Không mang chất trinh thám đậm đặc như Đề thi đẫm máu, không chứa chất tâm lý tội phạm rõ nét như Cuồng vọng phi nhân tính, cũng không có chất hình sự gai góc như Sông ngầm… nhưng tiểu thuyết Độc giả thứ 7, với vị trí là cuốn đầu tiên trong series trinh thám tâm lý học tội phạm của Lôi Mễ, lại có ý nghĩa khơi nguồn mạnh mẽ. Khơi nguồn cho thương tổn tâm lý vẫn luôn đè nặng nội tâm chàng trai Phương Mộc và khơi nguồn cho hàng loạt bi kịch kéo dài không dứt ở cả series của thầy Lôi.

Sông ngầm

Bản lề cuộc đời một con người

Như đã nói, cả về mặt trinh thám, điều tra phá án lẫn tâm lý học tội phạm, Độc giả thứ 7 đều có phần yếu hơn các tác phẩm thuộc cùng series của thầy Lôi. Nhưng với ý nghĩa là câu chuyện tiền đề cho tấn bi kịch đằng đẵng của chàng trai Phương Mộc, thì cuốn sách ấy thật sự như một tấm bản lề, mở ra thế giới tội ác trong cả một series trinh thám tâm lý học tội phạm, đồng thời mở ra hướng rẽ cho cuộc đời một con người. Đưa con người ấy, từ một chàng sinh viên 21 tuổi vốn sống đời bình thường, sắc sảo nhưng nhạy cảm, mà lần dần, trái tim cùng tâm lý bị bóp nghẹt tưởng như vỡ vụn giữa những ẩn ức dau thương. Mà chắc rằng, chẳng bao giờ chàng trai đó có thể quay về cuộc sống bình thường như trước nữa.

0ad84a7772a4ac01c251baea9c973d02

21 tuổi, khoảng thời gian tươi đẹp nhất của một con người, một sinh viên. Người ta không còn quá bỡ ngỡ trước cuộc đời song vẫn còn lưu lại chút mộng mơ, ánh nhìn thật sự trong sáng, lạc quan khi chưa thực sự bước chân vào guồng quay của công việc, cuộc sống cùng hàng loạt các mối quan hệ xã hội phức tạp. 21 tuổi, người ta có mơ ước, có những rung cảm đầu đời, và có cả bạn bè thân thiết kề vai sát cánh. Phương Mộc tuổi 21 cũng như thế.

Nhưng tất cả những điều vốn bình dị ấy đã tuột khỏi tay chàng trai đấy, khi một sinh viên bị giết trong khu vệ sinh của kí túc xa Phương Mộc ở. Từ một án mạng đơn lẻ, “màn đen” nhanh chóng bao trùm lên cả trường Đại học Sư phạm Phương Mộc theo học, kéo thành những án mạng liên hoàn nối tiếp nhau. Và nạn nhân, ngày một có quan hệ thân thiết với Phương Mộc hơn.

Bằng sự nhạy bén, óc phán đoán cùng lối tư duy khá logic, Phương Mộc nhanh chóng phát hiện điểm chung của những nạn nhân trong các vụ án mạng liên hoàn tại trường đại học: những sinh viên bị giết hại, gần như đều có tên trong tấm thẻ mượn sách, cuốn Kinh tế học quốc tế và chính sách kinh tế quốc tế. Nhưng cũng bởi ngày đó Phương Mộc ở tuổi 21, một độ tuổi con người ta còn quá trẻ, anh lại không được học qua trường lớp, chưa từng được đào tạo nghiệp vụ trinh sát, và càng chưa từng có trải nghiệm án mạng thực tế.

Bởi thế, Phương Mộc dễ dàng tự cao vào phán đoán cá nhân, và cũng dễ dàng tin người. Bước ngoặt của vụ án, bước ngoặt cuộc đời Phương Mộc cũng từ đó mà ra. Sự tự tin được anh tôi rèn qua quá trình theo sát hành động hung thủ, lại trở thành điểm yếu trí mạng hạ gục anh. Phương Mộc, vô hình trung đã nuôi dưỡng một con ác quỷ ngay bên cạnh, để khi anh nhận thức được sự thật, tất cả đã quá muộn.

Phương Mộc ở Độc giả thứ 7, hẳn khó có thể hoàn toàn làm thỏa mãn người đọc, nhất là những độc giả khó tính của mảng văn học trinh thám. Nhưng Phương Mộc vào tuổi 21, với tất cả sự rụt rè, sai lầm ban đầu của một chàng trai có tài nhưng thiếu hụt kinh nghiệm lần đầu phải tiếp xúc với án mạng, lại là một Phương Mộc rất chân thực. Chân thực tới đau đớn khi những biến chuyển tâm lý của anh, cũng là con đường mở ra vết thương tâm lý mãi trở thành ẩn ức nhức nhối trong tâm hồn chàng trai trẻ.

