“AQ chính truyện” là truyện vừa duy nhất của Lỗ Tấn, viết về đề tài người nông dân dưới xã hội Trung Quốc trước, trong và sau cách mạng Tân Hợi 1911. Tác phẩm được coi là một kiệt tác của văn học hiện đại Trung Quốc.

Tác phẩm được đăng tải lần đầu trên “Thần báo phó san” ở Bắc Kinh trong khoảng thời gian từ ngày 4/12/1921 đến ngày 12/2/1922, sau đó được in trong tuyển tập truyện ngắn “Gào thét” xuất bản năm 1922. 

Truyện gồm 8 phần và Lời tựa do chính tác giả viết để lý giải vì sao lại là “AQ”, vì sao lại là “chính truyện”.

“AQ chính truyện” là một trong 108 danh tác của thế giới, cho đến nay đã được dịch ra nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Ðức, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha, Ý, Thụy Ðiển, Việt Nam, Indonesia, Triều Tiên, Nhật Bản…

2dd284d8116690cb11b2ab49311f869f  

“Một con số zero to tướng phủ lên lá số tử vi của AQ” – Ðặng Thai Mai.

Truyện là cuộc phiêu lưu đắc thắng của AQ, một gã đàn ông thuộc tầng lớp bần nông, thất học.

Sơ yếu lý lịch của AQ có thể tóm gọn bằng một con số không tròn trĩnh: không họ, không tên (AQ là tên ước định mà tác giả gán cho), không ngày tháng năm sinh, không quê quán, không học vấn, không nghề nghiệp.

Lỗ Tấn từng viết: “Theo ý tôi, AQ trạc 30 tuổi, hình dáng bình thường, có cái chất phác đần độn kiểu nông dân, nhưng cũng có tiêm nhiễm ít nhiều cái xỏ lá của bọn du thủ, du thực ở Thượng Hải, có thể tìm thấy bóng dáng y ở những người kéo xe tay, xe xích lô, tuy thế AQ không có bộ dạng lưu manh, cũng không giống như bọn du lãng lang thang ngoài hè phố.”

Với bút pháp “vẽ rồng điểm mắt” – thảo vài nét sơ lược giàu tính biểu trưng, khi miêu tả ngoại hình AQ, Lỗ Tấn chỉ viết về chiếc đuôi sam và đặc biệt là cái sẹo.   

AQ nổi tiếng vì phương pháp thắng lợi tinh thần. Nếu gã bị đánh, gã lại nghĩ “Nó đánh mình thì khác gì nó đánh bố nó!” rồi lại hớn hở đắc thắng. AQ hay bắt nạt kẻ kém may mắn hơn mình và sợ hãi trước kẻ hơn mình về địa vị, quyền lực, sức mạnh. Gã tự thuyết phục bản thân rằng mình sức nhịn nhục bậc nhất, trạng nguyên cũng chỉ người bậc nhất mà thôi, rồi lấy đó làm lẽ để đắc ý.

Cách mạng đến mà kẻ sợ, người hoang mang, duy chỉ có AQ là phấn khởi. AQ cho rằng cách mạng là cướp của nhà giàu làm lợi cho mình, là “làm giặc”. Chính vì hiểu sai hai từ “cách mạng” mà gã đã nhận một kết cục bi thảm.

“AQ chính truyện” phê phán thứ cách mạng không đúng chất cách mạng. Đây là bóng dáng của cách mạng Tân Hợi 1911 – cuộc cách mạng không triệt để.

Lỗ Tấn đả kích cách mạng nửa vời và những tư tưởng bảo thủ của người dân Trung Quốc, ông mang một tư tưởng cách mạng dân chủ mới và muốn thức tỉnh người nông dân về tư tưởng cách mạng thật sự.

AQ chính truyện - Lỗ tấn
Ảnh: moontrr289

Tinh thần AQ bất diệt!

