Đến văn học thế kỷ XX, việc thể hiện thời gian trong tác phẩm không còn đơn thuần là kể lại sự việc theo một trục thời gian tuyến tính. Và với Marcel Proust cùng tập tiểu thuyết đồ sộ: Đi tìm thời gian đã mất nói chung, tiểu thuyết Dưới bóng những cô gái đương hoa nói riêng, ông đã có một cách tân mạnh mẽ trong việc đưa thời gian trong tác phẩm văn học lên thành một chất liệu nghệ thuật thât sự.

Dưới bóng những cô gái đương hoa_MarcelProust

 

  1. Dưới bóng những cô gái đương hoa ở bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất và vấn đề thời lưu trong thủ pháp nghệ thuật dòng ý thức.

Tác giả kể lại một câu chuyện trong tác phẩm, tức đã làm mất thời gian thực tế và tạo dựng một thời gian mới. Người đọc, trong quá trình tiếp nhận tác phẩm phải đọc lần lượt từ đầu đến cuối để hiểu được hết các dòng thời gian trong truyện kể. Đặc biệt với tác phẩm của Marcel Proust, khi mà thời gian hiện lên phức tạp với sự chằng chịt, đa tầng chồng chéo các mốc sự kiện, dòng ý thức miên man của nhân vật về quá khứ, tương lai… thì càng không thể đọc lướt.

Bộ tiểu thuyết đồ sộ Đi tìm thời gian đã mất gồm 7 tập của Marcel Proust tràn ngập các mốc thời gian, sự kiện được kể qua nhiều thủ pháp khác nhau, từ quay ngược thời gian trở về quá khứ đến đón trước những sự việc trong tương lai. Vì thế, bản thân mỗi cuốn tiểu thuyết đã là một biên niên sử bằng văn xuôi đồ sộ về các sự kiện chính trị, văn hóa, lẫn hoạt động của con người trong thời đại đó. Cho nên, ban đầu, cuốn sách đầu tiên trong bộ tiểu thuyết: Bên phía nhà Swann ra đời đã không nhận được sự chú ý và dần rơi vào quên lãng. Nhưng đến tác phẩm Dưới bóng những cô gái đương hoa, cuốn sách thứ hai trong tập tiểu thuyết, tài năng lẫn vấn đề thời gian trong truyện kể của Marcel Proust thực sự đã chinh phục được độc giả.

Cũng như các cuốn khác trong bộ tiểu thuyết, Dưới bóng những cô gái tuổi hoa chứa đựng vô vàn những vấn đề khác nhau cần được khai thác. Trong đó, vấn đề thời lưu nổi lên như một trong những vấn đề nổi bật cần được nghiên cứu, làm rõ ở tác phẩm.

Thời lưu trong giả thời gian của truyện kể là mối quan hệ giữa thời lưu thật sự của các sự kiện với giả – thời gian (độ dài văn bản): nhịp, tốc độ của truyện kể. Mà ở đó, giả thời gian là nghệ thuật sắp xếp sự kiện theo ý đồ riêng của nhà văn.

Thời lưu thể hiện ở tóm tắt, quãng ngưng, tỉnh lược, lớp cảnh trong tác phẩm. Trong đó, mối tương quan giữa thời gian truyện kể và thời gian cốt truyện ở các khía cạnh trên có thể đồng nhất hoặc có thể có sự sai biệt. Và với cuốn Dưới những cô gái đương hoa, dòng thời lưu càng được thể hiện rõ hơn bao giờ hết.

2. Thời gian tóm tắt trong tiểu thuyết Dưới bóng những cô gái đương hoa.

Duoi bong nhung co gai duong hoa

Trên khía cạnh tóm tắt, thời gian truyện kể sẽ nhỏ hơn thời gian cốt truyện. Tức thời gian cốt truyện có thể kéo dài hàng năm còn thời gian truyện kể thể hiện trên văn bản được co ngắn, cô đọng. Các sự kiện, lịch đại được tóm tắt trong lời kể. Vì thế, so với cốt truyện và dòng thời gian thực tế thì ngắn hơn nhiều. Như trong lời kể của ông de Norpois về ông Bergotte trong quãng thời gian mà hai người còn sống chung trong một địa điểm đã tóm lược lại lối sống của ông ta: “Trước đấy vài năm, Bergotte đi du lịch ở Vienne, trong khi tôi làm đại sứ ở đấy; được quận chúa de Metternich giới thiệu, ông ta đến ghi tên và ngỏ ý muốn được làm khách mời.”

