nhân viên trong tổ chức. Cừu là loài động vật nhút nhát, có tập tính sống bầy đàn nhưng lại vô kỷ luật, giống như tập thể những con người đủ mọi tính cách, mục đích riêng cùng tập trung một chỗ, nếu không có người dẫn dắt tốt, họ sẽ nhanh chóng biến thành bầy cừu nguyên thủy thiếu tổ chức, hỗn loạn, nhốn nháo. Trái lại, nếu được người lãnh đạo tài năng dẫn dắt, đàn cừu sẽ dần ổn định, đi vào trật tự nề nếp, từ đó cả đàn có thể tập trung và ngày càng phát triển.
Trải qua hàng ngàn năm ăn ngủ cùng bầy cừu, biết bao bài học kinh nghiệm được quan sát từ các cánh đồng cỏ của châu Âu hay thảo nguyên rộng lớn tại châu Phi đã ngày càng khiến con người trở nên khôn ngoan hơn. Trong “Kinh Thánh”, chúa Giê – su ví mình là một người chăn cừu tìm kiếm sự khôn ngoan qua việc dẫn dắt các con chiên hay quen thuộc nhất đối với nhiều độc giả là hình ảnh cậu bé chăn cừu trong tác phẩm nổi tiếng “Nhà giả kim” của tác giả Paulo Coelho. Do đó, không ngạc nhiên khi người thầy vĩ đại của nhà lãnh đạo General Technologies một lần nữa sử dụng trang trại chăn cừu để truyền đạt kỹ năng quản trị cho cậu học trò nhỏ.
Quyển sách về tâm lý hay quản trị ?
Khó có thể phân biệt rạch ròi giữa yếu tố tâm lý và nghệ thuật quản trị trong “Nhìn người như đếm cừu”. Suy cho cùng nghệ thuật của sự lãnh đạo là việc dẫn dắt một tập thể để cùng đi đến thành công chung, do đó, người quản lí giỏi phải là bậc thầy lão luyện về tâm lý con người. Không những thế, họ còn phải hiểu rõ bản chất nội tại của từng nhân viên cũng như các yếu tố môi trường khách quan tác động góp phần ra một nhân viên giỏi.
Xuất phát từ việc lấy nhân viên làm gốc, quyển sách đưa ra những chỉ dẫn cụ thể để bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng nắm bắt thế giới quan con người từ góc nhìn bao quát và sâu sắc nhất. “Điều thú vị nhất là anh không cần phải sở hữu một công ty có 50 nghìn nhân viên để kiểm chứng xem những nguyên tắc ấy có hiệu quả hay không. Chúng hiệu quả trong mọi trường hợp và với bất kỳ ai biết và áp dụng. Dù anh là một nhân viên quản lí trong lĩnh vực bán hàng cho một công ty dược phẩm khổng lồ, quản lí của một đơn vị nhượng quyền nhỏ về đồ ăn nhanh, hay hiệu trưởng của một trường nào đó cũng không sao cả. Điều đó không quan trọng vì dù anh có đi đến đâu đi chăng nữa thì con người đều như nhau thôi. Anh chỉ cần nắm được các nguyên tắc và làm theo là được”.
Trong bối cảnh hiện nay, trình độ, kỹ thuật ngày càng thay đổi nhanh chóng, mọi thứ dễ dàng trở nên lạc hậu, thì tài sản quý giá quyết định sự thành, bại, phát triển của mỗi doanh nghiệp chính là yếu tố con người. Để xây dựng doanh nghiệp mạnh cần đội ngũ nhân viên đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đặt ra, do đó, người quản lí càng cần phải trở thành một nhà tâm lý tài ba, là nguồn cảm hứng và hình mẫu đối với nhân viên của mình.
Quản lí doanh nghiệp là một nhiệm vụ cao cả chứ không chỉ đơn thuần là công việc kiếm tiền, nếu người quản lí coi mình như một kẻ làm thuê thì họ không thể hi sinh lợi ích của mình để dẫn dắt mọi người vượt qua khó khăn, xứng đáng để nhân viên đặt niềm tin và cống hiến hết mình. Mỗi hành động, mỗi một quyết định của nhà quản trị sẽ được phản chiếu rõ kết quả trên “đàn cừu” của mình, khi người quản lí không chịu hy sinh những lợi ích cá nhân trước mắt thì hậu quả tất yếu nhân viên và doanh nghiệp của họ sẽ là những người phải trả giá.
