Nhà giả kim là một trong những tác phẩm hay nhất của nhà văn Paulo Coelho, được mệnh danh là cuốn sách bán chạy chỉ sau kinh thánh. Tuy nhiên, với những người đam mê sách khó tính, cuốn sách này dù kiệt xuất đến đâu cũng không tránh khỏi nhiều sự chỉ trích trái chiều. Dễ hiểu hơn thì cứ 10 độc giả khen hay thì ắt có tới 9 người chê dở.
Thực hư về chuyện xuất bản nhiều như những cuốn sách kinh thánh rất có thể chỉ là một chiêu trò của các nhà Marketing. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng, Nhà giả kim (tiếng anh là The Alchemist) là một cuốn sách đã vượt tầm thời đại và có sức cuốn hút rất riêng mà hiếm tác phẩm đương thời nào sánh được. Bởi vậy nên không ngạc nhiên khi tác phẩm này đã trở thành một trong những cuốn sách “best-seller” liên tục trong nhiều năm tại các trang bán sách online.
- Cuộc đời của Pi – Niềm tin, sống sót và ý chí vượt qua nghịch cảnh
- Bố Già – Cuốn sách dành riêng cho những người đàn ông xuất chúng
- Ông già và biển cả của Hemingway
- [Rosie Nguyễn] Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu: Nếu bạn không biết quý trọng, rất có thể nó chỉ đáng giá 70.000đ
Về nội dung của Nhà giả kim, rất có thể sẽ còn nhiều thứ để độc giả tranh cãi.
Người khen, kẻ chê
Một câu chuyện đơn giản về cậu bé chăn cừu vốn mộng mơ về những chuyến phiêu lưu định mệnh, vô tình gặp được một vị thầy bói có năng lực đặc biệt, và sau đó là hành trình từ giấc mơ trở thành đời thực của cậu chàng trong chuyến đi tìm kho báu truyền thuyết.
Kích thích độc giả bởi lối dẫn truyện cuốn hút, những ví von trong cuộc sống đời thường và những lời thoại kinh điển. Nhà giả kim là nhân vật truyền kỳ xuất hiện như một vị thần, dẫn đường cho cậu chăn cừu bé bỏng mạnh dạn từ bỏ cuộc sống an nhàn hiện thực để đấu tranh cho một tương lai mạo hiểm khó có thể đoán định trước.
“Nếu cậu muốn một điều gì đủ lớn, cả vũ trụ sẽ hiện thực giúp bạn điều đó, qua những dấu hiệu mà nếu cậu nhìn kĩ mới có thể nhận ra”.
Hành trình đi tìm kho báu của cậu chăn cừu, tương tự như các bạn trẻ ở Việt Nam hay tự gọi mình là “start-up” hay khởi nghiệp, cũng khốc liệt & nhiều câu chuyện khôi hài.
Đầu tiên cậu bị lừa mất toàn bộ gia tài, cả đàn cừu giờ không còn một con, cậu bị trôi dạt tới một đất nước xa xôi, làm công cho một cửa hàng nhỏ nhoi suốt một năm mà chỉ chật vật đủ ăn đủ sống. Nghe đâu đó chúng ta liên tưởng tới một cuộc đời công sở quen thuộc. Ra trường, đi làm, có kinh nghiệm, nhảy việc & cứ tiếp tục mơ một giấc mơ tự do tài chính.
Kế đến là cuộc gặp với nhà giả kim – người đóng vai nhà đầu tư cho cậu bé chăn cừu khởi nghiệp, với mục tiêu chung là giúp cậu tìm ra kho báu. Thậm chí vị thần thánh còn tiên liệu được lúc nào cậu sẽ thất bại cay đắng. Và đúng là những gì diễn ra sau đó trùng khớp một cách đầy ngẫu nhiên. Cậu chăn cừu của ngày nào nay thê thảm biết chừng nào. Sóng gió gập ghềnh khiến cậu suýt thiệt mạng & đã nghĩ đến một giây phút bỏ cuộc lúc yếu lòng nhất.
Thế rồi chuyến phiêu lưu định mệnh cũng có lúc hái quả ngọt. Vô tình tên cướp đã tiết lộ cho cậu biết “kho báu nằm ở đâu”. Bí mật cuối cùng đã khiến trái ngọt rơi đúng lúc tuyệt vọng nhất, hạnh phúc sau tất cả đã chịu mỉm cười với một cậu bé ngây thơ của ngày nào.
Một câu chuyện nên thơ đã kết thúc đầy bất ngờ như thế, đáng nhẽ đã làm ấm lòng độc giả thế nhưng nhà văn tạo ra cuốn “thánh kinh” này đã không ngờ được rằng có ngày ông lại là tâm điểm của một cuộc tranh cãi không hồi kết.
Người khen hay vì những triết lý nhân sinh sâu sắc, những bài học ẩn dụ đầy triết lý và truyền cảm hứng.