Hay hàng loạt sự kiện chính trị diễn ra ở nước Pháp trước và trong lịch đại cuốn sách diễn ra đã được tóm tắt lại trong thời gian truyện kể của văn bản Dưới những cô gái đương hoa: “Căn phòng khách sạn rất cao này bỗng phảng phất một hơi hướng lịch sử có thể làm cho nó thích hợp với vụ ám sát công tước de Giuise, và về sau với những cuộc viếng thăm của du khách do một nhân viên của hãng Cook dẫn đường, những tuyệt nhiên không thích hợp với giấc ngủ của tôi”. Ngoài ra còn là sự tóm lược lại những bữa ăn thiết đãi khách khứa tại nhà Swann, những buổi thăm viếng của các chính khách như ông de Norpois, ông Bergotte, những cuộc đối thoại giữa các chính khác về công việc của họ…

Hoặc sự tóm tắt còn diễn ra với việc người trần thuật, nhân vật tôi tự tóm tắt quãng thời gian mình đã trải qua với những cảm xúc, những dằn vặt trong tâm hồn: “Ở Paris, nhờ sự thay đổi tập quán, tôi ngày càng dửng dưng với Gilberte. Chính sự thay đổi tập quán, tức là sự chấm dứt nhất thời thói quen, đã hoàn thành công việc của thói quen ấy khi tôi lên đường đi Balbec”.

Cuốn tiểu thuyết dài hơn 600 trang với sự đan xen chồng chéo của các sự kiện, từ sự kiện chính trị, văn hóa đến những sự kiện đời thường; trong sự kiện là lồng ghép sự kiện kia; giữa những đối thoại của các nhân vật lại là những câu chuyện khác nhau về lịch sử, chính trị, văn chương, triết học… Nếu không có sự tóm tắt về mặt thời gian truyện kể thì khó lòng cô đọng tất cả trong thời gian cốt truyện. Nhưng tóm tắt như vậy, tác giả bên cạnh việc đảm bảo về mặt phù hợp dung lượng tiểu thuyết, còn đảm bảo việc ghi chép lại một cách đầy đủ những sự kiện chính yếu nhất mà không bỏ sót bất cứ chi tiết nào. Từ đó, đưa cho người đọc một cái nhìn tổng quan nhất về cuộc sống, lịch sử, xã hội, con người.

3. Tỉnh lược và tương quan với các yếu tố khác trong nghệ thuật dòng thời gian của tiểu thuyết Dưới bóng những cô gái đương hoa

Dưới bóng những co gái đương hoa review

Bên cạnh việc tóm tắt, nhà văn còn tỉnh lược thời gian qua việc sử dụng ngôn ngữ: “Những năm sau”, “nhiều năm sau”, “Ba năm sau”… Trong khía cạnh này, thì thời gian truyện kể bằng không, rỗng về mặt nội dung. Còn thời gian cốt truyện bằng n mà ở đó, n có thể là một con số ngày, tháng, năm cụ thể hay là một khoảng thời gian bất định: những, nhiều, rất lâu sau đó…

