Một câu chuyện đậm chất văn học về tình cha con trong quá khứ và một câu chuyện đậm chất điện ảnh về tài trí của cô giao liên ở hiện tại, thời gian cách biệt 12 năm nhưng không gian kết nối bởi một kỷ vật và thanh âm ngân vang như xé lòng người. Đó là tác phẩm gắn liền với tên tuổi nhà văn Nguyễn Quang Sáng – truyện ngắn “Chiếc lược ngà”.
Ngày 23/09/1966 tại Tháp Mười, Nguyễn Quang Sáng hoàn thành truyện ngắn “Chiếc lược ngà” trong thời gian vỏn vẹn nửa ngày. Trong bút ký “Nhà văn về làng”, nhà văn chia sẻ:
“Cũng trong mùa nước này, tôi viết “Chiếc lược ngà”. Tôi viết trên xuồng. Châu Thanh kiếm cho tôi miếng ván kê lên hai đầu gối làm bàn viết. Từ ngày rời khỏi cái bàn viết trong căn phòng nhà số 2 Cổ Tân ở Hà Nội, đã hơn nửa năm tôi không viết một chữ nào, có thể nói tôi đói viết. Đói ăn thì ăn ngấu nghiến, đói viết thì chữ trong ngòi bút cứ trào ra. Khi viết tôi như không nghe tiếng rít của máy bay, như không nghe tiếng bom nổ và rất lạ, có bạn trẻ Châu Thanh bên cạnh, tôi thấy yên tâm, tôi viết một mạch từ sáng đến trưa thì xong. Đó là truyện ngắn đầu tiên tôi trình làng qua Đài Phát Thanh Tiếng Nói Việt Nam trong buổi “Đọc truyện đêm khuya”.”
Đọc thêm:
- Quân Khu Nam Đồng – Tuổi thơ của những ông “tướng” con.
- Đơn Tuyến – Tiểu thuyết chân dung Nguyễn Đình Ngọc.
- Bến không chồng – “Hòn vọng phu” thời hiện đại
- Người Tị Nạn – Tiếng vọng nơi góc biển
- Nhà Văn Về Làng – Ngọt lịm một tấm lòng
Cái thẹo của ba. Chiếc lược của con.
“Chiếc lược ngà” được kể qua lời ông Ba – người đồng chí già, cũng người đồng hành đã quan sát và chứng kiến, giọng văn bởi vậy mà khách quan và chân thành.
Cách dẫn truyện “Các bạn ạ” của người lính già chia không gian tác phẩm ra làm hai lát cắt với khoảng cách 12 năm, khi nhân vật ông Ba gặp cô bé Thu 8 tuổi và tái ngộ cô giao liên Thu 20 tuổi. Kỷ vật kết nối cho khoảng cách 12 năm là chiếc lược làm từ ngà voi của ông Sáu dành riêng tặng con gái mình. Giữa hai lần Thu xuất hiện, Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng nên hai câu chuyện gây xúc động mạnh mẽ.
Phần thứ nhất: Lúc Thu 8 tuổi, ông Sáu về thăm nhà sau 7 năm xa cách.
Cô bé không chịu gọi “ba” vì trên mặt ông Sáu có vết thẹo bị thương khi đánh Tây, không giống người ba trong ảnh chụp cùng má. Suốt ba ngày ông Sáu nghỉ phép bên gia đình, con bé bướng bỉnh không nhận cha. Nhưng sau đêm được ngoại giảng giải thì bé Thu đã hiểu. Ngày ông Sáu lên đường, một câu “Thôi, ba đi nghe con!” khe khẽ, nhận lại một tiếng thét gọi “ba” trong nghẹn ngào, tiếng “ba” như vỡ tung, xé gió. Cuộc hội ngộ ngắn ngủi, cô bé Thu gửi lời mong mỏi “Ba về, ba mua cho con một cây lược nghe ba!”.
Phần thứ hai: Lúc Thu 20 tuổi, làm giao liên đưa cán bộ qua sông.
Trước lúc hy sinh, ông Sáu giao chiếc lược ngà tự tay hoàn thành cho người bạn chiến đấu của mình, đặng sau này gửi lại cho con gái ông. Người đồng chí già trao chiếc lược cho Thu với lời nói dối thiện chí rằng ông Sáu vẫn còn, nhưng không ngờ Thu đã biết sự thật. Truyện khép lại từ hành động ấm áp của ông Ba, khi bỗng buột miệng nói: “Thôi, ba đi nghe con!”.