Mặc dù đưa ra đến bảy nguyên tắc cần thiết để trở thành một nhà quản lí giỏi nhưng nguyên tắc cốt lõi bao trùm toàn bộ tác phẩm và cũng là nguyên tắc quan trọng nhất mà một người quản lí thực sự phải có đó chính là “cái tâm”. “Cái tâm” để cảm nhận được nhân viên cần gì để theo sát, hỗ trợ, ngoài ra đó còn là sự tâm lý, từng trải và thấu hiểu để gần gũi, sát cánh và xử lý những vấn đề phức tạp trong quản lí con người. Việc dẫn dắt một tập thể đòi hỏi người quản lí phải có trái tim đủ nhân hậu để bao dung và tầm nhìn đủ lớn để chèo lái doanh nghiệp đến thành công chung.
Bảy chìa khóa vạn năng cho nhà quản trị
Trở thành nhà quản trị vĩ đại đòi hỏi sự nỗ lực theo đuổi đến cùng, ngoài ý chí vững vàng, kiên định, người quản lí còn phải có được tư duy bao quát, kỹ năng quản trị bậc thầy. Trên thế giới, mỗi nhà lãnh đạo thành công đều có phương pháp quản trị mang dấu ấn riêng biệt, tuy nhiên, để có thể áp dụng được cho nhiều mô hình, tổ chức, quy mô doanh nghiệp khác nhau đòi hỏi phải có giải pháp tối ưu nhất, được đúc kết qua nhiều thế hệ. Bảy thuật quản lí kinh điển được đề cập trong quyển sách “Nhìn người như đếm cừu” như bảy chiếc chìa khoa vạn năng giúp nhà quản trị mở khóa bất cứ doanh nghiệp thành công nào.
Nguyên tắc đầu tiên “Luôn nắm được tình trạng đàn cừu của mình”: Một nhà quản lí giỏi luôn biết rằng không thể quản lí một thứ mà mình không hiểu gì về nó. Do đó, để đạt được mục tiêu trong công việc thì điều quan trọng là phải có sự quan tâm, hiểu biết đến nhân viên song song với tiến độ công việc.
Nguyên tắc thứ hai “Luôn hiểu đặc điểm từng con cừu”: Khi đã hiểu rõ đặc điểm của mỗi nhân viên, người quản lí có thể sắp xếp họ vào những vị trí phù hợp, loại bỏ những cá thể không thích hợp với đội ngũ của mình, dần dần tạo nên một tập thể vững chắc.
Nguyên tắc thứ ba “Giúp bầy cừu nhận diện được bạn”: Một nhà quản lí giỏi không phải một kẻ làm thuê, họ phải trở thành người lãnh đạo, là gương mặt đại diện của một tổ chức. Họ phải là ngọn hải đăng dẫn dắt cả đội ngũ, truyền tải thông điệp và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
Nguyên tắc thứ tư “Xây dựng đồng cỏ của bạn thành một nơi an toàn”: Một tập thể chỉ phát triển khi người quản lí tạo ra được môi trường thân thiện, an toàn để nhân viêc của họ có thể yên tâm làm việc và cống hiến.
Nguyên tắc thứ năm “Cây gậy chỉ huy”: Hãy nghĩ đến hình ảnh chiếc gậy của người chăn cừu khi muốn bảo vệ đội ngũ của mình, sử dụng nó để chỉ dẫn, định hướng và giải cứu nhân viên khi họ gặp rắc rối. Lưu ý “cây gậy” là để bảo vệ nhân viên để họ có thể thoải mái hoạt động trong không gian của mình chứ không phải để kìm hãm họ.
Nguyên tắc thứ sáu “Chiếc chuỳ trừng phạt”: Nhiều nhà quản lí thường sử dụng sai chiếc chùy này dẫn đến sự áp đặt nặng nề, khiến doanh nghiệp của họ thành một nơi “đáng sợ” đối với nhân viên. Chức năng chính của cái chùy là để người quản lí bảo vệ người của mình, dùng để giám sát công việc, cuối cùng nó mới được sử dụng để trừng phạt những “chú cừu” vô kỷ luật.
Nguyên tắc thứ bảy “Cái tâm của người chăn cừu”: Trên tất cả những nguyên tắc cứng nhắc, nhà quản trị vĩ đại sẽ luôn hiểu rằng việc quản lí một tập thể cũng là cách ứng xử giữa người với người. Muốn có một đội ngũ luôn hết lòng vì mình, người quản lí phải dành tất cả trái tim cho nhân viên.
Một quyển sách về thuật lãnh đạo con người, quản trị doanh nghiệp được truyền tải nhẹ nhàng, cuốn hút giống như câu chuyện kể, dẫn dắt độc giả qua bảy chương sách một cách nhẹ nhàng, sâu sắc. Đọc “Nhìn người như đếm cừu”, độc giả sẽ có cảm giác như mình là cậu học trò nhỏ đang lẽo đẽo theo sau thầy giáo tha thẩn khắp trang trại chăn cừu xa lạ, để rồi những bài học khó nhằn về phương pháp quản trị sẽ tự nó phơi bày thật hiển nhiên, thú vị.
Nguyễn Bảo