Về mặt tỉnh lược, riêng với trường hợp của cuốn tiểu thuyết Dưới bóng những cô gái đương hoa thì sự tỉnh lược thời gian trước hết thể hiện ở hai phần: Phần 1 và phần 2. Ở phần một, sau khi đi đến quyết định chính thức chấm dứt quan hệ với Gilberte cùng cảm thức về gia đình Swann cùng những buổi trò chuyện với bà Swann của tôi; thì chuyển sang phần hai, ngay đoạn đầu tiên, Mercel Proust đã mở đầu bằng một khoảng thời gian đã qua: “Hai năm sau…”. Xét về mặt thời gian truyện kể, đã có sự tỉnh lược về mặt thời gian sự kiện khi mà tác giả không kể rõ ràng trong hai năm đó đã có những sự kiện nào xảy đến với tôi, gia đình tôi, gia đình Swann hay mối quan hệ giữa tôi và cô con gái nhà Swann đã đi đến đâu. Tuy nhiên, xét về mặt thời gian cốt truyện thì hai năm đó vẫn có ý nghĩa. Bởi trong hai năm ấy vẫn có những sự kiện đã diễn ra. Chỉ là tác giả đã không thể hiện điều ấy lên trang giấy và nếu muốn biết điều gì đã diễn ra, người đọc chỉ có thể suy đoán thông qua những sự kiện đầu tiên được kể đến sau hai năm đó cùng cảm xúc của con người đã trải qua quãng thời gian ấy.

Tỉnh lược thời gian không phải đến văn học thế kỷ XX mới xuất hiện. Trong truyện cổ tích, các tác giả dân gian vẫn thường xuyên sử dụng tình lược thời gian ở tiến trình cốt truyện. Như truyện Sọ Dừa đó là quãng thời gian người vợ Sọ Dừa sống trên hoang đảo, Nàng Bạch Tuyết và Bảy chú lùn là quãng thời gian nàng Bạch Tuyết nằm trong quan tài sau khi bị mụ phù thủy hãm hại, Công chúa ngủ trong rừng là 100 năm đợi chờ nụ hôn của hoàng tử. Nói vậy để thấy rằng, không phải đến Marcel Proust với Đi tìm thời gian đã mất nói chung, Dưới bóng những cô gái đương hoa nói riêng, tỉnh lược thời gian mới trở thành một yếu tố trong thời lưu tạo nên giả thời gian của truyện kể. Cái đặc biệt để làm nên sự đặc sắc cho tỉnh lược thời gian trong tác phẩm của ông ấy là việc gắn kết sự lược bỏ đó với các sự kiện thời gian xung quanh và đặt nó trong mối tương quan tổng thế với các yếu tố khác: tóm tắt, quãng ngưng, lớp, cảnh.

Như đã nói, không phải đến khi bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất hoàn thành thì nó mới được coi là một bộ tiểu thuyết đồ sộ. Mà chính trong mỗi tác phẩm nhỏ đã chứa đựng sự đồ sộ trong bối cảnh lịch sử, xã hội; những sự kiện diễn ra từ quá khứ, hiện tại, thậm chí là tương lai; và đặc biệt là suy nghĩ miên man của nhân vật. Chẳng thế mà văn chương của Marcel Proust được gọi là văn chương viết theo “dòng ý thức”. Ở đấy, ý thức của nhân vật như chế ngự thời gian; quá khứ, hiện tại, tương lai đan xen nhau theo lời kể, cũng như theo điểm nhìn, ý thức của người kể chuyện. Và mỗi khi ý thức lên ngôi, cảm quan của nhân vật lại tạo nên những quãng ngưng thời gian trong tác phẩm. Mà ở đó, thời gian ngưng lại theo ánh nhìn, suy tưởng, ý niệm của chủ thể. Vì thế, với quãng ngưng, thời gian truyện kể bằng n được tính bằng số trang hoặc văn bản; còn thời gian cốt truyện bằng không, bởi sự kiện được treo lại để nhân vật suy tưởng, chiêm nghiệm.

Hơn 600 trang sách của tác phẩm Dưới bóng những cô gái đương hoa là tràn ngập những dòng ý thức miên man bất tận của nhân vật tôi, vừa nhân vật chính vừa là người kể chuyện. Điểm nhìn không, thời gian đều được nhìn qua lăng kính của nhân vật tôi. Và với tư cách là một “văn sĩ trẻ”, hiện lên trên trang văn của Marcel Proust là người hết sức nhạy cảm, hay nghĩ, thì những dòng suy tưởng càng thêm dài, sâu sắc, quãng ngưng bởi thế cũng lại càng kéo dài hơn.

“Tôi” đã liên tưởng rất nhiều, dường như trước mỗi sự kiện, mỗi con người anh bắt gặp, mỗi mảnh đất anh đi qua, mỗi cảnh sắc anh nhìn thấy cũng có thể tạo thành một dòng ý thức khác nhau, tạo nên một quãng ngưng trong tác phẩm. Như trong cuộc trò chuyện với ông de Norpois là những ý thức xen ngang về gia đình Swann, về Gilberte, về buổi biểu diễn kịch của Berna. “Tuy vậy khi màn sân khấu buông xuống, tôi vừa thất vọng vì niềm hứng thú hằng biết bao ao ước chỉ có thế, vừa cảm thấy cần duy trì nó, nên ra khỏi nhà hát, tôi không muốn vĩnh viễn chia tay với cuộc sống sân khấu mình vừa mới sống trong mấy tiếng đồng hồ. Về tới nhà tôi cảm thấy phải dứt bỏ cuộc sống ấy để dấn thân vào cuộc lưu đày nếu không hi vọng biết được nhiều điều về Berna qua ông de Norpois”.

Và ở phần một thì dòng ý thức về Gilberte gần như chiếm trọn lấy dung lượng của phần này. Không gặp nàng nhân vật tôi cũng có thể suy nghĩ nhiều đến đổ bệnh. Gặp nàng rồi thì sự hoài nghi về tình yêu lại đẩy hai người đi xa nhau. Dòng ý thức trong chiêm nghiệm về tình yêu của tôi có thể kéo dài vài trang giấy; khi đó, thời gian sự kiện thực sự ngừng lại trước suy nghĩ của anh.

Sang phần hai, khi ý thức về Gilberte dần nhạt nhòa thì quãng ngưng được tái hiện trong suốt quãng thời gian “tôi” ở Balbec trên mỗi chặng đường tôi đi, mỗi con người tôi gặp, mỗi sự việc tôi trải qua: “Phía trên nhà ga Saint-Lazarre khi tôi đến để đáp tàu đi Balbec, mênh mang một bầu trời chói chang, chất chứa những đám mây đầy vẻ uy hiếp, trông tựa những bầu trời mang dáng dấp hiện đại, tương tự bầu trời Paris…”; “Thái độ xấc xược tôi cảm thấy ở de Saint – Loup và toàn bộ sự thô bạo tự nhiên tiềm tàng trong đó, thể hiện rất rõ mỗi khi anh chàng đi bên cạnh chúng tôi […]”

Và chính những quãng ngưng trong suy tưởng như vậy đã tạo nên sự quay ngược hay đón đầu của không, thời gian và làm nên tính chồng chéo, phức hợp trong các sự kiện. Bởi khi ở sự kiện của thời hiện tại, khi quãng ngưng xuất hiện với suy tưởng của tôi, thì thời gian có thể quay ngược về quá khứ. Như trong cuộc trò chuyện giữa tôi với de Norpois đã có xuất hiện một người nữa trong cuộc chuyện trò là bà Berna. Hay đó còn là sự đón đầu khá thú vị trong liên tưởng của “tôi”: “Tháng năm năm sau, ở Paris, tôi có nhiều dịp mua một cành táo ở hàng hoa, và đêm đêm ngủ trước những bông hoa táo lấp lánh một thứ phấn màu kem rắc lên những bông hoa mới nhú…”

Với quãng ngưng thời gian, nhân vật, cụ thể trường hợp của tác phẩm Dưới bóng những cô gái đương hoa, có điều kiện hướng sâu vào nội tâm, đi sâu vào thế giới tâm hồn con người. Được kể theo ngôi thứ nhất, vốn đã là ngôi kể có lợi thế lớn trong việc khắc họa nội tâm người kể chuyện; dòng ý thức, quãng ngưng thời gian trong Dưới bóng những cô gái đương hoa còn đan xen, xuất hiện dày đặc; chẳng thế mà theo dõi suốt hơn sáu trăm trang tác phẩm, ta như lạc vào mê cung cảm xúc, để cho “tôi” cho người viết dẫn dắt cảm xúc từ hết suy tưởng này đến suy tưởng khác. Khi quãng ngưng xuất hiện, thời gian ngưng đọng nhưng không gian tâm hồn con người lại được mở rộng tới vô cùng.