Kẻ bi quan thì coi nó như một câu chuyện cổ tích rẻ tiền, một truyền thuyết được PR quá mức, và không mang lại nhiều điều thực tế, nhiều bài học như người ta kỳ vọng.
- : 7KVYe9vJ” 7KVYe9vJ
Nhà giả kim không phải là cuốn sách của những bài giảng
Nếu bạn cho rằng cuốn sách là những bài giảng về hành trình start-up, có lẽ bạn đã kỳ vọng nó quá nhiều. Một cuốn sách “best-seller” trên thực tế không mang nhiều ẩn ý đến thế.
Hãy nhẹ nhàng tận hưởng nó như một đứa trẻ ngây thơ, coi như một cuốn sách để giải trí sau những giờ lao động làm việc mệt nhọc. Đừng gắn cho nó một cái mác to lớn là “self-help”. Bởi sau tất cả, Nhà giả kim vẫn chỉ là một câu chuyện truyền thuyết thôi, bạn nhé!
Sau đây là tổng hợp những bài review về cuốn sách đầy tranh cãi này, khen có & chê cũng có!
1) Review khen hay từ bạn Quỳnh Trần
Trước giờ bản thân tôi vẫn tin rằng mỗi người đều có một vận mệnh riêng, một số phận với những hướng đi và sự lựa chọn không hề giống nhau. Dù rằng cả gia đình không hề theo bất cứ tôn giáo nào nhưng việc tiếp xúc với phật giáo và thiên chúa giáo từ nhỏ đến lớn do môi trường học tập đã khiến tôi ít nhiều bị ảnh hưởng tới nhận thức cùng suy nghĩ. Loanh quanh với những câu hỏi “ mười vạn vì sao” và tôi đã tiêu tốn một cách hào phóng thời gian cũng như tuổi trẻ của mình trong vòng luẩn quẩn không lối ra đó. Vì sao tôi tồn tại? Vì sao tôi được sinh ra? Vì sao tôi luôn cảm thấy mình khác với những người xung quanh? Mục đích hay ý nghĩa của sự tồn tại của tôi là gì? …Cho tới khi tôi gia nhập “hội những người thích sách” và được bạn bè chia sẻ cho những cuốn sách hay và đặc biệt trong số đó có hai cuốn sách đã trở thành một phần “ cứu rỗi” trong tôi. Ba người thầy và nhà giả kim thuật.
Miên man trong mối tơ vò, lạc lối trong mê cung không tìm thấy cánh cửa và cô độc trong thế giới vốn thuộc về chính mình. Tôi trơ trọi và lạc lõng về linh hồn. Tôi luôn muốn tìm kiếm lý do mình sinh ra, lý do mình tồn tại. Thất vọng, buồn bực, hi vọng, thấp thỏm…là những cung bậc cảm xúc đan xen. Qủa là một chặng đường dài để với tới ánh sáng, cho tới khi gặp được người có thể giúp tôi nhận ra những giá trị vốn có của bản thân – trả lời hết những thắc mắc bấy lâu, dịu dàng dẫn dắt khiến tôi đủ dũng cảm nhìn nhận chính mình và biết cách cư xử tốt hơn với cuộc sống. Tuy luôn tìm kiếm và mang theo hi vọng mong manh nhưng cho tới khi “ duyên kỳ ngộ” xuất hiện, tôi vẫn cứ ngỡ ngàng tưởng như mơ. Một câu chuyện nhẹ nhàng, những cuộc nói chuyện thân mật, những lời hướng dẫn không mang nặng triết lý, giáo điều là cách tôi cảm nhận về “ ba người thầy”. Và có lẽ đây cũng là cuốn sách tiền đề giúp tôi có thể hiểu được rõ ràng và sâu sắc hơn chính mình tựa như có một phần nào trong câu chuyện kể về cuộc hành trình kéo dài của chàng chăn cừu với nhiều câu nói thâm sâu, nặng tựa “ ngàn vàng” khi anh đi kiếm tìm kho báu cuộc đời mình.
Trong suốt chặng đường chàng trai bắt đầu từ khi còn là người chăn cừu cho đến khi đặt chân tới bến đích đầy khát khao và tưởng chừng như một giấc mộng hão huyền chuyên dành cho những kẻ rảnh rỗi là cả những băn khoăn, lo lắng, hoài nghi, nguyện cầu, bất chấp, tin tưởng…
Phải chăng đó cũng là tôi trên con đường dài tiến về phía kho báu của chính mình? Không giống như một cuốn sách mua ngoài tiệm. Cuốn sách của đời tôi giờ mới đi một nửa chương bốn. Vòng xoáy định mệnh rồi sẽ đưa tiễn đến đâu? Chàng chăn cừu đã có những suy nghĩ như thế nào trước khi đánh đổi mọi thứ đang có – bầy cừu, để hướng tới một thứ còn mơ hồ xa tầm với?
