Giết con chim nhại là cuốn tiểu thuyết đầu tay và duy nhất trong giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp sáng tác của nhà văn người Mỹ Harper Lee, được ví như một trong tứ trụ của nền văn học Mỹ, đứng đầu trong số các tác phẩm văn học “must read” của thế giới và vẫn tiếp tục in mỗi năm. Trải qua hơn nửa thế kỷ, Giết con chim nhại vẫn khẳng định chỗ đứng của mình với những thông điệp và ý nghĩa vượt lên giá trị của thời gian.
Không cốt truyện ly kỳ, dồn dập, cũng không gây chấn động mạnh, bứt rứt cho độc giả, Giết con chim nhại khiến không ít độc giả thất vọng nếu như đặt vào quá nhiều kì vọng về một tác phẩm được “gắn mác” kinh điển. Cuốn sách đề cập tới các vấn đề “nóng” xã hội một cách nhẹ nhàng và vô cùng tinh tế, không tác động quá mạnh vào độc giả để cảm thấy đau thương hay thù hằn, nhưng vẫn đủ để mọi người có thể tự suy ngẫm và cảm nhận.
Xem thêm tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ:
Bắt trẻ đồng xanh: Có một tuổi trẻ nổi loạn để trưởng thành
Đặt trong bối cảnh ra đời
Cuốn sách được ra đời vào thời kì phong trào đấu tranh của người da màu đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và lan rộng ra tầm cỡ thế giới. Vậy nên cũng không quá ngạc nhiên khi chủ đề lớn của tác phẩm là về vấn đề phân biệt chủng tộc.
1bf1962e38801486158c51172eaafd2f
Câu chuyện kể về hai đứa trẻ ở lứa tuổi mới lớn, Jean Louise Finch, thường gọi là Scout và Jeremy Atticus Finch, tên thường gọi là Jem, sinh trưởng ở thị trấn nhỏ Maycomb, Alabama, nằm sâu trong miền nam nước Mỹ trong thập niên 1930. Chuyện xảy ra trong vòng 3 năm, được kể lại bởi người em. Trong truyện, cha của hai đứa trẻ, luật sư Atticus Finch được chỉ định để bào chữa một người da đen tên là Tom Robinson, bị buộc tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng tên là Mayella Ewell.
Điểm sáng trong cách xây dựng nhân vật
Đó là một cô bé Scout có phần “hoang dại” và không thích sự gò ép. Mặc dù vẫn còn ở lứa tuổi học sinh nhưng Scout suy nghĩ vô cùng trưởng thành, luôn hướng tới sự tự do. Scout thích làm những điều mình muốn, mạnh mẽ, cá tính và hầu như chỉ sợ mỗi bố mình. Jem – anh trai của Scout – cũng là một cậu bé thú vị. Và cùng với Dill, họ hàng của người hàng xóm, cả ba đã làm nên hình ảnh của những đứa trẻ, tuy còn bé nhưng đã biết đấu tranh cho những gì chúng tin tưởng.
Đối lập một cách hoàn hảo với Scout là bà bác Alexandra. Bà là điển hình của một con người với lối sống quá truyền thống, thích uốn nắn người khác và phân biệt chủng tộc rõ nét.
Nổi bật trong tác phẩm còn có Atticus Finch, trong gia đình, ông là một người cha mẫu mực, còn dưới con mắt xã hội, ngoài cương vị là một luật sư, ông còn là một con người vô cùng đáng kính trọng khi luôn nhìn nhận người khác ở cả mặt tốt lẫn mặt xấu, luôn cảm thông và thấu hiểu cho họ.
Bên cạnh các tuyến nhân vật chính thì tác phẩm còn quy tụ rất nhiều nét tính cách mà ở đó là hiện thân của chính góc khuất trong xã hội. Đó là cụ bà Dubose hay chỉ trích, gắt gỏng nhưng sâu bên trong lại là một con người can đảm. Đó là Boo Radley, là Tom Robison, những con người ban đầu vốn lương thiện nhưng định kiến xã hội đã khiến họ sa ngã mà không còn đường lui.
