Breaking bad là bộ phim kể về thầy giáo hóa học và sự tha hóa biến chất của ông trong năm mùa phim, từ một người lương thiện vì tiền vì mưu sinh mà sẵn sàng trở thành một ông trùm tội phạm khét tiếng. Ở Việt Nam tuy chưa có một bộ phim để đời như TV show của người Mỹ, tuy nhiên ở phương diện văn học, Vũ Trọng Phụng đã khai sinh ra Giông Tố từ cách đây hơn 80 năm trước, cũng là một phiên bản “tha hóa” không hề kém cạnh. Ở Giông Tố, chỉ vì tiền người ta sẵn sàng bất tín, sẵn sàng tha hóa đến cùng cực, đó y hệt như tấn thảm kịch trong một môi trường mà tiền bạc có thể chi phối tất cả!
“Giông tố” đăng trên Hà Nội báo từ số 1 (2/1/1936) đến số 11 (18/3/1936) thì bỗng dừng lại 7 tuần lễ. Nghe nói tờ báo đăng tải tác phẩm dính phải lùm xùm vì đụng đến một vị tai to mặt lớn đương thời. Khi tác phẩm đăng tiếp thì phải đổi tên thành Thị Mịch. Năm 1937, NXB Văn Thanh in tác phẩm thành sách, lấy tên gốc là “Giông tố”.
Như vậy cái tên ngay từ đầu đã là “Giông tố” – một cái tên rất đúng với tinh thần của tác phẩm – xã hội thuộc địa nửa phong kiến được phản ánh trong cuốn tiểu thuyết là một xã hội đương trong cơn giông tố, mà trong lòng mỗi người của xã hội cũng trải qua cơn giông tố của đời mình. Tất cả đều đảo điên, đều tanh bành, lật tẩy mọi thứ mặt nạ đắp điếm lên cái bản chất bất công, đểu giả, thối nát và hết sức vô nghĩa lý của xã hội mà đồng tiền có thể chi phối tất cả – xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc.
a156c4d19e8896ee35bcdbf4ab50fdf6
Cuốn tiểu thuyết tả chân đầy sáng tạo và bất ngờ với nhiều vòng xoắn cốt truyện.
“Giông tố” bắt đầu bằng một vụ cưỡng-dâm-thô-bạo-có-trả-tiền.
Trong khi Xuân Tóc Đỏ mở màn “Số đỏ” một cách đĩ thõa với hình ảnh chim chị hàng mía, bằng hành động sấn sổ đưa tay ra toan cướp giật ái tình… Còn “Giông tố” lại ra mắt người đọc bằng một cuộc hiếp dâm của doanh gia triệu phú Tạ Đình Hách, trong một chiếc xe hòm, dưới một đêm trăng to tròn sáng vằng vặc, mà đối tượng là cô gái quê Thị Mịch đang trên đường gánh rạ về làng.
Có lẽ bởi vậy mà Tự lực văn đoàn, điển hình là Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã chê Vũ Trọng Phụng là “dâm ô”, hay Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong gọi văn chương của văn sĩ họ Vũ là “dâm uế”.
Vũ Trọng Phụng đáp trả trên Hà Nội báo, số 38, ngày 23/9/1936:
“Cái dâm tự nó không uế, nếu nó không loạn. Cái dâm của cặp vợ chồng chẳng hạn thì chỉ là sự thường như sự ăn uống, không có gì là uế tạp, nhơ bẩn mà lại còn là điều thanh tao, cao thượng nữa, song người ta không cần tả đến, vì nếu nói đến tất nhiên là khiêu dâm. Song còn những thứ dâm đáng gọi là uế, thí dụ hiếp dâm, gian dâm, loạn luân, nghĩa là những thứ dâm của hạng nam nữ mà không là vợ chồng. Nhà văn sĩ tả chân có quyền và có bổn phận tả những điều ấy, mặc lòng đó là những thứ dâm uế tạp, nhơ bẩn; khi tả một cuộc dâm loạn bẩn thỉu, ô uế thì là đến chỗ hoàn toàn của nghệ thuật rồi.”