Suy nghĩ an phận của những người đã từng mơ thấy cùng một giấc mộng đó giờ ra sao? Liệu có khoảnh khắc tiếc nuối vì điều mình đã bỏ lỡ? Từ người bán kem, bà thầy bói tới ông chủ tiệm bánh pha lê, tên tướng cướp?
Đi tới từng này chặng đường, ít nhiều chính tôi cũng sẽ không ngây thơ thốt lên hai chữ “ nếu như” – một điều ước chẳng bao giờ trở thành hiện thực, sáo rỗng và dối lừa. Ưoc mơ, khao khát quả là đẹp nhưng rồi liệu nó sẽ ra sao nếu luôn là ảo ảnh không chạm tới, không với tới, không nhìn thấy?
Sẽ có gì đảm bảo với chàng trai rằng một kho báu thực sự tồn tại sẽ đợi chàng đến lấy hay ai đó có thể chỉ rõ vị trí chính xác của nó cho chàng? Xuyên suốt câu chuyện là sự xuất hiện của bà thầy bói già Zigeuner, ông vua sứ Salem kì lạ, nhà giả kim – những người mà lời chỉ dẫn của họ tựa như có, tựa như không. Nhưng chính họ lại là những người “ duyên xảo hợp” cổ vũ, khuyến khích chàng vững vàng trên con đường mình chọn.
Đi theo tiếng gọi của con tim, tin vào số mệnh dẫn lối và trải lòng với tiếng nói của tâm linh vũ trụ dù có lúc trên con đường ấy, chàng cũng chẳng thể cưỡng lại những suy nghĩ sợ hãi, nghi ngờ và cả sự từ bỏ. Chằn chọc, băn khoăn uhm liệu mình có đang đi đúng hướng? Nên tiếp tục bước đi hay từ bỏ để quay trở về với bầy cừu, với vùng đồng cỏ Andalisia xanh mượt mà sống cuộc đời vô tư lự?
Bỗng nhiên tôi nhớ lại trước đây trên một bài post đã có người bạn nói rằng bạn ấy không thể hiểu được “giọt dầu” trong một đoạn trích của cuốn sách. Lúc đó tôi thực sự chưa đọc cuốn sách này và chỉ dựa vào đoạn trích bạn ấy đăng để phán đoán ý nghĩa của nó. Giờ đây khi đã gấp lại những trang giấy, nghiền ngẫm những gì đã đọc, đã trải qua, tôi lại chợt thấy hình tượng “ giọt dầu” lại mang một ý nghĩa khác mà nhà thông thái muốn truyền đạt cho chàng trai – người đi tìm kiếm hạnh phúc. Tôi thích cách ông liên tưởng và sử dụng để hiện thực hóa vấn đề đó. Hạnh phúc không đơn giản chỉ là việc thả lỏng tâm hồn theo những cuộc chơi ( chàng trai đã đi và ngắm nhìn toàn bộ khuôn viên nơi ở của nhà thông thái – nơi vô cùng đẹp và chứa nhiều thứ kì lạ, thú vị ) mà quên đi trách nhiệm, nghĩa vụ, mục đích ban đầu của bản thân đó là giữ cho “ giọt dầu” không bị chảy mất.
Thật là dại khờ – chàng chăn cừu đã từng nghĩ về kho báu trong giấc mơ của mình như thế đấy, nhưng ít nhất nếu như chàng không tìm thấy kho báu kia thì cuối cùng chàng vẫn là người thắng cuộc vì trong tất cả những con người có chung khát vọng đó thì chàng là người đã đi xa nhất và “ dám “ đi đến tận cùng để chứng minh sự tồn tại của nó. Dĩ nhiên trong cuộc hành trình dài từ vùng Andalisia với những đồng cỏ mơn mởi đến thành phố Tanger – thành phố cảng ở Bắc Maroc, sôi nổi, náo nhiệt rồi qua sa mạc phủ đầy cát có những ốc đảo xinh đẹp chứa đầy những cây chà là xanh tươi đến vùng đất hứa Kim tự tháp Ai Cập, chàng cũng đã nhận được rất nhiều điều mới lạ, lý thú mà trước giờ chưa từng nghe nói, chưa từng biết hay gặp những con người mà có lẽ cả đời chàng cũng sẽ không quên được. Một trong số đó là người bạn đời – một cô gái sa mạc khuyến rũ, chân thành và mạnh mẽ cùng người thầy thông thái – người hướng dẫn của chàng, nhà giả kim thuật.
” Thực ra, khi đọc cả cuốn sách điều tôi nhận ra và tâm đắc nhất khi giở hết trang giấy cuối cùng của cuốn sách đó là nhận thức ra một điều rằng: Nhiều khi kho báu lớn nhất mà cả đời mỗi người đi tìm lại gần chúng ta trong gang tấc nhưng nghịch lý là mỗi người lại luôn đi một vòng lớn rồi mới khám phá ra nó. Tưởng như xa mà hóa ra lại khá gần. Kể cũng có phần đáng cười làm sao mà rõ ràng trải qua rồi thì cười hổng có nổi.