“Chiếc lược ngà” có độ dài gần 7 nghìn chữ, không chỉ chia theo khoảng cách 12 năm mà còn chia thành hai câu chuyện: câu chuyện về tình cha con của ông Sáu với Thu và câu chuyện tài trí của giao liên Thu. Một câu chuyện văn học và một câu chuyện điện ảnh. Chính những trang miêu tả tỉ mỉ sự thông minh và kiên gan của giao liên Thu với nhiều hình ảnh ấn tượng đã hé lộ khả năng một nhà biên kịch ở Nguyễn Quang Sáng, người sau này thăng hoa tên tuổi qua các kịch bản phim “Mùa gió chướng” và “Cánh đồng hoang”.
Một truyện ngắn phát ra âm thanh.
Vang vọng suốt áng văn, suốt những quãng đời và những cuộc đời ấy, chỉ có một tiếng kêu, một tiếng kêu bình dị mà thiêng liêng bậc nhất trong cõi đời này. Đó là tiếng “ba”. Một thanh âm hữu hình như sợi chỉ đỏ xuyên suốt làm bật lên chủ đề của tác phẩm, về tình cha con trong chiến tranh, cũng là tình cha con muôn thuở muôn đời.
Cô bé Thu chỉ có một lần được gọi ông Sáu là “ba” trong đời, cũng là tiếng “ba” cuối cùng mà ông Sáu được nghe. Tiếng “ba” vỡ òa từ sâu thẳm trong lòng cô bé là cái tiếng mà ông Sáu đã chờ đợi suốt bao năm trời xa con, đã chờ đợi suốt mấy ngày trời về bên con, những tưởng chẳng thể nào được nghe … Thì bất ngờ, nó thét lên!
Tiếng kêu vỡ ra còn lòng người thì nghẹn lại.
Đối với người cha ấy, đó là tiếng gọi “ba” đầu tiên và cũng là những tiếng cuối cùng ông nghe được từ con. Thương con quá mà không thể ở nhà thêm được khi Tổ quốc đang gọi và đồng đội đang chờ. Tình yêu con đã biến người chiến sĩ thành nghệ nhân, người nghệ nhân chỉ sáng tạo ra một tác phẩm duy nhất trong đời, một cây lược ngà kết tinh tình phụ tử, khắc lên dòng chữ nắn nót “Yêu nhớ tặng Thu, con của ba”. Nhưng rồi vẫn không thể đưa chiếc lược tận tay cho con, người cha ấy đã hy sinh sau một trận càn của Mỹ, chỉ kịp để lại sự ủy thác không lời.
Ngày ông Ba gặp lại Thu, cô bé bướng bỉnh ngày nào đã trở thành cô giao liên giỏi giang, xinh đẹp. Có lẽ trong những ngày giữ gìn chiếc lược, sự cẩn trọng nâng niu đã thực sự khiến người đồng chí già trở thành một người cha, nên khi nhìn Thu cầm chiếc lược, tình cha con đang dâng lên làm tim ông đau nhói.
8 tuổi, tiếng “ba” của bé Thu xé tan sự im lặng, xé cả ruột gan mọi người, đó là tiếng gọi “ba” của một đứa trẻ. 20 tuổi, Thu đáp lại người bạn thân của ba mình, qua đôi môi mấp máy tái nhợt, tiếng “ba” nghẹn ngào trong cổ họng, như có như không, đó là tiếng gọi của một người trưởng thành. Một tiếng “ba” ngây thơ, bồng bột. Một tiếng “ba” dặn dày sương gió, chịu đựng nhiều mất mát hy sinh. Tiếng “ba” nào cũng chân tình và tự nhiên, bởi nó buột ra từ trong tâm khảm con người.
Tình cha cao đẹp truyền qua lồng ngực những người chiến sĩ, là sự chuyển di và bồi đắp từ tình yêu nước và tình đồng chí. Và tình cha con cũng dào dạt, muôn đời bất diệt theo sự nối tiếp thế hệ và truyền thừa ý chí đấu tranh.
Trên cái nền bi kịch của chiến tranh, Nguyễn Quang Sáng ngân lên từng nốt thiêng liêng về tình phụ tử. Chân thực, giản dị, và cảm động.
Sự nối tiếp thế hệ và truyền thừa ý chí đấu tranh.
Trong khoảng thời gian ông Sáu về phép, Thu không nhận ba không đơn thuần là sự bướng bỉnh của một cô bé con đỏng đảnh hay nhiễu sự, mà đó là sự kiên định và quyết liệt của một người có lập trường – đây chính là hạt mầm nuôi dưỡng tính cách cứng cỏi kiên cường của chị giao liên giải phóng.
Đến khi được ngoại giảng giải về lai lịch vết thẹo, bà nhắc lại tội ác mấy thằng Tây ở đồn đầu vàm cho Thu nhớ. Đó là khoảnh khắc đánh dấu một cột mốc nhận thức về chiến tranh và căm thù giặc của cô bé con. Nghe bà kể nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn. Trong lòng nó, hình ảnh người ba kính mến đã trùng khớp lên cái người mang vết thẹo dài trên mặt. Con bé vỡ lẽ ra, lòng yêu ba lại nhân lên gấp bội, thương ba bao nhiêu lại thù bọn Tây bấy nhiêu.
