Lôi Mễ xây dựng hình ảnh những vị cảnh sát với một cuộc đời đau khổ. Một vụ án giết người chặt xác 23 năm không phá được & nỗi trăn trở về phá án cũng là tâm nguyện cuối cùng của một vị cảnh sát già gần đất xa trời.
- Đề thi đẫm máu cuốn sách hay nhất về trinh thám kinh dị của Lôi Mễ
- Ánh sáng thành phố – Khi cán cân công lý bị thiên lệch
Hầu hết người Việt mê trinh thám đều biết đến anh chàng Phương Mộc & series trinh thám kinh dị Đề thi đẫm máu nổi tiếng của Lôi Mễ. Anh vốn là một giảng viên của trường cảnh sát nên cách trình bày khá chân thực và cô đọng đã khiến cho bao thế hệ độc giả phải mê mẩn với những hành trình đầy đau thương bi kịch của cảnh sát Phương Mộc. Thế nhưng khi đọc Tâm nguyện cuối cùng, có lẽ ngay cả những người bi quan nhất cũng sẽ phải cảm thấy, chất bi kịch ở cuốn sách này thậm chí còn nặng đô hơn so với 5 cuốn sách đã xuất bản trước kia của Lôi Mễ.
Truyện bắt đầu từ một vị cảnh sát già mắc bệnh nguy kịch và chỉ có thể sống được vài tháng nữa. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông vẫn trăn trở về một vụ án đã từng rúng động ngành cảnh sát nước nhà. 4 vụ án mạng giết người cưỡng dâm và sau đó phi tang chứng cứ bằng cách chặt đứt thi thể, vứt ra nhiều nơi để cảnh sát không tìm ra manh mối. Sau hơn 20 ngày phá án, cảnh sát bắt được kẻ tình nghi, hắn bị tử hình. Nhưng rồi sau đó, một vụ án mạng tương tự lại tiếp tục xảy ra. Cảnh sát liệu có bắt nhầm người? Không ai tin trừ ông cảnh sát già ấy
23 năm sau, cánh cửa phá án lại được mở ra. Và lần này, hung thủ có phải đền tội?
Chắc chắn là có, vì đây là tác phẩm của Lôi Mễ
Đặc điểm chung trong truyện trinh thám của Tử Kim Trần là hung thủ chưa chắc đã bị trừng trị, thậm chí có khi kẻ thủ ác còn an toàn cao chạy xa bay (trong cuốn Mưu sát). Còn trái ngược với Tử Kim Trần là đối với Thầy Lôi, một câu chuyện cổ tích thường phải có cái kết vẹn toàn, tội ác chắc chắn sẽ bị trừng trị. 5 cuốn sách viết về anh chàng Phương Mộc của Lôi Mễ, những kẻ phản diện tội ác tày trời đa phần đều chết thảm. Cuốn sách này cũng không ngoại lệ, hung thủ cuối cùng cũng lọt lưới. Chỉ có điều trong hành trình bắt kẻ thủ ác lộ diện, hàng loạt tấn bi kịch lại được tác giả vẽ ra.
Đó là một cụ già bị liệt đang nằm ở viện dưỡng lão vẫn ngày ngày khắc khoải hình bóng vợ cũ, dù người vợ ấy đã bị giết cách đó hơn 20 năm. Đó là một cô gái trẻ mất mẹ từ lọt lòng, và cha của cô – một người cha tốt bỗng trở nên nghiện rượu, bê tha buông thả với cuộc đời. Đó là một ông cảnh sát già đã nghỉ hưu nay bỗng chốc phải ngày ngày chịu lạnh ngồi canh me theo dõi kẻ tình nghi.
Và qua câu chuyện ấy, hàng loạt những mảnh đời bất hạnh được vẽ ra. Tiêu biểu là bộ ba cảnh sát thân thiết đã từ mặt nhau, Mã Kiện, Lạc Thiếu Hoa & Đỗ Thành, ba con người ba cá tính khác nhau chỉ vì một vụ án mà đã hơn 23 năm không một lời hỏi thăm, cho dù trước kia họ từng sát cánh sinh tử.