Trong “Giông tố”, văn sĩ tả chân họ Vũ đã tả tất cả những thứ dâm “đáng gọi là uế” là hiếp dâm, gian dâm và loạn luân. Mà đặc tả nhất là cái dâm đãng trong sự phú quý như cái dâm của Nghị Hách – đây là một trong “ba việc phải làm” mà Vũ Trọng Phụng đã tự vạch ra cho mình (một văn sĩ tả chân) khi đứng trước tệ nạn mại dâm của xã hội. Hai việc còn lại là tả cái dâm của người con gái đến tuổi dậy thì mà không được giáo dục một cách đầy đủ, tức là chuyện “Làm đĩ”, và tả những nỗi thống khổ do sự nghèo đói gây nên, tức là nạn mại dâm trong phóng sự “Lục xì”.
Sau vụ hiếp dâm đáng ghê tởm của Nghị Hách, quá uất ức, cha của Mịch là ông Đồ Uẩn làng Quỳnh Thôn đã đâm đơn kiện. Quan huyện trẻ là người theo Tây học, có đầu óc tân tiến muốn làm sáng tỏ vụ án nhưng cuối cùng tiền bạc và thế lực của Nghị Hách đã thắng. Quan huyện trẻ từ chức, quan huyện già vừa về đã bênh Nghị Hách chằm chặp… Nhờ sự thu xếp của con trai cả Nghị Hách mà cô Mịch được lão Nghị cưới về làm vợ lẽ.
Cái cốt truyện lắm chiêu trò của Vũ Trọng Phụng sẽ không được kể hết ở đây, cũng như vòng xoắn truyện tạo bởi thư ký Long và Tú Anh cũng sẽ không được phân tích trong bài viết này, để độc giả còn giữ được tò mò mà đi đọc “Giông tố”, để khám phá cái tuyệt tác của một bông hoa lạ trong làng văn chương đơn phương đi ra ngoài quỹ đạo chính thống – không mô tả con người qua một khuôn thẩm mỹ cổ điển, một khuôn mẫu đạo đức sẵn có – mà theo dõi hành vi của mỗi cá nhân để xem họ hành động và phản ứng như thế nào trước tình huống.
Vũ Trọng Phụng tả chân, tả thực, tả đến trần trụi, tả đến xót xa.
Điển hình hóa một xã hội chó đểu.
“Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi, muốn tiểu thuyết thực sự là ở đời… Các ông muốn theo tiểu thuyết tuỳ thời, chỉ nói cái gì thiên hạ thích nghe nhất là sự giả dối. Chúng tôi chỉ muốn nói cái gì cũng đúng sự thực.” (Vũ Trọng Phụng, Báo Tương Lai, 25/3/1937).
Tả chân là kim chỉ nam xuyên suốt tiểu thuyết “Giông tố”, đánh vào sự trâng tráo tàn bạo của thế lực đồng tiền, của thế lực phản bội dựa vào đế quốc, của hạng tay sai núp dưới bóng thực dân hòng chuộc lợi, đẩy nhân dân vào thế lầm than.
Ở thành thị “bơ sữa”, từ nhà doanh nghiệp hiển hách, nhà triệu phú có lòng bác ái được trao Long bội tinh, lại vốn là kẻ giả nhân giả nghĩa, lừa thầy phản bạn, giết người, hiếp dâm, không việc ác nào không làm. Đến những kẻ tai to mặt lớn “làm việc thiện để quảng cáo cho mình”, có chân trong hội ái hữu nhưng “kì chung chẳng có ai làm bạn trên đời”. Người từng làm ban chủ tọa cho một giải thưởng văn chương lại chưa hề đọc hết một cuốn tiểu thuyết. Những tay cổ động cho Phật giáo lại đi xây hàng dãy nhà xăm. Những tay làm chủ ba bốn tiệm khiêu vũ mà đánh con gái hộc máu về tội ăn mặc tân thời… Đâu đâu cũng thấy hạng rác rưởi đột lốt thánh nhân.