Vào một ngày năm 1958, năm đó quân ta chưa võ trang, trong một trận càn lớn của quân Mỹ – ngụy, ông Sáu hy sinh. Thân xác người lính cộng sản nằm trong ngôi mộ bằng, bằng phẳng như mặt rừng. Sống như thế và chết như thế. Buộc nhân dân ta phải cầm súng đứng lên.
Đó là giai đoạn cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ đang diễn ra ác liệt. Nơi hậu phương, vợ con ông Sáu mong ngóng tin chồng, tin cha nhưng biền biệt. Phải mất 10 năm sau mới nhận được tin ông Sáu đã hy sinh. Ôm nỗi đau mất cha với lòng căm thù giặc sâu sắc, Thu xin má đi làm giao liên. Mới chỉ 2 năm làm nhiệm vụ, Thu đã đi vào câu chuyện của đồng đội như truyền kỳ, rằng cô giao liên ấy có cái mũi rất thính, cô dùng mũi để nghe mùi địch và có thể phân biệt được thằng nào là Mỹ, thằng nào là ngụy nữa.
Từ ông Sáu cho đến bé Thu, chính là sự nối tiếp thế hệ và truyền thừa ý chí đấu tranh, chẳng cần một bài học sáo rỗng nào, Thu gia nhập quân giải phóng vì ảnh hưởng từ ba. Đó là huyết thống, là tình phụ tử nâng lên thành tình yêu nước. Cái tình thiêng liêng ấy không kẻ thù nào có thể tiêu diệt được. Càng đớn đau, lại càng quật cường, sáng đẹp và bền bỉ hơn.
Đó chẳng phải là thông điệp tuyệt vời mà truyện ngắn “Chiếc lược ngà” muốn nhắn nhủ đến mỗi một người đọc hay sao?
Từ chi tiết nhỏ viết nên cuộc đời lớn.
Bằng giọng chân thành mà hóm hỉnh, cha đẻ của “Chiếc lược ngà” từng kể rằng bạn bè khi xưa cùng trường đã lấy làm lạ khi ông trở thành nhà văn.
“Chính mình đôi lúc cũng thấy lạ cho mình, huống chi bạn bè.”
Bởi vì hồi nhỏ ông dở văn lắm. Thời đi học ở trường Trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố, bạn cùng bàn của ông là Đoàn Thế Hối (sau này lấy bút danh Lê Vĩnh Hòa) rất giỏi văn, bài văn nào cũng 17, 18 điểm trên 20, trong khi ông thì tệ đến mức có lần chỉ được 0,5 điểm trên 20.
Có một lần thầy bảo viết dạng hồi ký hoặc nhật ký không cần gò bó theo khuôn khổ, Nguyễn Quang Sáng đã viết về những trận đánh mà ông suýt chết, ông đạt 18 điểm trên 20. Có thể thấy rằng, khi được tự do phát huy thì bút lực của ông mới bộc phát, đó là viết từ những gì đã trải qua, viết bằng những gì quan sát được, và viết từ tình cảm chân thành của mình. Đây cũng chính là nét đặc sắc mà giới mộ điệu thấy được trong văn ông. Chan hòa, gần gũi và phóng khoáng.
Dường như toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng không câu nệ vào sách vở và tuyệt đối vắng bóng điển tích. Nhà văn trực tiếp va đập với cuộc sống để nhìn, để nghe và để viết. Chỉ cần gạn lọc được chi tiết thì Nguyễn Quang Sáng lập tức có những trang văn trần thuật hấp dẫn, như ông bộc bạch:
“Tôi mê chi tiết. Viết văn không chi tiết, chỉ nói như xã luận, thì còn ra gì!”.
Sự khắc nghiệt của thời gian, và đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh, chắc chắn sẽ làm mai một nhiều giá trị mang thông điệp minh hoạ cho mỗi giai đoạn văn chương đó. Nhưng Nguyễn Quang Sáng, nhờ vào thực tế kháng chiến của quân dân Nam bộ, đã sáng tạo truyện ngắn “Chiếc lược ngà” một cách xuất sắc, mang thơi thở nhân văn và thời cuộc.
Mà nay, nhà văn của “Chiếc lược ngà” đã xa rời gian thế, nhưng sự nghiệp văn chương và những giá trị nghệ thuật mà ông để lại, với những áng văn trần thuật kiểu “rất Nguyễn Quang Sáng”, hậu thế sẽ mãi mãi trân trọng và nhớ ơn.