Dõi theo chàng cho tới trang cuối khi mà chàng chăn cừu đạt được ước mơ của mình là chạm tay vào kho báu. Tôi dường như không mấy ngạc nhiên vì có lẽ đó là điều tất yếu so với những gì chàng đã bỏ lại, đã đi qua và luôn giữ vững ngọn lửa “ thắp sáng” trong tim mình. Rồi chợt tôi nhận thấy: có lẽ tương lai của tôi sau này cũng giống như kho báu ban đầu của chàng vậy. Nó mờ ảo và không có gì có thể chứng minh sự tồn tại một cách chắc chắn. Nhưng nếu không thử tìm kiếm, không thử trả giá và bước đi thì sao biết được điều gì là không thể.Có lẽ tôi cũng nên học theo suy nghĩ của anh chàng rằng dù cho kho báu không tồn tại thì cho đến cuối cùng tôi cũng có thể tự hào nói rằng tôi đã “dám” làm, dám trả giá để chứng minh điều mình ước, điều mình muốn và mỉm cười thỏa mãn rằng bản thân là người thắng cuộc trong chính con đường đời dành riêng cho mình đó.
Note: Bước sang ngày mới khi mà kim đồng hồ đã điểm 0:23p. Tôi thấy tâm trí mình thật nhẹ nhàng và có đôi ba phần háo hức mong đợi một ngày mới đang đến. Khi mặt trời lên phía xa xa nơi chân trời, sẽ có rất nhiều điều thú vị chào đón tôi cùng những kế hoạch của bản thân cần làm trong 24h tới. Lãng phí thời gian, tiền bạc và tuổi trẻ trong suốt những năm tháng qua là một việc làm ngu ngốc nhưng may mắn là chính tôi không bỏ cuộc giữa chừng dù cho nó là rất nhỏ. Soi mình trong gường và bật cười, tự mình cho chính mình thêm một cơ hội thay đổi. Chấp nhận con người hiện tại và cổ vũ bản thân thêm can đảm bước đi trên con đường mà số phận đã an bài, tiến về phía mà bản thân sẽ không bao giờ hối tiếc.
(Nguồn: tác giả Quynh Tran)
2) Review Nhà giả kim của bạn Anh Long : một tác phẩm cực kỳ hay (khen tấm tắc)
Tôi thích cái cách mà nó thể hiện sự khiêm tốn của mình ở trang bìa. Bây giờ bạn có thể thấy vô số cuốn sách với dòng chữ “cuốn sách đã bán được “N” bản” hoặc best selling gì đó. Và “n” đó hẳn sẽ là những con số khổng lồ gây ấn tượng cho bạn, “10 triệu” bản chẳng hạn hoặc nhiều hơn…Nhưng.
“CUỐN SÁCH BÁN CHẠY CHỈ SAU KINH THÁNH”
Đó là dòng chữ đơn giản, thể hiện sự khiêm tốn nhưng cũng chẳng thể làm mờ nhạt đi cái tầm ảnh hưởng và độ kinh điển của nó. Cuốn sách khá mỏng, “văn nhẹ như thơ”, làm ta có thể liên tưởng đến một tác phẩm được nhiều người hâm mộ trong nhiều thập kỉ: Hoàng tử bé của Saint Expéry.
Đến đây thì bao nhiêu bạn biết tôi đang nói tới cuốn sách nào rồi nhỉ? Phải đó là cuốn NHÀ GIẢ KIM.
Cuốn sách của Paulo Coelho này đã có tên trong sách kỷ lục Guiness vì “ đã được dịch ra 56 thứ tiếng và bán được 65 triệu bản( vào thời điểm 2008)”. Vậy là số sách này đủ cho toàn bộ số nam giới đang nhiều hơn số nữ trên thế giới, mỗi ông được sở hữu một cuốn ( vào cuối năm 2017, số nam nhiều hơn nữ trên thế giới là 65 triệu người). Đó là năm 2008, vậy là tới nay đã chục năm rồi, tức là con số kia đã tăng lên rất nhiều. Hẳn là đáng nể với dòng chữ khiêm tốn “ cuốn sách bán chạy chỉ sau kinh thánh”.