Không đơn thuần là bản án về nhân quyền con người…
Với vô số những nét tính cách ấy, Giết con chim nhại không chỉ đơn thuần là bản án về nhân quyền con người, về bình đẳng, mà còn mở rộng ra rất nhiều khía cạnh của xã hội dưới góc nhìn của một cô bé học sinh tiểu học.
…Đó còn là là góc nhìn đa chiều về giáo dục,
Trước hết, đó là góc nhìn đa chiều về giáo dục thông qua mối quan hệ giữa cha con nhà Finch. Việc giáo dục ấy không chỉ dừng lại ở việc giáo dục trường học, mà còn phản ánh qua việc giáo dục trong gia đình. Qua từng câu chuyện, từng tình huống hằng ngày, hoặc thậm chí qua những câu hỏi ngây thơ của con trẻ, bố Atticus luôn cố gắng dạy dỗ con những bài học về lương tâm, về công bằng, về lòng can đảm và về cách nhìn nhận xã hội.
Nhưng cũng tại đây, độc giả có thể thấy được mặt hạn chế sâu sắc trong giáo dục ở nhà trường, khi giáo viên cứng nhắc, không quan tâm đến nhu cầu của học sinh và hơn cả là họ còn đầy thành kiến. Nếu như giáo dục là để cho con cái trưởng thành và phát triển thì ở trường học, Scout lại bị hạn chế khả năng khi cô giáo phủ nhận tài năng của em, không cho em được nói lên suy nghĩ của mình và thậm chí áp đặt vào em những hình phạt vô lí.
Không chỉ dừng lại ở đó, Giết con chim nhại cũng dạy con người ta những bài học sâu sắc về đạo lí làm người. Đó là bài học về cách ứng xử, cách sống, cách trải nghiệm cuộc sống này.
“Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm con người.”
Câu nói này đã đề cập tới một loại tâm lý rất phổ biến trong xã hội ngày nay, ấy là tâm lý số đông, mà biểu hiện chính là việc cả một cộng đồng người da trắng đứng lên chống lại một con người da đen nhỏ bé, bần hèn. Thế nhưng, lương tâm thì lại không đi theo nguyên tắc ấy, như cái cách luật sư Atticus không hề ngần ngại, chấp nhận định kiến, gièm pha mà để lương tâm dẫn lối, vẫn nhận vụ án lần này. Xét ở góc độ nào đó, lương tâm nhiều khi có nét tương đồng với can đảm, đúng không nhỉ?
Bạn nghĩ thế giới này có bao nhiêu loại người? Câu hỏi này thực sự khiến không ít độc giả bận lòng suy nghĩ. Và bạn có biết rằng người đặt ra câu hỏi này chỉ là hai đứa trẻ? Nếu như Scout cho rằng trên thế giới chỉ tồn tại một loại người duy nhất thì đối với Jem, thế giới này có tới bốn loại người. Câu trả lời cũng phản ánh chính cách các em nhìn thế giới.
“Con không bao giờ thực sự hiểu một người chừng nào con chưa xem xét mọi việc từ quan điểm của người đó.”
Thật vậy! Chúng ta đang sống một cuộc sống bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tâm lý số đông, bị những góc nhìn phiến diện làm lu mờ đi những cống hiến và giá trị của một con người.
“Có một cách để biết nhân chứng đang nói dối hay nói thật, ấy là lắng nghe nhiều hơn nhìn.”
Đây là một câu nói đáng suy ngẫm. Vì sao? Vì thực tại, chúng ta đang dần ít biết lắng nghe hơn, thay vào đó, con người thường dùng cái nhìn ban đầu, dùng ý kiến chủ quan để suy xét con người. Liệu có phải mọi người đã quên, rằng chúng ta sinh ra có 2 con mắt để nhìn thế giới, nhưng cũng có tới 2 tai để lắng nghe?
Trong tác phẩm, biểu hiện của việc này không khó để nhận ra. Đó là cả xã hội “từ chối” lắng nghe câu chuyện của một người da đen, không chịu bác bỏ cái định kiến mặc định trong đầu họ, và thậm chí thay vì lắng nghe, họ còn lợi dụng sự kém hiểu biết của đối phương để đạt được mục đích và dẫn dắt sự thật theo cái cách họ muốn. Những người da trắng đã gây ra biết bao điều bất hạnh cho người da màu, nhưng chẳng hề dừng lại mà suy nghĩ rằng người da màu, họ, cũng là con người. Và điều này quả thực đáng ghê tởm, như cách bố Atticus đã nói.
“Đó là khi con biết mình sẽ thất bại từ trước khi bắt đầu nhưng dù vậy con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng dù có chuyện gì xảy ra.”
Và hơn hết, Giết con chim nhại còn phác họa nên một bức tranh hoàn toàn khác về lòng can đảm thực sự. Câu nói này thực sự khiến mình phải thay đổi nhận thức. Liệu có ai dám can đảm đánh đổi thời gian, công sức, tiền bạc,… vào những thứ mà chúng ta cho rằng sẽ thất bại? Theo quan điểm của Atticus, bà Dubose là người can đảm nhất, người đã chết mà không mắc nợ bất cứ cái gì và bất cứ ai. Sự can đảm này có lẽ thật đơn giản nhưng cũng thật kì quặc!
Con chim nhại- sợi chỉ đỏ xuyên suốt
Mặc dù được nhắc tới khá ít, không được nhắc tới trực tiếp nhưng nó lại trở thành tiêu đề và mở ra rất nhiều tầng ý nghĩa. “Mấy con chim nhại chẳng làm gì khác ngoài đem tiếng hót đến cho ta thưởng thức. Chúng không phá hoại vườn tược của con người, không làm tổ trên bẹ ngô, chúng không làm gì khác ngoài hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe. Điều đó lí giải tại sao giết một con chim nhại là tội lỗi.”
Nhưng liệu rằng, đó có phải là tất cả? Không, chắc chắn là không rồi. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Harper Lee lại chọn đây là tiêu điểm của tác phẩm. Hình ảnh này được tác giả xây dựng thành một biểu tượng cho sự ngây thơ trong sạch và những con người thiện tâm nhưng bị hủy hoại, theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, vì cái xấu của xã hội.
Đó là Boo Radley, vì một sai lầm tuổi trẻ, mà bị cha nhốt kín trong nhà, biến thành một bóng ma, một nỗi khiếp sợ đối với xã hội và bị quên lãng, ấy là giết con chim nhại. Đó là Tom Robinson, một người da đen khuyết tật, và nếu như chim nhại biết ca hót cho đời thì anh biết cần cù lao động, cống hiến cho gia đình và xã hội, vậy mà lại chịu một kết cục đau thương, chỉ bởi vì cái định kiến xã hội và cái tội danh từ đâu giáng xuống đầu anh. Hình ảnh của anh không khỏi khiến độc giả đau xót, một con người vô tội, như một con chim nhại ưa hót phải chịu bất công của xã hội, ấy cũng là giết con chim nhại…
Thay vì mang đến một cốt truyện ly kì và lôi cuốn, Giết con chim nhại khiến con người ta phải ngẫm nhiều hơn là chỉ tận hưởng và cảm nhận câu chuyện. Tác phẩm có thể sẽ gây nhàm chán với những ai ưa một mạch truyện hấp dẫn, nhưng trái lại, đây đã, đang và chắc chắn sẽ là cuốn sách gối đầu giường, cuốn sách tâm đắc nếu có thể cảm nhận hết được những gì ẩn sâu trong từng trang giấy.