Diễn ra từ năm 1866 đến năm 1869, Duy tân Minh Trị đã đưa đến những thay đổi trên mọi mặt đời sống, xã hội của đất nước Nhật Bản từ đó đến mãi về sau. Nước Nhật truyền thống đón nhận, giao thoa với nền văn hóa phương Tây ngoại lai. Và đứng trước đổi thay của thời cuộc, con người nước Nhật, đặc biệt là lớp trẻ lại càng thêm nhạy cảm, trong trái tim, tâm hồn họ lại càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn hơn bao giờ hết về cảm xúc, tình cảm giữa con người với con người, về hiện tại và tương lai, đặc biệt là cái tôi giữa buổi giao thời. Tất cả những xúc cảm tinh tế đó của con người, lớp trẻ Nhật Bản, đã được văn hào lỗi lạc Natsume Soseki khắc họa trong thiên tiểu thuyết được đánh giá là một trong những kiệt tác được yêu thích nhất của ông: Sanshiro.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Sanshiro Natsume Soseki

Cái tôi cá nhân giữa đổi thay thời cuộc

Theo lời dẫn của Công ty sách Tao Đàn: “Sanshiro là hiện thân của tất cả nghi ngờ, hứng thú và hoang đường của thời kỳ Minh Trị. Sanshiro là chân dung toàn hảo nhất về lớp trẻ Nhật Bản trong giai đoạn giao thời, là hình ảnh kiêu ngạo ngây thơ nhưng lại rất tinh tế sâu sắc của một thanh niên trong thời điểm xã hội giao tranh cũ mới…

Thật vậy, Sanshiro trước hết là bóng hình những người trẻ nước Nhật khi đứng giữa đổi thay thời cuộc. Họ là các chàng trai cô gái tuổi mới đôi mươi. Tuổi trẻ mang cho họ nhiều hoài bão và cũng nhiều mộng tưởng. Họ dễ mở lòng với nhau, dễ thân thiết và cũng dễ bỏ qua cho nhau những sai lầm, vụng dại. Họ khao khát được yêu, khao khát được thấu hiểu, khao khát có được một chỗ đứng trong lòng người và giữa cuộc đời, đồng thời họ cũng khao khát khẳng định một cái tôi tài năng cứu nhân độ thế. Nhưng cũng bởi họ còn quá trẻ mà trái tim, tình cảm dễ bị xao động. Có những khoảnh khắc, họ như lạc lõng, bơ vơ, chơi vơi vì chẳng thể tìm nổi tiếng nói chung với cộng đồng, và chính họ như cũng chẳng thể hiểu nổi bản thân. Họ thức tỉnh, ý thức về một cái tôi cá nhân mạnh mẽ nhưng cái tôi tuổi trẻ đó cũng lắm mâu thuẫn, giằng xé trong những tháng năm đầy biến động.

Đó là anh chàng Nonomiya Sohachi, một nhà Vật lý trẻ tuổi, nguyện giam mình từ ngày này sang ngày khác dưới hầm nghiên cứu của trường đại học để theo đuổi nghiên cứu về ánh sáng mà không biết ngày thành công hay nghiệm thu. Nhưng chàng trai tưởng chừng kiên định đó lại luôn xuất hiện những cảm xúc hết sức khó nói, khó tả khi đối mặt với gia đình, người thân. Là đàn ông nên khó bày tỏ và dễ dàng thừa nhận cảm xúc hay con người ấy sợ hãi bởi con người đó vốn không tìm thấy mối dây liên kết với gia đình, cái tôi chưa thể thành công hãi sợ đối mặt trước cô em gái thân quen? Hoặc đấy là cậu bạn cùng lớp với Sanshiro, Sasaki Yojiro, một kẻ có tài, cũng ý thức hết sức rõ ràng về tài năng bản thân. Anh ta có cái nhìn đầy thức thời trước con người và cuộc đời song cá tính có phần dửng dưng, tưng tửng, lông bông, lớt quớt, tùy tiện… lại dễ khiến những người xung quanh thiếu tin tưởng.

Người trẻ và sự thức tỉnh cái tôi cá nhân trong Sanshiro không đơn thuần chỉ đến từ phía các chàng trai mà còn tới từ phía các cô gái. Một Nonomiya Yoshiko có phần yếu đuối, dịu dàng và được giáo sư Hirota nhận định là người con gái truyền thống nhưng cũng có khía cạnh nổi loạn: cô tự học vẽ, có thất bại cũng không từ bỏ. Và một Satomi Mineko đầy mâu thuẫn, phức tạp. Người con gái dám tin, dám chủ động theo đuổi tình cảm cá nhân nhưng cũng mạnh mẽ cắt đứt tất cả khi nhận ra, mọi chuyện không thành.

Đặc biệt, không chỉ người trẻ mới có sự thức tỉnh bản ngã mà ngay chính những người trưởng thành cũng nhận thức rõ được về cái tôi cá nhân vào những năm đầu thế kỷ XX mà tiêu biểu, chính là giáo sư Hirota. Con người đó sống như một ẩn sĩ nhưng lại hiểu hơn ai hết những giao thoa và lai căng trong nền văn hóa Nhật Bản thủa giao thời cùng một ánh nhìn khách quan song cũng có phần bi quan về tương lai nước Nhật. Một người có thể khiến cho kẻ như Yojiro làm tất cả, gọi tên ông bằng bốn tiếng “Bóng tối vĩ đại.

Trên hết là chàng sinh viên Sanshiro, một chàng trai 23 tuổi, từ vùng quê nghèo, hẻo lánh Kumamoto đến Tokyo học tập. Ở Sanshiro là trọn vẹn những mâu thuẫn, giằng xé của tuổi trẻ nước Nhật nói riêng, con người Nhật Bản nói chung giữa một bên là quê hương với một bên là phố thị, giữa một bên là truyền thống với một bên là hiện đại, giữa một bên quá khứ, hiện tại với một bên là tương lai cùng cõi mơ. Sự thức tỉnh cái tôi của Sanshiro, thể hiện rõ nhất ở ba thế giới chàng trai đó nhận thức: thế giới xa xưa, “thoảng hương thơm của quá khứ”; thế giới hiện thực, phủ đầy rêu phong và sẽ trở thành kinh nghiệm, vốn sống quý quá cho Sanshiro khi 2, 30 năm qua đi; và thế giới tương lai, “một mùa xuân tràn sức sống.”

Song cũng bởi nhận thức được ba thế giới đó mà Sanshiro như lạc lối ở hiện tại. Anh không thể rũ bỏ gia đình nhưng trước khát vọng của bản thân, anh cũng không thể làm theo nguyện ước của mẹ mang đậm tư tưởng truyền thống. Anh muốn tiến tới, muốn chủ động nắm lấy hạnh phúc cho riêng mình song sự khắc kỷ cố hữu cùng cái tôi kiêu ngạo đã níu lấy bước chân Sanshiro. Kumamoto – Tokyo, cô gái Omitsu – Yoshiko và Mineko, người mẹ của Sanshiro – giáo sư Hirota… và ngay chính bản thân Sanshiro, tất cả đều là những hình ảnh đầy tính biểu tượng cho nước Nhật thủa giao thời sau những năm diễn ra Duy tân Minh Trị.

Những cá nhân trong Sanshiro cứ như vậy, có thức tỉnh bản ngã, có chủ động vươn lên để đổi thay số phận nhưng có lẽ như thế thôi là chưa đủ. Cuộc đời những con người ấy tưởng chừng yên bình, êm đềm, trầm lặng, tươi sáng trong các hoạt động vẫn diễn tiến từ ngày này sang ngày khác. Mà biết đâu rằng, bên trong họ cuộn xoáy bao mâu thuẫn, đối lập. Và… đâu chỉ Sanshiro mới là “Cừu đi lạc”, mỗi cái tôi trên trang văn của Natsume Soseki đều là “Cừu đi lạc” giữa một xã hội buổi giao thời.

Sanshiro Tao Đàn

*Cre: Facebook Tao Đàn

Chất bi thấm sau chất hài của một thời đại “ối a ba phèng” (chữ dùng của Nguyễn Tuân)

Không mang chất trào phúng sâu cay như Tôi là con mèo nhưng ở tiểu thuyết Sanshiro vẫn chứa đựng những tình tiết châm biếm nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà không kém phần sâu sắc. Nhưng ẩn sau chất hài, vẫn là chất bi, là những day dứt, trăn trở của tác giả Natsume Soseki về hai tiếng con người, về hai chữ cuộc đời trong xã hội Nhật Bản những năm đầu thế kỷ XX.

Thật vậy, dẫu rằng tiểu thuyết Sanshiro là sự thức tỉnh mạnh mẽ của cái tôi con người Nhật Bản trước thời cuộc thì Natsume Soseki cũng không chối bỏ những sự tréo ngoe thậm chí là lố bịch của những cá tính ông xây dựng lên. Một ông giáo có danh Giáo sư như Hirota lại quá an phận thủ thường, thậm chí có phần nhu nhược, “sáng cắp ô đi dạy, tối cắp ô về”, cuộc sống tưởng chừng chỉ gói gọn trong không gian hẹp: trường học và bốn bức tưởng ở khu trọ. Chàng trai đã tốt nghiệp Đại học, hiện đang làm việc ở khoa Vật lý Nonomiya có thừa đam mê nhưng tương lai lại mịt mờ khi đâm đầu vào một nghiên cứu như không tìm thấy lối ra, ngày ngày chôn vùi khát khao dưới lòng đất. Một kẻ đầy nhiệt huyết như Yojiro đến cuối cùng lại là kẻ lông bông không đáng tin đến thế: ham mê cá cược và mượn tiền không trả. Sanshiro, một chàng trai chân ướt chân ráo đến Tokyo đã bị nhận định là một tên “nhát gái.” Và hàng loạt những chi tiết ẩn dụ mang tính châm biếm gắn liền với văn hóa, lịch sử, xã hội Nhật Bản xuất hiện trong Sanshiro càng làm tăng thêm chất hài thời đại cho kiệt tác này.

Nhưng đằng sau tiếng cười ngỡ rằng được tạo tác lên từ từng lời văn tưởng chừng nhẹ bẫng của Natsume Soseki là tính bi, là chất sầu nhân thế khôn nguôi. Về những kiếp người tựa giáo sư Hirota, như sống cuộc đời thừa trong xã hội. Về những số kiếp giống Nonomiya, chôn vùi thanh xuân, tuổi trẻ dưới lòng đất với một công việc vô nghĩa lý khiến người ta kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần. Về những cô gái, có chủ động cũng chẳng vượt thoát hai tiếng vận mệnh. Về một chàng trai nhạy cảm, tinh tế, sâu sắc nhưng thiếu kiên định, quyết đoán mà cứ vậy lạc lối.

Nếu như thể hiện chất hài, giọng văn Natsume Soseki châm biếm nhẹ bẫng bao nhiêu thì khi thể hiện chất bi, giọng văn của ông lại thâm trầm, sâu lắng bấy nhiêu. Chất bi thấm trong con chữ, thấm lên cảnh vật, và thấm cả vào những bóng người bước đi trong một xã hội “ối a ba phèng” thủa giao thời. Quả thực, một thời thế như thế đã tạo ra những con người như thế.

Giao thoa văn hóa đã tạo lên mối xung đột giữa truyền thống – hiện đại và một hiện thực hỗn loạn giữa thật – giả như bào mòn đạo đức lẫn khao khát con người. “Cừu đi lạc, cừu đi lạc”, lời lẩm bẩm cuối cùng của Sanshiro, đâu chỉ là lời anh tự nói với bản thân mà đó như chính tiếng thầm thì của từng cá nhân sống đời “vô nghĩa lý” của một xã hội ngày giao thời. Cũng vì vậy, Sanshiro ngỡ chừng tươi sáng mà chất chứa đầy đau thương, tưởng rằng nhẹ nhàng hài hước đó mà cô đọng lại là hàng loạt bi kịch cá nhân.

Cũng cần phải nói rằng, không phải tới Sanshiro, chất bi chất hài đó mới quyện hòa trong một cuốn tiểu thuyết của Natsume Soseki mà yếu tố ấy đã xuất hiện ngay từ tác phẩm đầu tay của ông – Tôi là con mèo. Thật sự, độc giả có thể dễ dàng nhìn thấy sự tương đồng trong bóng hình cùng ngôi nhà của Giáo sư Hirota nơi ông thầy Kushima, hình ảnh nghiên cứu của anh chàng Nonomiya với anh chàng Kangetsu, dáng dấp của Yojiro trong con người Meitei,… Và có thể nói chăng, như có một mạch ngầm văn hóa, tâm thức con người cứ vậy chảy trôi không ngừng trên trang viết của Natsume Soseki. Tất cả làm nên dòng chảy lịch sử xã hội Nhật Bản những năm đầu thế kỷ XX trong văn chương Natsume Soseki.

Sanshiro

Đọc thêm: Tôi là con mèo – Kiệt tác châm biếm và tự trào.

Tâm hồn người trẻ năm biến động/ Mắt mèo dõi sâu buổi giao thời

Đôi mắt mèo năm nào từng quan sát, đánh giá cuộc sống con người xung quanh ông giáo Kushima ở tiểu thuyết Tôi là con mèo, giờ đây đã lùi về xa, như đặt điểm nhìn lên nhân vật Sanshiro để tiếp tục dõi theo biến động thời cuộc. Mà giữa bao biến động của xã hội, đất nước, không một ai, không một cá nhân nào có thể vượt thoát hai tiếng “vận mệnh.” Người ta có thể vẫy vùng, người ta có thể thản nhiên đón nhận, hoặc người ta có thể bị ngợp, bị lạc lối không tìm ra con đường cần phải đi… Nhưng dẫu thế nào, con người cũng không thể đứng im khi cuộc sống muôn sắc vẫn không ngừng vận động, thay đổi. “Mỗi khi nghe tiếng gió như vậy anh lại nhớ đến hai chữ “Số phận”. Tiếng gió hú gào ấy luôn khiến anh muốn co rúm người lại. Anh bao giờ tự nhận mình là một đấng nam nhi mạnh mẽ. Giờ phút này anh đang nghĩ về “Số phận.”

Và những tâm hồn tuổi trẻ, đã thức tỉnh cái tôi đầy nhạy cảm mang nặng giằng xé nơi tâm hồn, mang theo khao khát cá nhân kiếm tìm một vị trí trong xã hội lẫn trong lòng người, anh sẽ đối diện ra sao trước mâu thuẫn cá nhân cùng những mảng màu đối lập của thời đại; anh sẽ đối mặt thế nào với hai chữ “vận mệnh”, “số phận”? Hay tiếp tục tiếp tục và mãi là một chú “cừu đi lạc”? Đây có lẽ không phải là câu hỏi duy nhất trong tiểu thuyết Sanshiro nhưng chắc hẳn là câu hỏi ám ảnh, nhức nhối nhất mà tác giả Natsume Soseki đã đặt ra từ những năm đầu thế kỷ XX, để mãi về sau, hậu thế còn trăn trở kiếm tìm câu trả lời.

Và cái cách Sanshiro theo đuổi bóng hình Mineko, cũng chính như tượng trưng cho tuổi trẻ với đủ những yêu thương nghi kị, đuổi theo hoài vọng không thành mà chìm sâu thêm vào lầm lạc.

Link mua sách:

Mọt Mọt