Tinh thần AQ bất diệt! – là câu nói cửa miệng của thế hệ ông cha ta khi dạy dỗ con cháu trong nhà, rằng: “Phải luôn luôn cố gắng, chứ không được AQ!”. Hay là trong lá thư điện tử mà blogger Song Hà gửi Đoàn Văn Hậu sau khi U22 Việt Nam đoạt chức vô địch SEA Games 30, khi nhắc về lứa cầu thủ cha chú, anh có câu nhắn nhủ chàng cầu thủ trẻ: “Chúng ta nên sòng phẳng và biết cách chấp nhận thất bại hơn là loay hoay tìm kiếm mỹ từ để xoa dịu nó với một tinh thần AQ bất diệt.”

Bấy nhiêu thôi cũng đủ để thấy độ phổ biến rộng rãi của “AQ chính truyện”, nhân vật AQ đã đi vào đời sống như một biểu tượng của kẻ luôn tự huyễn hoặc mình và sống trong ảo tưởng bằng phép thắng lợi tinh thần.

Phương pháp thắng lợi tinh thần là một sự tự an ủi, tự thuyết phục, tự thôi miên để giúp bản thân dễ dàng chấp nhận, bỏ qua cái thất bại để có thể mỉm cười sống tiếp. 

Trên con người AQ tập trung cao độ tinh thần tự huyễn hoặc đó nên rất nhiều người đã dùng những cụm từ tinh thần AQ, chủ nghĩa AQ… để gọi tên thay cho phép thắng lợi tinh thần. Từ đời sống AQ bước vào văn chương, rồi từ văn chương AQ đã bước ra đời sống như vậy.

Trong tác phẩm, Lỗ Tấn đã phóng đại cái sự tự an ủi bản thân đó lên mức mù quáng. Phương pháp của AQ là một dạng lạc quan đến cực đoan. Lạc quan là tốt, nhưng cực đoan thì chẳng tốt chút nào. Bởi sau cái mỉm cười sống tiếp đó của AQ, gã ta không cố gắng, không tự thay đổi bản thân. Nói cách khác, đó là trạng thái tâm lý của kẻ thất bại song không chịu thừa nhận thất bại, hơn thế còn tìm cách trốn tránh vào ảo giác thắng lợi.

“AQ chính truyện” được viết cách đây gần một thế kỷ, nhưng những giá trị cốt lõi của nó vẫn còn, và bài học vẫn  nóng hôi hổi đối với giới trẻ hiện nay: Hãy tỉnh táo mà sống! Thất bại là mẹ thành công, nhưng sau thất bại mà không cố gắng, không tìm đúng trong sai, không rút ra bài học, không tự thay đổi mình… thì con của thất bại cũng chỉ là thất bại mà thôi!

Bản chất tư tưởng của con người và xã hội Trung Quốc trong “AQ chính truyện”.

“AQ chính truyện” thuộc dạng truyện vừa, dung lượng của nó không quá dài so với những danh tác trên thế giới, nhưng những gì nó mang là cả một nền văn hóa Trung Hoa đang bị mắc kẹt trong xã hội phong kiến nửa thuộc địa: chính quyền mị dân, hiếp yếu sợ mạnh, thủ dâm tinh thần, hủ lậu và khinh thị cái mới. Nhưng những căn bệnh thời đại ấy, đâu đó vẫn còn tồn tại trong xã hội Trung Quốc ngày nay.

Thứ nhất, chính quyền mị dân.

Ở nông thôn Trung Quốc, bọn địa chủ như Cố Triệu, Cố Tiền, cụ Cử trở thành một thế lực có sức mạnh đáng sợ.

AQ ăn một cái tát từ Cố Triệu vì dám nhận họ hàng với nhà lão. Thế là dân làng nể AQ, không quan trọng là có họ hàng hay bị đánh, chỉ cần dính dáng đến nhân vật “xù” như Cố Triệu đã là đáng nể. Rồi AQ bị nhà Cố Triệu cấm cửa, khắp làng liền tẩy chay gã.

Sự áp bức và sức ảnh hưởng bao trùm của bọn địa chủ lớn tới độ người dân làng Mùi chỉ biết mê muội phụ họa cho giai cấp thống trị này.