Bức tranh xã hội chó đểu được Vũ Trọng Phụng dựng lên đầy sinh động, trải dài từ thành thị đến nông thôn.
Nơi thôn quê “xôi thịt”, đủ các mặt hào lý, gặp cơ hội nào cũng có thể tổ chức ăn uống, hút xách, đem lý sự cùn ra cãi vã nhau, chửi bới nhau, nhưng lên đến cửa quan thì run sợ, hèn nhát, nịnh hót.
Bối cảnh trong “Giông tố” gần như tái hiện toàn bộ xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc rồi thu hình lại – các sự việc đều sống dậy trên từng con chữ, cả xã hội trong trạng thái đầy biến động với các tầng lớp xã hội phân hóa hết sức dữ dội về kinh tế, xã hội, về chính trị và tâm lý.
“Giông tố” chỉ dài 30 chương và thêm một đoạn kết, nhưng lại đồ sộ và được xem là một đại tác phẩm vì tính bao hàm và tổng thể, nó trở thành sân khấu bi hài đan xen của đủ mọi môi trường sống, đủ mọi loại người, đủ mọi sự việc.
Con người tha hóa trong môi trường mà tiền bạc có thể chi phối tất cả.
Dưới xã hội chó đểu, mạc danh kỳ diệu lại khiến những nhân vật vốn tốt đẹp, ngây thơ cũng dần biến chất theo cái guồng quay đảo điên ấy.
Thị Mịch vốn chỉ là một cô gái quê mùa, ngày ngày chân lấm tay bùn gánh rạ đem bán đỡ đần bố mẹ. Lớn lên trong sự giáo dục và bảo bọc của ông đồ Uẩn, Mịch rõ là ngây thơ – vì ngây thơ, lòng không có tà tâm nên đêm khuya gánh rạ mặc cái váy nâu cũn cỡn, để lộ bộ đùi phốp pháp trắng nõn, Mịch cũng không thấy ngại. Mịch không có ý thức bảo vệ bản thân. Cái cổ hủ trong lòng bố mẹ để che giấu về tình dục đã dạy nên những đứa con ngây thơ đến ngu muội như thế – vấn đề này Vũ Trọng Phụng đã viết riêng một thiên tiểu thuyết phóng sự gọi là “Làm đĩ” để cảnh tỉnh về giáo dục giới tính cho dân chúng.
Chính bởi ngây thơ, khờ dại mà Mịch bị hiếp, lại còn cầm tiền của kẻ hiếp dâm để đến khi quan huyện hỏi đến chỉ biết ứa nước mắt vì hết lý để luận:
“Mày là đứa hư nhé! Một người lại là đàn ông, đã không là ông mày, không là bố mày, không là chú, bác, anh, em họ hàng, thân thuộc nhà mày mà đi thương mày, thì chỉ là muốn ngủ với mày mà thôi. Thế mà mày đã nhận tiền! Mày như thế là hư lắm.”
Sau khi bị nghị Hách cưỡng dâm, tâm lý của Mịch hoàn toàn đúng của một cô gái trẻ, thị xấu hổ, nhục nhã, thị không dám gặp gỡ với chồng sắp cưới, thậm chí thị đã từng tự tử. Ấy vậy mà, lúc thị gả vào nhà Nghị Hách làm vợ lẽ, từ một kẻ cảnh nghèo đói trong nháy mắt bỗng được sống trong cảnh giàu sang, thị học được bộ tịch của kẻ ăn trên ngồi trốc, thị trở thành một người đàn bà suy nghĩ phức tạp, tính cách dâm đãng.
Đỉnh điểm của sự tha hóa, Mịch ngoại tình, Mịch gian dâm.
Cha Thị Mịch – ông đồ Uẩn là một người gia giáo, nề nếp, sau vụ cưỡng dâm phải đứng trước hai sự lựa chọn: hoặc phải cam chịu nhục nhã, đói nghèo, bị làng xóm dè bỉu vì có đứa con gái bị hiếp dâm đã mang thai; hoặc sẽ được trả thù đời bằng cách cho con gái làm lẽ kẻ đã hiếp nó, để mình trở thành bố vợ lão Nghị Hách, để con mình được ăn trắng mặc trơn, mà cha mẹ nó cũng mát mặt bằng những đồng tiền mà ai cũng biết là nhục nhã.
Nghĩa là trong tình thế ấy, ông đồ Uẩn chẳng còn sự lựa chọn nào cho tương lai cả. Và bỗng chốc, cái đạo đức nhà Nho ông ôm khư khư hơn nửa đời người, vào một sớm đẹp trời đã tan thành mây khói.
Số phận đổi thay kéo theo lòng người biến chất, qua cơn giông tố tất cả đều bát nháo, đều đảo điên, khiến các nhân vật cũng phải thay đổi thái độ với nhau thật mau lẹ. Công cuộc sắp xếp lại các quan hệ một cách hấp tấp đã làm cho nhiều nhân vật giẫm đạp vào nhau, chơi xỏ nhau, tạo thành những màn bi hài kịch, tô đậm sự tráo trở của con người, sự thối nát của xã hội…
Dư luận trách ngòi bút của Vũ Trọng Phụng tàn nhẫn, cho rằng ông không đau xót gì trước những cảnh người tha hóa đó… Nhưng họ đã quên mất một điều, viết “Giông tố” – Vũ Trọng Phụng đóng vai trò là nhà tiểu thuyết chứ không phải là nhà chính luận. Nhiệm vụ của tác giả là kể, là trình bày, là cố gắng lý giải những uẩn khúc của lòng người hay những cắc cớ của định mệnh, là để nhân vật của mình sống, nói năng và hành động trong cái thực trạng vốn dĩ phải thế, chứ không thể biến nhân vật thành cái loa phát ngôn cho mình, cũng không thể xông thẳng vào tác phẩm để trực tiếp bày tỏ thái độ…
Vũ Trọng Phụng đã tả chân thực tới những gì mà các nhà văn khác ngại ngùng, tránh né. Với những u nhọt bọng mủ của xã hội, khi người đời lấy lụa là, gấm vóc để che đậy, thì Vũ Trọng Phụng lại chọn cách mổ chúng ra, mặc lòng sẽ bẩn mắt, mặc lòng sẽ khó chịu khứu quan, nhưng có phô ra thì mới biết đàng mà chạy chữa. Chính điều này làm nên sự đơn độc của ông, khiến ông trở thành một hiện tượng để tranh cãi, khiến văn chương ông được người ta phục, bị người ta ghét, cũng làm người ta sợ.
Nhân vật Nghị Hách điển hình nâng tầm tính từ
Nghị Hách được các nhà phê bình và nghiên cứu văn học đánh giá cao về tính điển hình. Phạm Thế Ngũ cho rằng: “Nghị Hách là hình ảnh tột bực của cường hào ác bá.” Văn Tâm gọi Nghị Hách là “Tên trọc phú đại gian hùng.” Nguyễn Đăng Mạnh khẳng định: “Chưa có một nhân vật tư sản địa chủ nào trong văn học Việt Nam địch nổi Nghị Hách”.
Dưới ngòi bút của Vũ Trọng Phụng, Nghị Hách là một nhân vật phản diện có xương có thịt có sức sống nội tại hết sức mạnh mẽ. Mọi mảnh ghép đắp nặn nên Nghị Hách đều rất điển hình: thủ đoạn làm giàu, phạm vi hoạt động, quan hệ gia đình, xã hội, các thói xa hoa, dâm ác, đồi bại… đều rất đặc trưng, rất Nghị Hách.