Cuối cùng, yếu tố thời lưu trong tác phẩm Dưới bóng những cô gái đương hoa còn thể hiện ở lớp, cảnh của câu chuyện. Trên khía cạnh này, thời gian truyện kể của lớp, cảnh bằng với thời gian cốt truyện.

Vì thế, ta thấy được trong lớp truyện nhân vật tôi đến gia đình Swann trong những lần tới thăm Gilberte hay đến thăm bà Swann thì thời gian truyện kể theo trục tuyến tính: đến, hoạt động, đối thoại với những người xung quanh, ra về. Và điều đó hoàn toàn trùng với thời gian cốt truyện. Hay như những cảnh tôi đi quanh vùng Balbec trên xe ngựa của bà Villeparisis: từ lúc khởi hành, trong quá trình khởi hành gặp những cô gái tuổi hoa, lúc trở về cùng bà đàm đạo về những văn sĩ đương thời gói gọn trong một ngày hoạt động. Nó cũng cũng khít với thời gian diễn ra ở cốt truyện.

Tất nhiên, hai loại thời gian: thời gian truyện kể và thời gian cốt truyện có độ dài bằng nhau ở khía cạnh lớp cảnh là xét về mặt tổng thể toàn bộ lớp, cảnh đó. Bởi nếu chia lớp, cảnh ra thành những phân lớp, phân cảnh nhỏ hơn thì sẽ có sự mất cân bằng về mặt thời gian. Bởi khi đó, sẽ xuất hiện sự xâm nhập của quãng ngưng, hay sự tóm tắt sự kiện.

Và bên cạnh sự mất cân bằng về mặt thời gian giữa thời gian truyện kể – thời gian cốt truyện do các khía cạnh tóm tắt, quãng ngưng, tỉnh lược tạo nên thì sự cân bằng trong hai mặt này về mặt lớp, cảnh khiến cho tác phẩn tiến gần hơn đến hiện thực. Dòng ý thức dẫu có miên man đến đâu thì cũng không thể vượt thoát khỏi hiện thực, tránh thoát khỏi sự khống chế của thời gian. Suy tưởng sâu xa song không vượt xa khỏi hiện thực. Khi cách tân trong việc sử dụng quãng ngưng làm nên nét độc đáo trong việc khai thác dòng ý thức của Marcel Proust ở tác phẩm Dưới bóng những cô gái tuổi hoa thì việc sử dụng nhiều lớp, cảnh với các phân cảnh nhỏ hơn tạo tính cổ điển cho câu chuyện.

Thời gian trong Dưới bóng những cô gái đương hoa, vì vậy càng thêm phần phức tạp bởi được thể hiện dưới nhiều hình thức, nhiều dạng khác nhau. Dòng thời lưu trong mối quan hệ giữa thời lưu thực sự của các sự kiện với giả thời gian của truyện kể ở Dưới bóng những cô gái tuổi hoa lại càng trở nên đa hình, chẳng chịt với những nhánh rẽ khác nhau. Và độc giả, chỉ biết thả cảm xúc theo dòng ý thức của nhân vật, để tác giả dẫn dắt vào mê cung xúc cảm, nỗi niềm của nhân vật trong tác phẩm.

4. Marcel Proust và những ám ảnh thời gian.

Luôn ám ảnh bởi hai chữ “thời gian”, Marcel Proust đã tạo nên một tuyệt tác đồ sộ với sự cách tân mạnh mẽ trong việc thể hiện thời gian ở văn chương, thời gian trong tiểu thuyết, truyện kể. Và quả thực, với sự sắp xếp thời gian theo dòng ý thức với yếu tố thời lưu trong giả thời gian của truyện kể thì Marcel Proust đã tiệm cận tới việc khắc họa tâm hồn, tâm lý con người thế kỷ XX nói chung, con người hiện đại nói riêng. Những con người, đến cuối cùng vẫn chẳng thể vượt thoát được sự khống chế, chi phối của thời gian. Và khi thời gian ngày một chảy trôi vô tình, con người lại càng thấy mình thêm nhỏ bé.

Mọt Mọt