Tác giả đã nhắn gửi 1 thông điệp, một nhắn nhủ một tâm sự gần gũi qua câu chuyện cuốn hút và thú vị về chàng Santiago. “ “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình” và đừng sợ đau khổ khi thực hiện ước mơ, vì “ mỗi giây phút tìm kiếm là một khoảnh khắc gặp gỡ…”
Một chàng chăn cừu với hành trình đi tìm kho báu vì một giấc mơ kì lạ liên tục lặp lại. Và trên hành trình đó là bao trải nghiệm thú vị, bao bài học xuất hiện bằng những cách khó ngờ được, dấu hiệu… Một đêm nào đó bạn sẽ mơ về câu chuyện này sau khi đọc cuốn sách này vài lần hoặc chỉ một lần. Đặc biệt là có một dạo tôi lại hay thích đọc cuốn này trước khi đi ngủ. Từ lúc nào nó trở thành một thói quen mà tôi không để ý.
Trong mơ bạn có thể trở thành chàng chăn cừu đó, trở thành nhân vật chính trong câu chuyện và tham gia vào cuộc hành trình. Nhưng cũng có thể là nhiều nhân vật khác. Cha của cậu bé chăn cừu chẳng hạn, biết đâu lại là chàng bán kem nọ, cũng từng muốn được đi đây đi đó nhưng rồi…, hay ông chủ cửa hàng pha lê sợ rằng nếu mình đạt được ước mơ rồi thì sẽ chẳng còn gì ý nghĩa trong cuộc sống, và ông chọn là chỉ giữ nó trong giấc mơ đến cuối đời, ông cũng quá sợ sự thay đổi cho dù biết điều đó là tốt cho mình.
Một vị vua già bí ẩn hay nhà giả kim đầy sự minh triết với ĐẠI CÔNG TRÌNH. Bạn cũng có thể bắt gặp anh chàng người Anh, người đi tìm cách để học được thuật luyện kim đan muốn biến chì thành vàng. Cậu đọc nhiều sách nhưng cũng chẳng hiểu nổi được vài dòng chữ ngắn ngủi trên phiến đá ngọc kia. Hay cô gái xa mạc Fatima kia với cái cách mà cô yêu… và còn nhiều nhân vật thú vị khác nữa.
Thường thì bạn thích nhân vật nào thì trong mơ bạn sẽ mơ trở thành người đó, nhưng cái tiềm thức của bạn cũng có thể khiến bạn mơ mình trở thành người có nhiều yếu tố giống bạn nhất. Hãy nghĩ về những điều này.
Nói một chút về mơ mộng, nhưng nó cũng chính là cái thực tại quanh bạn thôi. Bạn lựa chọn trở thành ai nhưng bạn có hành động trở thành người đó không. Hay cái suy nghĩ và hành động của bạn thì toàn trái ngược nhau.
Trong cuộc đời này nếu chưa một lần đọc cuốn này thì thật là đáng tiếc. Nhưng cũng sẽ rất đáng tiếc cho những ai từng đọc một lần mà chưa lần nào đọc lại. Vì đây là cuốn sách mà mỗi lần đọc lại, bạn sẽ rút ra được 5-6 bài học khác nhau, rất bổ ích và ý nghĩa. Lần đầu tôi đọc nó là khi mới lên đại học, chẳng dừng ở đó, tên cuốn sách lại được nhắc mỗi khi có người hỏi tôi cuốn sách nào tôi thích nhất và ấn tượng nhất. NHÀ GIẢ KIM. Và tôi cũng rất mừng khi nhiều người hầu hết đều trở nên rất hứng thú khi tôi đọc tên cuốn sách. Và chúng tôi lại có thời gian để trò chuyện và trao đổi về một chủ đề thú vị như vậy. Và bởi vì nó là “ cuốn sách bán chạy chỉ sau kinh thánh”.
Dạo gần tôi thấy một người bạn mình cầm trên tay cuốn sách này, lòng tôi lại nhớ lại thuở mình đang đọc cuốn sách đó. Một cảm giác rạo rực, say mê như bị cuốn vào dòng suy nghĩ của chàng Santiago và cuộc hành trình của cậu, cảm giác ấy xuất hiện giống như chính mình đang cầm trên tay và đọc nó trước kia vây. Lâu rồi tôi không cảm thấy vậy.
Một buổi chiều nọ, lấy nó ra từ giá sách, ngắm nghía lại dòng chữ : “cuốn sách bán chạy chỉ…” tôi lật giở trang đầu và lướt mắt qua từng dòng chữ. Tự lúc nào tôi đã đọc được một phần dài của cuốn sách mà không để ý bên ngoài hay xung quanh. Quả là một thứ mãnh lực kì lạ. Thực sự là một kim chỉ nang cho những ai mong muốn theo đuổi ước mơ của mình.
Lật dở tới trang 187 dòng thứ 3 từ trên xuống bạn sẽ thấy có 1 đoạn khi cậu đối thoại với nhà giả kim như sau:
“Người nào sống trọn đời của mình,người đó biết tất cả những gì cần biết. Chỉ có một điều khiến không thể nào đạt được ước mơ: đó là sợ sẽ thất bại”
Bao lần bạn thất bại hay không nắm được điều mình muốn vì sự sợ hãi rồi.