“Giông tố” căn bản là bầu trời của Nghị Hách, mô tả trên hai bình diện: Một là sự vô đạo đức, gian dâm, loạn luân, ghê tởm; Hai là vòng liên kết giữa đồng tiền – bạo lực – chính trị, tạo một sức mạnh hắc ám thao túng hết thảy xã hội.
Tác giả làm nổi bật lên một sự thực: Con đường tích lũy làm giàu của Nghị Hách thể hiện cái tính năng động và bất chấp tội ác của một tên tư sản hãnh tiến.
Xuất thân là bác cai thợ nề, bằng những thủ đoạn lừa đảo, phản bội bạn, cướp vợ bạn, vu cáo, giết người… Tạ Đình Hách trở thành một nhà đại tư bản cỡ “Phú gia định quốc”, sống xa hoa phè phỡn trong cái ấp “Tiểu vạn trường thành” nguy nga bề thế ở Hà thành, với 11 cô hầu gái luôn sẵn sàng để thỏa mãn dục vọng của ông chủ. Hách còn một mụ vợ cả ở Hải Phòng, đếm sương sương cũng có đến 12 đối tượng để phục vụ cái thú vui xác thịt cho lão, ấy thế mà Hách vẫn thấy nhộn nhạo, ấy thế mà Hách vẫn thích hiếp dâm.
Nghị Hách tham gia vào nhiều hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội trong phạm vi cả xứ Bắc Kỳ, còn có liên kết với cả tư bản nước ngoài. Thế lực của lão lớn đến mức có thể thao túng cả giới doanh thương, quan chức, chi phối cả pháp luật, báo chí…
Bằng ngòi bút tả chân đặc sắc, Vũ Trọng Phụng không chỉ miêu tả mặt thương luân bại lý của tầng lớp tư sản địa chủ, ông còn vạch trần bản chất chính trị phản động của chúng, bóc trần sự móc ngoặc bẩn thiểu giữa tư bản và quan lại, sự ôm chân thực dân của tư bản bản xứ, sự cấu kết của tư bản trong nước và nước ngoài… phanh phui những thủ đoạn bịp bợm trong cái trò hề bầu cử nghị viện.
Thành công tiêu biểu của Vũ Trọng Phụng trong việc sáng tạo điển hình Nghị Hách là xây dựng được một hình tượng đa dạng trong tính cách và thống nhất trong bản chất xã hội.
Thế nhưng thái độ khá bi quan của tác giả đã tạo nên một tên bạo chúa Nghị Hách với quyền lực tuyệt đối, điều này chưa phản ánh đúng thực trạng xã hội Việt Nam đương thời, khi mà quần chúng nhân dân lao động đang hăng hái đấu tranh dưới lá cờ của Đảng.
Ánh sáng cách mạng trong tác phẩm “Giông tố”.
Vũ Trọng Phụng là một nhà văn tả chân, một nhà văn đích thực, viết về sự tha hoá của con người. Tác phẩm của ông, phát xuất từ xã hội Việt nam dưới thời Pháp thuộc những năm 30-40, với tất cả những tệ đoan của thời đó, nhưng Vũ Trọng Phụng không quy kết trách nhiệm cho chính phủ bảo hộ hay nhà vua An Nam, mà ông đào sâu hơn, điều tra mỗi hành động của cá nhân con người, để xác định trách nhiệm mỗi cá nhân trước bổn phận và đạo đức sống của chính mình.
Có thể thấy rõ, Vũ Trọng Phụng không phải là nhà văn tranh đấu, hiểu theo nghĩa cách mạng.