Làm nghề cảnh sát mà đau khổ thế, liệu có nên không? Câu trả lời xin dành cho độc giả.
Chân dung tâm lý tội phạm, đặc sản của trinh thám Lôi Mễ
Theo Lôi Mễ, bất cứ một vụ án hình sự nào xảy ra cũng không phải là một cá thể tồn tại độc lập mà còn cả những câu chuyện phía sau.
Về khắc hoạ tâm lý tội phạm, Lôi Mễ là bậc thầy. Điều này không ai có thể phủ nhận.
Trong vụ án này, hung thủ là một kẻ biến thái vốn không thể có một mối giao thiệp bình thường với nữ giới. Độc thân, có trí thức, thông minh và không thể kết duyên cùng một cô gái bình thường. Hắn ta chỉ có thể thoả mãn dục vọng bằng cách cưỡng đoạt. Và sau đó là giết người. Ghê rợn và ám ảnh là những mỹ từ để miêu tả hắn. Chung quy lại, cũng chỉ để thoả mãn nhu cầu cái tầng thấp nhất trong tháp nhu cầu của Maslow.
Với Độc giả thứ 7, Lôi Mễ tái hiện một kẻ hận thù xã hội vì không thể sống một cuộc sống bình dị khiến chúng ta xót xa cho những mảnh đời bất hạnh.
Với đề thi đẫm máu, sẽ rất nhiều người ghê rợn cho hành vi giết người chỉ để thể hiện cái tôi bản thân, để chứng minh tôi tài giỏi, chỉ vì ganh tỵ…
Với ánh sáng thành phố, tội ác được nâng tầm lên. Là giết người đền mạng, trừ khử những kẻ mà pháp luật không thể trừng trị.
Còn với tâm nguyện cuối cùng này thì sao, một cuốn sách khá dày, và như một thước phim đầy đau thương được kéo dài lê thê mà trong số đó, người đọc sẽ phải cảm thông hết sức với những người cảnh sát muốn dồn hết tâm sức chỉ để làm sạch xã hội, trừ bỏ những kẻ xấu xa, biến thái.
Những điểm trừ
Ngoài miêu tả chân thực tâm lý tội phạm, tác giả lại bỏ qua những tâm lý của người đóng vai nạn nhân. Một cô gái như Nhạc Tuệ Tuệ làm sao đủ dũng khí để lừa hung thủ vào tròng, đóng vai mồi nhử? Động lực nào khiến cô chấp nhận làm việc đó?
Đỗ Thành là một vị cảnh sát quá lý tưởng? Có cần phải làm mọi thứ hoàn hảo đến như vậy không?
Kỷ Càn Khôn, tại sao ông lại có những hành động cực đoan đến thế?
Mô típ phá án & hung thủ không có gì gây bất ngờ cũng là một điểm trừ của tác giả. Có vẻ như đây cũng là nhược điểm cố hữu của nhiều tác giả tiểu thuyết trinh thám, làm mất đi sự bất ngờ của cuốn sách. Tuy nhiên ưu điểm là logic và chặt chẽ. Điều này thì ít người làm được.
Xuân muộn
Vĩ thanh của cuốn sách là cảnh đôi bạn trẻ dắt tay nhau vào thăm 2 người già đang ung dung tận hưởng những ngày tháng cuối đời ở bệnh viện. Tâm nguyện cuối cùng của họ cuối cùng cũng được hoàn thành. Có cảm giác như đây là một bộ phim happy ending không thể trọn vẹn hơn.
Có thể nói là cầu vồng sau cơn mưa cũng được.
Cùng tác giả: Đề thi đẫm máu – cuốn sách hay nhất về trinh thám kinh dị của Lôi Mễ