Có lẽ, cuốn sách cũng là lời tác giả tâm sự qua nhân vật, khi chính ông cũng là một người quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình. Đó cũng là một bài học. Coelho chỉ mơ ước thành nhà văn, chứ không thành kỹ sư như cha ông mong đợi. Nhà giả kim có một khởi đầu không mấy suôn sẻ khi chỉ bán được 900 quyển trong năm đầu (1988, tại Brazil) khiến nhà xuất bản phải hủy hợp đồng với ông. Nhưng ông vẫn quyết tâm đi theo con đường đã chọn và trở thành một trong những nhà văn Mỹ Latinh được nhiều nhất thế giới.
…
“ Tại sao ta phải lắng nghe trái tim mình nhỉ”
“Bởi vì trái tim cậu ở đâu thì kho báu cậu tìm cũng ở đó”
3) Review Nhà Giả Kim là một cuốn sách DỞ – Review từ Reddit của một tác giả Brazil, được hưởng ứng nhiệt liệt
Dịch bởi: Thanh Tuấn Nguyễn
(ủng hộ dịch giả tại địa chỉ https://redditvn.com/user/100003395791267)
“Những lời khen tặng dành cho tác phẩm Nhà giả kim chỉ là một sự cường điệu hóa”!
Trước hết, tôi là một người Brazil, điều đó nghĩa là tôi đã đọc cuốn sách đó bởi chính ngôn ngữ mà nó được viết ra và hoàn toàn không có việc không rõ nghĩa hoặc bị mất nghĩa do quá trình dịch (“translation bias”) hay điều gì tương tự thế. Đó là những từ ngữ được lựa chọn và câu văn được viết ra trực tiếp bởi chính Paulo Coelho, và thể hiện đúng những gì ông ấy muốn truyền đạt (điều này cũng có nghĩa là có thể tôi sẽ không thể hiện rõ ý mình bằng tiếng Anh trong bài này được, vì thế nên xin lỗi các bạn trước).
Cách đây khá lâu, tôi cùng với mẹ của mình vào tiệm sách để tìm một quyển sách, nhưng không may là chúng tôi đã không tìm thấy. Tuy nhiên, mẹ tôi lại bắt gặp quyển sách này và hỏi rằng liệu tôi có muốn mua nó không. Bà bảo rằng đó là một quyển sách “sâu sắc và đầy ý nghĩa” và đã có rất nhiều người nổi tiếng coi nó là quyển sách yêu thích của họ, quyển sách “dẫn lối cho cuộc hành trình của đời người”. Khi nghe thấy thế, tôi thực sự kích động, kiểu “Quào! Đây chắc hẳn phải như là cuốn Kinh thánh thứ hai hay cái gì đó đại loại thế rồi. Phải đọc nó ngay và luôn thôi.” Và thế là tôi đồng ý với đề nghị của mẹ. Thực ra thì lúc đó tôi cũng đã biết về Paulo Coelho, thông qua những gì đã được nghe về ông ở trường học, như việc ông là một nhà văn nổi tiếng và nhiều thứ khác nữa. Mặc dù vậy, cho đến lúc đó tôi vẫn chưa đọc qua một tác phẩm nào của ông.
Khi mới đọc Nhà giả kim, cảm giác đầu tiên của tôi là không thực sự thích nó cho lắm, nhưng tôi nghĩ “Uầy! Đây mới là khúc đầu của quyển sách thôi mà, chắc là nó sẽ hay hơn ở đoạn sau thôi!” Và tôi đã đọc xong quyển sách từ lúc nào mà không để ý. Suy nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu tôi lúc đó là “Mình chẳng hiểu gì cả. Mình hẳn phải ngu ngốc lắm mới không nhận ra được thông điệp mà tác giả muốn truyền tải.” Vì vậy, tôi đến tâm sự với ba tôi, ông là một mọt sách đúng nghĩa. Ông đã cười tôi và hỏi: “Con đã thực sự cho rằng đây là một cuốn sách hay à? Ai nói với con điều đó vậy?” Sau đó tôi đã đi đến kết luận rằng cuốn Nhà giả kim thực ra không được như những lời tán dương người ta vẫn dành cho nó. Trong suốt quá trình đọc quyển sách này, tôi đã luôn có cảm giác như nó là một quyển sách dành cho thiếu nhi: những chương ngắn thường chỉ tầm 3 đến 4 trang, cách dùng từ đơn giản như thể đang trò chuyện với một đứa trẻ, luôn phải giải thích cho những phép ẩn dụ rất rõ ràng (tôi sẽ không kể ra ở đây vì spoilers) và một vài điểm lặt vặt khác mà tự bản thân chúng không nói lên gì nhiều, nhưng khi bạn gấp quyển sách lại và nhìn chúng một cách tổng thể thì những điều trên lại cho bạn thấy tác phẩm này thuộc thể loại nào. Thành thật mà nói, theo ý kiến của riêng tôi, quyển sách này như một điển hình cho sự sâu sắc một cách gượng gạo. Cá nhân tôi nhìn nhận Nhà giả kim như một phiên bản song sinh lỗi của Hoàng tử bé. Mặc dù Hoàng tử bé là một câu chuyện ngây thơ và trong sáng, nó vẫn là một quyển sách rất sâu sắc, kể cả đối với những độc giả đã trưởng thành, họ vẫn rút ra được nhiều điều ý nghĩa cho bản thân mình. Còn Nhà giả kim thì hoàn toàn ngược lại, với việc cố gắng tạo mối liên hệ với các vấn đề của tuổi trẻ, quyển sách đã đưa ra được những bài học cuộc sống nhưng lại thể hiện sự sâu sắc một cách gượng ép qua những lời khuyên mà rõ ràng bất kỳ người bình thường nào (trong phạm vi độc giả mà cuốn sách hướng tới) cũng đã từng nghĩ đến rồi, đây chỉ là một cuốn sách bình thường. Và điều tệ nhất đó là đây là tác phẩm để đời của Paulo Coelho, qua đó đã nói lên khá nhiều về toàn bộ sự nghiệp của ông ấy.