Trong “Giông Tố”, ông già Hải Vân xuất hiện như một nguồn sáng mới cứu rỗi quần chúng lao khổ. Là đại biểu cho giai cấp vô sản, là người đã giác ngộ, Hải Vân – con người hiến thân cho cách mạng, đã biết đặt cái “quốc tế” bao la trên cái “quốc gia” hẹp hòi, và đã biết con đường hạnh phúc của giai cấp vô sản tìm kiếm trong sự tranh đấu.
Mặc dầu Nguyễn Tuân nhận xét rằng Vũ Trọng Phụng có nói đến chiến sĩ cách mạng trong “Giông tố” nhưng cái nhìn còn viển vông, phiêu lưu. Nhưng như câu đại tự mà năm 1949, nhà thơ Tố Hữu đã đề tặng nhà văn Vũ Trọng Phụng: “Ông không phải là nhà cách mạng, nhưng cách mạng biết ơn ông.”
“Giông tố” là cái cân đo lường trọng lượng ngôn ngữ của Vũ Trọng Phụng trong lòng dân tộc.
Làm một phép thử nghiệm, hỏi đồng nghiệp trong văn phòng hay các học trò trong lớp học, chọn cách viết đúng chính tả giữa hai từ “giông tố” và “dông tố”, kết quả đều chọn “giông tố”. Tìm một vòng trên các trang báo mạng, các phương tiện truyền thông, đa số cũng dùng “giông tố”.
Nhưng cách viết đúng ngữ vựng phải là “dông tố”.
Để đo lường ảnh hưởng ngôn ngữ của Vũ Trọng Phụng trong đời sống hàng ngày, chỉ cần nhìn vào khảo sát này sẽ thấy.
Vũ Trọng Phụng, cũng như nhiều nhà văn miền Bắc, thường lầm “gi” với “d”, có thể nhắc đến trường hợp cụ thể của Thạch Lam với “Theo giòng” (đúng ra là “Theo dòng”), hay Nhất Linh với “Giòng sông Thanh Thủy” (thực ra là “Dòng sông Thanh Thủy”). Trong trường hợp Thạch Lam và Nhất Linh, sự viết sai đó không có ảnh hưởng đến đại chúng như từ “giông tố” của Vũ Trọng Phụng.
“Giông tố” trong cách viết sai của Vũ Trọng Phụng đã trở thành cách viết đúng!
Hầu như mọi người, chỉ trừ một vài học giả, đều viết “giông tố” như cách Vũ Trọng Phụng đã viết – Đó chính là cái cân đo lường trọng lượng ngôn ngữ của một nhà văn trong lòng dân tộc.
Những lời khen dành cho Giông Tố và Vũ Trọng Phụng
- “Trong chuỗi tác phẩm xuất sắc của Vũ Trọng Phụng ra đời liên tiếp năm 1936: Số đỏ, Giông tố, Vỡ đê, Cơm thầy cơm cô, người ta thường đặt “Số đỏ” lên trên hết như một kiệt tác hoàn chỉnh nhất. Chúng ta không chối cãi giá trị nghệ thuật cao của “Số đỏ”, nhưng cần thấy “Giông tố” cũng là một tác phẩm lớn, một kiệt tác hiếm hoi trong nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.” – Trích lời giáo sư văn chương Nguyễn Đăng Mạnh.
- Lời nhận xét của Tiến sĩ sử học Peter Zinoman (Đại học California, Mỹ) như thêm một lần khẳng định vị thế của nhà văn tài hoa đoản mệnh Vũ Trọng Phụng: “Tôi có cảm tưởng rằng Vũ Trọng Phụng là một nhà văn lớn, rất lớn, không kém nhà văn lớn nào của các nền văn học khác. Càng đọc văn ông, tôi càng ngạc nhiên về tuổi trẻ, sức trẻ trong sự sáng tạo của ông. Vũ Trọng Phụng chỉ sống đến 27 tuổi; ở tuổi ấy, nhà văn Pháp Balzac còn hầu như chưa viết được gì đáng kể”.
:
Duyên