Gọi Độc giả thứ 7 là tấm bản lề cuộc đời Phương Mộc là vì thế. Khép lại quá khứ một con người bình thường, để mở ra một tương lai, đau thương cứ mãi nối tiếp đau thương. Hai tiếng “bình thường”, có lẽ, con người ấy chẳng thể một lần chạm lại. “Đôi mắt Phương Mộc dần mờ đi, anh cố nhìn xem phía bên kia là những thứ gì. Những làn sương khói từ mặt hồ dâng lên cao, lan rộng, xoa tròn, rồi tan đi; bàn tay đang vẫy ở phía xa cũng càng mơ hồ, cuối cùng không thể nhận rõ tất cả đang ở ngay trước mặt hay là ở bờ bên kia nữa.”

độc giả thứ 7

Đọc thêm: Đề thi đẫm máu – cuốn sách hay nhất về trinh thám kinh dị của Lôi Mễ 
Cuồng vọng phi nhân tính – Thế giới của những cá nhân mang ẩn ức đau thương

Bi kịch tuổi trẻ và ẩn ức tâm lý trên trang viết Độc giả thứ 7

Sai lầm nối tiếp sai lầm ở tuổi 21, đã tạo ra bi kịch tuổi trẻ của chàng trai Phương Mộc. Bi kịch đó, không thể đặt lên bàn cân để so sánh giữa hàng loạt bi kịch cuộc đời anh được Lôi Mễ khắc họa ở series trinh thám tâm lý học tội phạm, là hơn hay kém. Bởi đấy là trải nghiệm thương đau nhất tuổi trẻ một con người có thể trải qua. Một trải nghiệm mà đủ sức tạo thành chấn thương tâm lý, ẩn ức đè nặng ám ảnh, đằng đẵng mãi về sau. Để người ấy, dủ trải qua bao chuyện sinh tử, trước mỗi thực tại khắc nghiệt, những giờ phút thương đau của tuổi 21 vẫn hiện về, vẹn nguyên như trước.

Đó là trước hết là bi kịch của chàng sinh viên, lần lượt phải chứng kiến từng người xung quanh, từng bạn bè bên cạnh bị giết hại một cách thảm khốc trong chuỗi án mạng liên hoàn ở ngôi trường sư phạm. Lớn hơn, đó là bi kịch tình yêu khi chính người con gái thân thiết bên anh cũng trở thành nạn nhân của tên sát nhân hàng loạt. Đó là bi kịch lòng tin bị phản bội, lúc anh cay đắng phát hiện người anh tin tưởng rất mực, người anh cho là chiến hữu vẫn kề vai sát cánh để anh dễ dàng trút mọi nỗi niềm, lại là kẻ thù anh hằng tìm kiếm. Là bi kịch của sự tự tin biến thành tự cao. Và là bi kịch, của một con người hoài nghi cái tôi bản thể, cái tôi lương thiện của chính mình khi càng lúc anh càng nhận ra, bản thân với hung thủ, tựa hai mặt của một đồng xu.

Tất cả, đã bùng lên thành ngọn lửa không chỉ nuốt trọn tên sát nhân, cũng là người bạn cùng phòng Phương Mộc vẫn tin tưởng, Ngô Hàm mà còn hoàn toàn nhấn chìm Phương Mộc vào chấn thương tâm lý, dẫu thời gian có trôi qua nửa năm hay đến khi anh thực sự trưởng thành, cũng không thể chữa lành. Mà càng ngày, chấn thương đấy càng như vết sẹo đóng vảy, nhức nhối tâm can.

Để Phương Mộc nhận ra, bi kịch tuổi trẻ, đã trở thành bi kịch cuộc đời, đeo bám anh cả tới ngày anh rời trường Sư phạm đến học tâm lý ở thành phố J, cả tới lúc anh đứng trong hàng ngũ lực lượng cảnh sát. Để Phương Mộc đau đớn mà nhận thức, dù Ngô Hàm có chìm vào biển lửa, thì cuộc đời vẫn còn đó những Ngô Hàm khác. Và anh, vẫn tựa cậu sinh viên 21 tuổi ngày nào. Hi vọng, tin tưởng rất nhiều rồi, lòng tin đó lần nữa bị phản bội. Chỉ khác rằng, chấn thương tâm lý bóp nghẹt trái tim, tâm hồn Phương Mộc, càng về sau càng khiến anh thêm gai góc hơn mà thôi.