Với tất cả những điều mà tôi vừa nói, tôi không ghét Nhà giả kim, có lẽ đây sẽ là một quyển sách hay dành cho những người mới bắt đầu đọc sách. Tôi chỉ không thể hiểu được vì sao bản thân quyển sách này lại nhận được nhiều lời khen ngợi và tán dương như vậy. Bởi vì khi so sánh với các tác giả người Brazil khác, Paulo Coelho như là một nhà văn thiếu nhi vậy. Đó là những điều tôi thật sự muốn giãi bày.
Edit: Nhiều người có vẻ như đã hiểu nhầm những điều tôi nói. Tôi không ghét quyển sách này, cũng không ghét bất kì ai yêu thích nó, tôi không nói về bản chất nó là một quyển sách dở. Tôi nói rằng Paulo Coelho đã hao tâm tổn sức trong việc mang lại những triết lý sâu sắc cho quyển sách trong khi ông ấy đáng ra có thể truyền tải hết những thông điệp “ý nghĩa” trong tác phẩm đó với khoảng 15 trang. Tôi chỉ không hiểu vì sao nó lại được ca ngợi hết lời như thế, bởi vì nó thực ra không có gì hơn là một cuốn sách đơn giản bình thường. Nhiều tác giả/tác phẩm khác thực sự xứng đáng hơn để được gọi là “kinh điển trong nền văn học thế giới.” Đó là tất cả những gì tôi muốn nói.
____________________
Link Reddit: https://redd.it/978t6b
Các bình luận từ Reddit:
____________________
u/ImaNeedAnotherCoffee (1.6k points)
Tôi cũng có cảm nhận tương tự sau khi đọc quyển sách này. Hầu hết những triết lý trong đó dường như khá là hiển nhiên đối với tôi. NHƯNG, tôi nghĩ nếu mình đọc tác phẩm này ở một độ tuổi nhỏ hơn, có lẽ tôi sẽ thực sự yêu thích nó và cảm thấy những bài học trong đó có ý nghĩa. Đối với tôi, đó chỉ là do đã đọc nó không đúng lúc, đúng chỗ. Tôi chỉ cho rằng, cuộc hành trình mà Coelho muốn dẫn dắt các độc giả của mình đi tới là cuộc hành trình mà tôi đã đi qua rồi.
____________________
u/im_thecat (350 points)
Thời điểm thực sự là yếu tố tạo nên một sự khác biệt rất lớn khi ông đọc một quyển sách. Dựa trên những gì ông đã cảm nhận, tôi đoán chỉ do đó là một thời điểm quá trễ để ông đọc quyển sách này.
Tôi đọc nó khi tôi còn trẻ và dễ bị ảnh hưởng hơn bây giờ, và nó đã truyền cho tôi đủ can đảm để chấp nhận những mạo hiểm mà đáng ra tôi đã không dám đương đầu, những mạo hiểm đã tạo nên sự thay đổi tích cực cho cuộc đời tôi sau này.
Tất nhiên tôi hiểu quan điểm của ông về “sâu sắc một cách gượng gạo”. Nhưng với bản thân tôi vào thời điểm đọc tác phẩm này, việc những thông điệp trong đó có thực sự sâu sắc hay không không quan trọng, bởi vì đó chính xác là những điều tôi đang cần.
Nguồn Reddit Việt Nam:
https://www.facebook.com/redditvietnam/photos/a.1212340268786602/2218540651499887/
Nhận xét của một vài độc giả – mọt sách
Bạn Đào Thị Phương Anh: Mình đã đọc đủ thứ sách trên trời dưới bể từ tâm lý học (sách chuyên ngành, không phải selfhelp), đến sách luật, rồi sách văn hóa lịch sử tôn giáo (mình vô thần nhưng đọc từ Cựu ước tân ước đến Tam tạng kinh, Kim cương kinh, Kinh Vệ đà của Bà la môn)… chẳng phải khoe nhưng mình có một cái nền khá tốt để nuốt mấy cuốn sách triết lý khó đọc. Và theo mình cuốn Nhà giả kim nhạt toẹt, nó giống như một thứ overrated bị thổi phồng to tướng bên ngoài nhưng sáo rỗng bên trong. Cá nhân mình bị dị ứng những cuốn dạng như thế
Bạn Vy Hữu Đức: KHÔNG CÓ 1 CÁI GÌ LÀ HOÀN HẢO , TUYỆT ĐỐI CẢ , 1 cuốn sách hay 1 tác phẩm văn học cũng thế
nó cũng như âm nhạc hay ẩm thực , cùng 1 tác phẩm có thể nó là ” tuyệt vời ” với người này , nhưng cũng có thể ” không thèm đọc ” với người kia 😀
Đừng vội đọc vì nhiều người khen hay cũng đừng vội bỏ qua khi nhiều người chê dở
Hãy đọc khi cảm thấy hứng thú với vấn đề trong quyển sách!
Bạn Tùng (Tớ Tên Tùng): “Nét đẹp ko ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà nằm trong đôi mắt của kẻ si tình”
Khi còn phổ thông, “Cha giàu cha nghèo” + “Đắc nhân tâm” giúp mình rất nhiều. Đến thời điểm hiện tại, thể loại sách đó không còn tác động đến mình nữa.
Nên câu nói mỗi người có cảm nhận không giống nhau hiển nhiên đúng. Vì căn bản mỗi bản thân con người thay đổi qua mỗi giai đoạn mà. Nên mỗi giai đoạn cuộc đời đó ta có một “gu” đọc sách riêng.
Ngẫm cuộc sống cũng vậy. Bạn bè ta qua mỗi giai đoạn cuộc đời cũng vậy.
Lúc học phổ thông, chập chững vào đời, ngỡ như những người bạn ấy sống chết vẫn có nhau…
Lên đại học, người Công nghệ thông tin, người cơ khí, người kinh tế nên thế giới quan mỗi người cũng khác nhau, nói chuyện cũng không hoà hợp như xưa, dần dần có khoảng cách.
Rồi khi ra trường, người làm công ty, người theo chuyên ngành, người thì gặp môi trường phát triển đúng, người bị cuốn theo vòng xoáy đồng tiền, người theo đuổi học vị, người lại theo đuổi công danh, những người bạn thời đại học lại một lần nữa xa rời nhau. Cuộc sống vô thường là thế. Bản thân mỗi người qua mỗi giải đoạn sẽ có Nhân Sinh Quan khác nhau, huống hồ là những con người khác nhau.
Thấy các bạn tranh cãi mãi sách Nhà Giả Kim này hay, sách này không hay không có hồi kết. Câu chuyện này mãi không hồi kết đâu. Vì 2 chữ ai cũng biết nhưng mấy ai hiểu: VÔ THƯỜNG
Vì vậy, ai thấy sách nào hay, người bạn nào hợp là do người đó PHÙ HỢP. Và bản thân nên trân trọng phút giây hiện tại.
Xem thêm:
Những câu nói hay trong tác phẩm Nhà giả kim
- Cậu thích đi nhiều cũng vì thế. Luôn luôn kết được bạn mới mà không mất trọn thì giờ để sống bên họ. Nếu lúc nào cũng chỉ quen một số người thôi, như ở trường đạo, thì họ sẽ thành một phần không thể tách rời của cuộc đời mình. Rồi khi ta không thay đổi theo như họ muốn thì họ sẽ thất vọng. Vì hình như ai cũng tưởng mình biết rõ mọi người khác phải sống như thế nào cho đúng, trong khi lại mù mờ về cuộc sống của chính bản thân.
- Có lẽ thượng đế tạo ra sa mạc chỉ để cho con người biết quý trọng cây chà là
- Chỉ khi nào có khả năng thực hiện được ước mơ thì cuộc sống mới đáng sống
- Con người vốn quá dễ bị lôi cuốn bằng hình ảnh và sách vở mà sao nhãng ngôn ngữ của thế giới
- Người ta yêu vì yêu, cần gì phải có lý do
- Người ta sợ theo đuổi những giấc mơ vĩ đại vì cảm thấy không xứng đáng được hưởng hoặc không thể nào đạt nổi
- Chỉ có một điều khiến không thể nào đạt được ước mơ: đó là sợ sẽ thất bại
Ebook Sách Nhà Giả Kim PDF
Nhà Giả Kim phiên bản tiếng Anh – The Alchemist Ebook free download pdf
Nhà Giả Kim Sách Nói (Audio) trên Youtube
(đang cập nhật)