Lỗ Tấn muốn đả kích căn bệnh bạc nhược cố hữu – “ngủ say trong một chiếc hộp sắt” của người nông dân Trung Quốc. Căn bệnh u mê này, cho đến nay vẫn còn bám rễ trong mỗi người dân Trung Quốc, họ bị chính quyền mị dân một cách trắng trợn. Theo những thông tin thu thập trong cộng đồng mạng bên Trung, thì họ được dạy và tin chắc rằng toàn bộ biển Đông bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa là của người Trung Quốc, và người Việt Nam đang lấn chiếm của họ!?

Thứ hai, hiếp yếu sợ mạnh.

AQ thích bắt nạt kẻ yếu và luôn run sợ trước kẻ mạnh, kẻ giàu. AQ thích gây sự với mọi người nhưng bao giờ cũng là kẻ thua trước, vì vốn dĩ gã là kẻ yếu.

Đây cũng là căn bệnh tư tưởng mà Lỗ Tấn muốn đả kích.

Đặt góc nhìn quay về hiện tại, Trung Quốc cũng na ná một AQ đang lên, ra sức bắt nạt các nước yếu và e sợ với các cường quốc. Cụ thể, trong một báo cáo dài 71 trang vào tháng 9/2018, Bắc Kinh nhấn mạnh nền kinh tế của quốc gia này “rất kiên cường” và không sợ một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, thế nhưng theo CNBC, quyết định của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) về việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách của nền kinh tế thứ hai thế giới đang lo lắng về cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ.

Thứ ba, thủ dâm tinh thần.

Phép thắng lợi tinh thần của AQ là một tên gọi chanh sả cho căn bệnh thủ dâm tinh thần.

Người dân Trung Hoa lúc nào cũng tự hào về văn hiến, văn hóa của dân tộc, và không ít người cho rằng đất nước họ là cái rốn của vũ trụ, các dân tộc khác chỉ là man di mọi rợ. Với bề dày văn hiến lâu đời, họ có quyền tự hào, nhưng song song với lòng tự hào không có nghĩa là họ có quyền đạp dân tộc khác xuống để nâng dân tộc mình lên, để đạt được khoái cảm trong quá trình đó.

Tư tưởng đó ngày nay vẫn còn trong đa số người Hoa, ngay cả trong giới trẻ. Có một bài viết trên mạng xã hội vào tháng 3/2019, Hua Qianfang, một blogger người Trung Quốc cho rằng: “Những người ủng hộ việc học tiếng Anh chỉ là những người trong ngành và những kẻ mang tư tưởng nô lệ nhược tiểu.” (theo Lost Bird)

Thứ tư, hủ lậu và khinh thị cái mới.

AQ thường chê bai người khác vì không hợp với những chuẩn mực cố hữu của gã. Ở làng Mùi gọi cái ghế dài ba thước rộng ba tấc là cái ghế dài, còn ở huyện họ gọi là tràng kỷ, AQ phản đối: “Gọi thế là sai! Là đáng cười!”. Hay chuyện rán cá, y cũng đem cái chuẩn rán cá ở làng Mùi ra để chê bai cách rán cá của người trên huyện: “Thế là sai! Là đáng cười!”.

AQ hội tụ rất nhiều những căn bệnh tư tưởng của chế độ phong kiến Trung Quốc: mạnh mồm, khinh thị cái mới, cổ hủ, lạc hậu, coi thường phụ nữ.

U mê trong phong tục tập quán của mình, lấy văn hóa, truyền thống cố hủ của mình ra để chê bai, khinh thị dân tộc khác là một đặc trưng rất Trung Quốc.

Đừng đổ oan cho “Chí Phèo”!

“AQ chính truyện” và “Chí Phèo” đều là tác phẩm nổi tiếng trong nền văn học hiện đại của hai quốc gia, cùng viết về đề tài người nông dân bị tha hóa dưới xã hội, nhưng “Chí Phèo” ra đời muộn hơn gần 20 năm nên thiệt thòi hơn, bị giới nghiên cứu của Trung Quốc gọi là mượn ý tưởng từ AQ.