Series trinh thám tâm lý học tội phạm của thầy Lôi, có thể nói là cả một hành trình Phương Mộc trưởng thành, tìm về cái tôi bản ngã, dùng chính thương tổn hôm nay, để chữa lành vết thương tâm lý hôm qua. Và chính vì con người đó mang nhiều ẩn ức như vậy, từ ngày còn rất trẻ như thế; mà giữa thế giới trinh thám khốc liệt, hình tượng Phương Mộc có phần ủy mị, yếu đuối hơn. Nhưng chẳng phải, vì yếu đuối, nhạy cảm mà Phương Mộc trở nên rất “người” hay sao? Chí ít, trải bao đau thương, chàng trai trẻ năm xưa cũng không trở thành một cỗ máy lạnh lùng. Và ngày nào, anh vẫn còn dằn vặt bản thân, ngày đó, Phương Mộc vẫn còn là Phương Mộc mà không biến thành một Ngô Hàm thứ hai.

độc giả thứ 7 review

*cre: Cổ Nguyệt books

Đọc thêm: Sông ngầm (Lôi Mễ) – Cái ác chảy ngầm dưới lòng sông lạnh/ Đau thương mất mát ngân vọng tiếng tiêu.
Ánh Sáng Thành Phố – Khi cán cân công lý bị thiên lệch

Độc giả thứ 7, khơi nguồn và kết thúc

Độc giả thứ 7, cuốn sách khơi nguồn cho bước ngoặt cuộc đời Phương Mộc. Ở đấy, là bóng hình một Phương Mộc tuổi 21, với tất cả sự bồng bột của tuổi trẻ, khó lòng làm cho độc giả trinh thám thật sự công nhận hay thỏa mãn. Bởi con người đó, yếu đuối, ủy mị quá, tâm hồn còn mang nhiều xao động, thiếu sự đề phòng và cũng dễ tin người quá. Nhưng ai có thể khẳng định chắc chắn, vào tuổi 21, khi phải đối mặt với một chuỗi án mạng liên hoàn có thể bình tĩnh phán đoán, không mắc sai lầm?

Lầm lỡ của Phương Mộc, bản thân anh đã phải trả giá bằng cả tuổi trẻ cùng tương lai sau này. Độc giả thứ 7, mang tính khởi nguồn cho cuộc sống mới, nhưng cũng mang tính kết thúc một quãng đời cùng một phần con người Phương Mộc, chính là như thế.

Tuy nhiên, tính kết thúc ở tác phẩm khơi nguồn này, còn nằm ở cách dẫn truyện của tác giả Lôi Mễ. Chương đầu tiên, phần Hồi ức, chính là lời Phương Mộc kể về cuộc đời anh. Bối cảnh, có lẽ sau bi kịch Giang Á khép lại. Tất cả, tạo lên sự đa thanh, đa giọng điệu không chỉ cho Độc giả thứ 7, mà còn cho cả series thầy Lôi đã viết. Dùng kết thúc để nói chuyện mở đầu, phải chăng, thầy Lôi như muốn tạo dựng một tương lai tươi sáng hơn cho nhân vật của ông? Người mà trọn series, ngỡ rằng chỉ có mất mát và mất mát mà thôi.

Đồng thời, Độc giả thứ 7 cũng là cuốn sách in kèm 4 phần ngoại truyện của 4 tập tiếp theo, phần ngoại truyện về Tôn Phổ, phần ngoại truyện về Chiếc hộp Skinner đã đẩy Châu Chấn Bang và Dương Cẩm Trình đi theo hai ngã rẽ khác nhau, phần ngoại truyện về Tiêu Vọng như lời giải thích cho sự tha hóa cùng nỗi căm hận của anh ta với Hình Chí Sâm và phần ngoại truyện về Giang Á lý giải cho cái kết cuối cùng của Ánh sáng thành phố.

Độc giả thứ 7, bởi vậy, dù là cuốn sách đuối hơn về mọi mặt so với các tập khác thuộc cùng series thì đây vẫn là tác phẩm như chiếc chìa khóa để độc giả, mở ra cánh cửa khám phá cả thế giới tiểu thuyết trinh thám tâm lý học tội phạm của tác giả Lôi Mễ. Một tác phẩm, vừa là khơi nguồn, cũng là kết thúc. Một cuốn tiểu thuyết, vừa là câu chuyện của hôm nay, cũng là mảng hồi ức ngày quá khứ đồng thời, lại là niềm hi vọng ẩn sâu khắc khoải về tương lai.

Mọt Mọt