Nhìn nhận khách quan, nhà văn viết chung một đề tài người cùng khổ là không hiếm, Victor Hugo, Balzac… cũng viết, không chỉ riêng Lỗ Tấn và Nam Cao. Những nét giống nhau về kiểu nhân vật người nông dân cùng bọn địa chủ trong “AQ chính truyện” và “Chí Phèo” là bởi vì văn hóa và lịch sử giữa hai quốc gia có nét tương đồng.

Với tất cả những bản chất tư tưởng của con người và xã hội Trung Quốc trong “AQ chính truyện” đã được liệt kê ở trên, AQ không chỉ là một điển hình nông dân bị tha hóa dưới xã hội, mà còn là một dạng nhân vật giễu nhại giống Don Quijote, có đầy đủ mọi thói xấu của giai cấp phong kiến, bao gồm cả địa chủ và nông dân Trung Quốc thời bấy giờ. 

Những bản chất cốt lõi này đã chỉ ra điểm khác biệt với kiệt tác “Chí Phèo” của Nam Cao. Chí rạch mặt ăn vạ chứ không nhịn nhục như AQ. Chí còn có được tình yêu của Thị Nở, còn được tỉnh sau bao nhiêu năm say, còn muốn sống lương thiện nhưng đời không cho lương thiện, chứ AQ thì sống cả đời mê muội. Chí Phèo giết Bá Kiến rồi tự sát, chứ không cúi gằm mặt mà sống như AQ chỉ biết tự thẩm du tinh thần để rồi chết vì lý do nhỏ nhặt.

Những dòng này không hề có ý so sánh giá trị của hai kiệt tác “AQ chính truyện” và “Chí Phèo”, mà để chỉ ra điểm dị biệt của hai tác phẩm, để phản biện lại luận điệu phản động của một thành phần nói trên.

Hãy tôn trọng thành quả sáng tạo của nhà văn Nam Cao và đừng đổ oan cho “Chí Phèo”!

Vài nét về tác giả Lỗ Tấn

Lỗ Tấn (1881 – 1936) tên thật là Chu Thụ Nhân, sinh ra trong một gia đình quan lại sa sút ở tỉnh Chiết Giang. Lỗ Tấn càng ngày càng khôn lớn, thì triều đình Mãn Thanh càng ngày càng suy yếu và hủ bại, Trung Quốc dần dần trở thành một nước nửa thuộc địa.

Từ nhỏ Lỗ Tấn đã say mê nghệ thuật dân gian qua những câu chuyện kể của mẹ. Bút danh của ông – Lỗ Tấn – được ghép lại từ họ Lỗ của mẹ (bà tên là Lỗ Thụy), và Tấn trong nghĩa nhanh nhẹn khẩn trương, vì thuở nhỏ thường hay đi học muộn, ông đã tự tay cầm dao thích chữ Tấn trên mặt bàn học để đốc thúc bản thân.

Trưởng thành, ông lựa chọn con đường văn chương để cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của lực lượng tiến bộ.

Một cách nhất quán, Lỗ Tấn hoàn toàn không nhận mình là nhà tiểu thuyết. Với ông, tiểu thuyết chỉ là một vũ khí sắc bén có thể lợi dụng để thực hiện mục đích cải tạo xã hội mà thôi. Trong “Tân dân chủ chủ nghĩa luận”, vị lãnh tụ vĩ đại của Trung Quốc – Mao Trạch Đông viết rằng:

“Lỗ Tấn là chủ tướng của cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc. Ông không chỉ là một nhà văn, mà còn là một nhà tư tưởng vĩ đại, nhà cách mạng vĩ đại… Phương hướng của Lỗ Tấn là phương hướng của nền văn hóa mới của dân tộc Trung Hoa.” 

Không chỉ là đại văn hào của Trung Quốc, Lỗ Tấn kết đọng tinh hoa văn hóa nhân loại của thế kỉ XX.

: